• Zalo

Tòa nhà Sakura Tower xây không phép: Nếu cháy, dân không có lối thoát!

Bạn đọcThứ Tư, 16/07/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Những sai phạm của chủ đầu tư Sakura Tower đang đe doạ tính mạng của hàng trăm người dân sinh sống tại đây.

(VTC News) – Những sai phạm của chủ đầu tư Sakura Tower đang đe doạ tính mạng của hàng trăm người dân sinh sống tại đây.

Như đã đưa tin, vào tháng 7/2011, chủ đầu tư công trình Sakura Tower tại 47 phố Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt 500 triệu đồng vì hành vi không có Giấy phép xây dựng. Vào thời điểm đó, tòa nhà này đã hoàn thành xây thô được hơn 20 tầng.
Sau đó không lâu, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng cho công trình. Theo Giấy phép số 13, do ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây Dựng TP Hà Nội khi đó ký (ngày 18/1/2012) thì chủ đầu tư được phép xây dựng tòa nhà với 22 tầng, 2 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng lửng.
Trong một văn bản gửi tới UBND quận Thanh Xuân mới đây, chủ đầu tư là Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn thừa nhận đã thay đổi công năng sử dụng gồm: 
"Tầng kỹ thuật 1 (tầng 3B): Diện tích sử dụng là 1.112,7m2 để bố trí văn phòng làm việc của công ty; Tầng kỹ thuật 2 (tầng 12B): Diện tích sử dụng 1.164,4m2 để bố trí các căn hộ nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty hoặc cho thuê; Tầng 24, tầng 24B, tầng mái: Từ thiết kế ban đầu là các căn hộ cao cấp, diện tích rộng, thông tầng penthouse thành các sản phẩm độc lập, chia nhỏ thành các căn hộ có diện tích phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Toà nhà Sakura Tower. 
Sau khi đăng tải loạt bài về những sai phạm nói trên của chủ đầu tư công trình Sakura Tower, mới đây báo điện tử VTC News đã nhận được đơn phản ánh của 74 hộ dân đang sinh sống tại toà nhà Sakura. Trong đơn này, các hộ dân “tố giác” một loạt sai phạm mới của chủ đầu tư là Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn.
Theo đó, chủ đầu tư toà nhà không chỉ tự ý thay đổi công năng tại một số tầng mà còn xây thêm một số tầng khác trái với giấy phép, thang máy và hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn chiếm luôn cả diện tích sinh hoạt chung của cư dân để mở siêu thị…
Thang máy có thể rơi bất cứ lúc nào
Bà Trần Lệ Dung – Phó trưởng ban đại diện cư dân số 47 Vũ Trọng Phụng cho biết, về việc thay đổi công năng và xây dựng thêm tầng trái với Giấy phép xây dựng, hiện toà nhà Sakura Tower cao tới 27 tầng (không tính hai tầng hầm). Đáng chú ý, toàn bộ 27 tầng này đã được chủ đầu tư thiết kế thành các căn hộ và văn phòng cho thuê.
“Hiện nay không còn tầng kỹ thuật nào nữa. Riêng tầng 24, theo thiết kế ban đầu là thông tầng penthouse. Nhưng hiện nay chủ đầu tư đã ngăn tầng này thành 2 tầng riêng biệt. Ngoài ra, họ còn xây thêm một tầng nữa trái với giấy phép. Nếu không tính 2 tầng hầm thì hiện toà nhà có tổng cộng 27 tầng. Tất cả các tầng này đều có người thuê để ở hoặc làm văn phòng,” bà Dung nói.
Theo bà Dung thì việc xây thêm tầng trái phép khiến cho mật độ dân cư của toà nhà vượt quá mức cho phép. Việc chủ đầu tư tự ý nâng tầng cũng khiến cư dân lo ngại hệ thống thang máy bị đẩy lên quá chiều cao được cấp phép của toà nhà. 
Nghiêm trọng hơn, hiện thang máy của toà nhà chỉ được che chắn bởi một mái tôn. Điều này không đảm bảo an toàn cho hệ thống thang máy, đe doạ trực tiếp tới tính mạng của người dân khi di chuyển, đặc biệt là khi trời giông bão.
“Hệ thống thang máy đáng ra phải được bảo vệ bằng phần mái được đổ bê tông kiên cố. Nhưng vì đã xây thêm tầng quá cao nên chủ đầu tư chỉ làm một tum bằng tôn để che thang máy. Cách đây ít hôm, khi Hà Nội có gió lớn, phần mái tôn che thang máy đã bị lật và bay ra cách toà nhà hàng chục mét. Nếu nước mưa chảy vào thì việc thang máy bị chập điện và rơi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra,” bà Dung cho hay.
