• Zalo

Tòa nhà lấn át không gian Lăng Bác: Chủ đầu tư sẽ bị xử lý ra sao?

Thời sựThứ Ba, 06/10/2015 11:46:00 +07:00Google News

Tòa nhà số 8B Lê Trực mắc hàng lọat sai phạm. Chủ đầu tư tòa nhà số 8B Lê Trực có thể bị xử phạt như thế nào?

(VTC News) – Với hàng loạt sai phạm được phát hiện, chủ đầu tư tòa nhà lấn át không gian Lăng Bác có thể bị xử phạt như thế nào?

Phóng viên VTC News đã phỏng vấn Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Hà Nội liên quan đến những sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.

- Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về dự án tại số 8B Lê Trực vừa qua, UBND TP Hà Nội đã nêu ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư. Với những sai phạm đó, chủ đầu tư có thể bị xử lý ra sao, thưa ông?

Theo nội dung báo cáo thì rõ ràng, chủ đầu tư xây dựng công trình tòa nhà số 8B Lê Trực đã có những sai phạm nghiêm trọng so với Giấy phép xây dựng đã được cấp.

Tại Điều 12 Luật xây dựng 2014 đã quy định rõ, pháp luật nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.

Bên cạnh đó, trong các quy định tại Luật xây dựng cũng yêu cầu việc xây dựng công trình phải bảo đảm đúng thiết kế, bảo vệ cảnh quan, bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội


Tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ Lăng Bác.

Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 5 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở thì chủ đầu tư xây dựng công trình có thể bị xử lý như sau:

“Điều 13. Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng

5. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.”

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật thủ đô), thì đối với việc xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp thì chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng (Điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị quyết 07/2014/NQ-HĐND).

Cùng với việc xử phạt hành chính với mức tiền nêu trên, căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng thì chủ đầu tư còn bị xử lý như sau:

- Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng.

- Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư buộc phải tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng đồng thời bị áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;

- Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

- Như vậy cơ quan chức năng sẽ phải yêu cầu chủ đầu tư cắt bớt chiều cao tòa nhà cũng như phần diện tích mà chủ đầu tư đã xây dựng trái phép?

Theo quan sát và thông tin từ phía các cơ quan chức năng trong thời gian qua thì tòa nhà 8B Lê Trực cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng 400m và cách tòa nhà Văn phòng Quốc hội khoảng 100m. Đây là khu trung tâm chính trị và là vị trí đặc biệt quan trọng đối với vấn đề an ninh Quốc gia.

Luật sư kiến nghị cần phải cắt bỏ 8 tầng tòa nhà 8B Lê Trực hiện tại.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực Quảng trường Ba Đình là không gian lịch sử văn hóa của cả Quốc gia. Trong khi đó, tòa nhà 8B Lê Trực là văn phòng, nhà ở cao tới hơn 60m thì dù nằm trong hay ngoài quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình cũng là không phù hợp với không gian truyền thống, lịch sử.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa tòa nhà đến Lăng Bác quá gần, cộng thêm chiều cao vượt trội còn gây bất an tới an ninh Quốc gia. Như vậy, rõ ràng cả về mặt tâm linh, phong thủy và an ninh Quốc gia thì việc để tồn tại tòa nhà như vậy là vấn đề không thể xem thường.

Mặt khác, cũng theo quy định ở trên thì tòa nhà số 8B Lê Trực không thuộc trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng để phù hợp với số tầng thực tế xây dựng như quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng cần có biện pháp để phá dỡ số tầng theo đúng quy hoạch và Giấy phép xây dựng đã được cấp.

Theo kết luận tại báo cáo thì công trình này vượt quá khoảng 16m, tương đương với 5 tầng. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì khu vực tiếp giáp khu trung tâm chính trị Ba Đình không được cao quá 11 tầng.

Hiện tại, công trình này được xây dựng cao 19 tầng. Do đó, để đảm bảo về mỹ quan cũng như vấn đề an ninh chính trị thì công trình trên nên được phá dỡ để chiều cao không quá 11 tầng (phá dỡ 8 tầng).

- Nếu cắt bớt chiều cao cũng như phần diện tích xây dựng sai phép thì quyền và lợi ích của khách hàng đã mua căn hộ tại đây sẽ được giải quyết thế nào?

Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản có quy định về “Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh”.

Theo đó, điều kiện để kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai gồm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.

Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Như vậy, trong trường hợp này chủ đầu tư buộc phải cắt bớt chiều cao cũng như phần diện tích xây dựng sai phép thì cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường giá trị bên mua đã thanh toán và chịu phạt cọc theo hợp đồng thỏa thuận góp vốn giữa chủ đầu tư và các khách hàng.

- Vì sao cơ quan chức năng đã có ít nhất 27 lần kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây dựng tòa nhà trái phép như hiện nay?

Hành vi ngang nhiên xây dựng trái phép của chủ đầu tư thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh thái độ phớt lờ pháp luật của chủ đầu tư cũng phải xem xét đến sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Liệu các cơ quan chức năng đã thật sư nghiêm túc và nghiêm minh trong việc quản lý các công trình xây dựng trên địa bàn mình quản lý hay chưa?

Dự án 8B Lê Trực đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về xây dựng. Ngoài các ý kiến ở đã nêu trên, tôi đề nghị cần phải xử lý kiên quyết, triệt để các sai phạm của Chủ đầu tư khi đã xây vượt quá chiều cao của giấy phép xây dựng đã được cấp.

Mặt khác, cần phải xác định có hay không lỗi của các cơ quan chức năng có liên quan tới việc thanh tra, kiểm tra sai phạm của công trình. Vụ việc trên đã có sai phạm và được dư luận phản ánh cũng như theo báo cáo của UBND thành phố. Theo đó, công trình đã được kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên lại không có các biện pháp cưỡng chế không cho thi công xây dựng. Đến hiện nay, công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện với sự vào cuộc của báo trí dư luận, mới tiến hành thanh tra kiểm tra một cách quyết liệt.

- Xin cảm ơn luật sư!

Minh Quyết(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn