Ngày 14/2, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” đối với Facebooker Đặng Như Quỳnh (42 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) . Trước đó, bị cáo Quỳnh bị TAND quận Nam Từ Liêm tuyên án 2 năm tù về tội danh trên.
Tại phiên tòa, bị cáo trình bày lý do kháng cáo là đề nghị được trả lại chiếc điện thoại hiệu Samsung Note 20 Ultra màu hồng, bị tòa cấp sơ thẩm tuyên là tang vật vụ án.
Theo bị cáo, chiếc điện thoại trên là tài sản của con gái Quỳnh; bị cáo cũng không dùng thiết bị trên để đăng tải các bài viết được xác định là "câu like", sai sự thật.
Trong khi đó, cơ quan tố tụng giải thích chiếc Samsung trên cài đặt ứng dụng trò chuyện Telegram. Trong ứng dụng này lại có những nội dung liên quan đến 2 bài đăng "câu like" của Đặng Như Quỳnh.
Trước cáo buộc này, bị cáo nói tài khoản Telegram được đồng bộ trên nhiều điện thoại. Quỳnh chỉ sử dụng chiếc iPhone 12 ProMax để đăng tải các bài viết sai sự thật, nhưng nội dung các bài viết được đồng bộ vào cả chiếc Samsung.
Khi được cho nói lời sau cùng, Đặng Như Quỳnh bật khóc, trình bày sức khỏe của bản thân không được tốt. Bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình và đi chữa bệnh.
Xét thấy không có cơ sở để giảm án, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đặng Như Quỳnh và giữ nguyên bản án sơ thẩm 2 năm tù đối với bị cáo. Tòa tuyên trả lại cho bị cáo chiếc iPhone 12 pro màu đen và máy tính xách tay màu trắng đã qua sử dụng, tịch thu sung công quỹ Nhà nước một điện thoại Samsung Ultra Note 20.
Trước đó, chiều 27/10, TAND quận Nam Từ Liêm tuyên phạt Đặng Như Quỳnh 2 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, Đặng Như Quỳnh sử dụng tài khoản Facebook cá nhân mang tên bị cáo để đăng tải các bài viết do bản thân bị cáo soạn hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác.
Thời điểm tháng 4, tài khoản trên có hơn 300.000 người theo dõi; các bài viết, bài chia sẻ thu hút lượng lớn tương tác, bình luận, chia sẻ lại.
Ngày 2/4, thông tin về một số cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản bị các cơ quan chức năng xử lý sai phạm xuất hiện.
Khi đó, Đặng Như Quỳnh đã tự suy diễn, đăng tải công khai trên Facebook cá nhân bài viết có nội dung ám chỉ cơ quan tố tụng sẽ xử lý hình sự với ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Mặc dù, thời điểm trên, VKSND TP xác định cơ quan chức năng không hề đưa ra thông tin liên quan đến trường hợp trên.
Bài đăng của bị cáo thu hút hàng nghìn tài khoản vào tương tác, bình luận và chia sẻ lại. Đến ngày 5/4, cơ quan tố tụng mới công bố thông tin về việc xử lý hình sự đối với ông Đỗ Anh Dũng thì Đặng Như Quỳnh chỉnh sửa bài đăng trước đó, bổ sung thêm nội dung từ cơ quan chức năng, để định hướng dư luận là bị cáo biết trước thông tin.
Nhận thấy những bài đăng của mình thu hút được sự quan tâm, bị cáo Quỳnh tiếp tục đăng bài viết dự báo về việc ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Viglacera) bị bắt.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong ngày 6/4, Quỳnh đã đăng tải 2 bài viết có nội dung sai sự thật, kèm theo hình ảnh ông Tuấn, ám chỉ việc vị lãnh đạo này sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra, bắt tạm giam.
Sau những bài đăng này, mã chứng khoán của Công ty Gelex và nhóm các cổ phiếu liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, các phiên giao dịch ngày 6, 7, 8, 11, 12/4/2022, các mã chứng khoán này bị các nhà đầu tư đặt lệnh bán với số lượng lớn, thị giá và vốn hóa trên thị trường bị giảm mạnh. Từ đó, các chỉ số VN-INDEX, HNX-INDEX, UPCOM cũng bị ảnh hưởng, giảm điểm mạnh, gây hoang mang trong dư luận và các nhà đầu tư.
Ngày 12/4, một số nhà đầu tư chứng khoán gửi đơn tố giác Đặng Như Quỳnh về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp, đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hình ảnh và hoạt động của các công ty, cũng như giá cổ phiếu, làm thiệt hại tài sản của các nhà đầu tư.
Ngày 29/8, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định bị cáo Quỳnh đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân ông Nguyễn Văn Tuấn. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng kết luận 2 bài viết ngày 6/4 của Đặng Như Quỳnh là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với các mã chứng khoán có liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn.
Bình luận