Một sai phạm khác của chủ đầu tư mà cư dân phản ánh, đó chính là việc không thực hiện giải toả và sử dụng mặt bằng theo giấy phép. Cụ thể, theo trích lục bản đồ số 183/GĐ&TĐ kèm theo hợp đồng thuê đất số 133/HĐTĐ giữa Sở Tài nguyên - Môi trường và Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn thì mặt bằng lô đất khu B phía sau toà nhà được sử dụng để xây dựng trạm điện, trạm ga và tầng hầm để phục vụ toà nhà. 
Tuy nhiên, hiện khu đất này lại được chủ đầu tư sử dụng làm kho kinh doanh. Trong khi đó, chủ đầu tư đã kéo trạm biến áp vào diện tích tầng hầm của toà nhà. 
Biên bản làm việc của Sở PCCC Hà Nội với chủ đầu tư và đại diện cư dân toà nhà số 47 Vũ Trọng Phụng.
Cũng theo cư dân, nhà số 45 Vũ Trọng Phụng nằm trong chỉ giới đường quy hoạch, chủ đầu tư có trách nhiệm phải giải toả để làm vỉa hè, đảm bảo diện tích lưu không của toà nhà Sakura. Nhưng tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.
“Nhà số 45 hiện vẫn nằm án ngữ trước nhà số 47 của chúng tôi. Nếu có hoả hoạn xảy ra thì xe chữa cháy sẽ không có lối đi vào để tiếp cận toà nhà. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải phá dỡ ngay nhà số 45 theo đúng quy định để đảm bảo an toàn tính mạng của cư dân chúng tôi,” bà Dung nói.
Phó trưởng ban đại diện cư dân 47 Vũ Trọng Phụng cho biết thêm, theo quy định thì chủ đầu tư phải dành diện tích 121m2 để làm nhà sinh hoạt chung của khu chung cư. Tuy nhiên, hiện diện tích này đang được chủ đầu tư sử dụng để làm siêu thị.
Nếu cháy thì dân không có lối thoát
Liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy của toà nhà, bà Dung cho biết, hiện toà nhà Sakura chưa được lắp hệ thống cảm ứng báo cháy theo thiết kế và theo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy hiện hành.
“Nếu có hoả hoạn thì chuông báo cháy cũng không kêu. Xe cứu hoả cũng không thể tiếp cận toà nhà. Điều này đe doạ trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm người dân đang sinh sống tại toà nhà,” bà Dung nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 10/7 vừa qua, Sở PCCC TP Hà Nội đã xuống kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư toà nhà Sakura. Trong đó, Sở PCCC xác nhận, phòng kỹ thuật thang máy tầng trên cùng hiện tại đang được lợp tôn, không xây phòng kiên cố.
Sở PCCC cũng nhận thấy rằng, đường giao thông trước và 2 mặt công trình hiện bố trí bãi đỗ xe ô tô và xe máy. Hướng Tây Nam của công trình hiện tại có xây dựng 1 công trình 1 tầng không có trong bản vẽ được thẩm duyệt về PCCC. Tầng hầm của công trình có bố trí trạm biến áp và máy phát điện không có trong hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt về PCCC.
Hiện tại, hệ thống PCCC lắp đặt tại công trình và các hệ thống kỹ thuật khác liên quan chưa được thi công hoàn thiện và chưa được đưa vào vận hành (chưa có máy bơm chữa cháy).
Tại thời điểm kiểm tra, công trình Sakura Tower chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Liên quan đến những sai phạm nói trên, bà Trần Lệ Dung cho biết, cư dân 47 Vũ Trọng Phụng đã nhiều lần gửi văn bản, thậm chí là gặp trực tiếp chủ đầu tư để đề nghị khắc phục. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, yêu cầu của cư dân vẫn chưa được giải quyết.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư khắc phục những sai phạm này nhưng không được giải quyết. Bởi vậy, chúng tôi khẩn thiết mong các cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, để đảm bao an toàn tính mạng, quyền lợi cho các cư dân đang sinh sống tại toà nhà số 47 Vũ Trọng Phụng,” bà Dung nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn