Trong những ngày qua, dư luận và các nhà hoạch định chính sách đều quan tâm sâu sắc đến tương lai ngành robot ở Việt Nam.
Đặc biệt, lần đầu tiên, tại Việt Nam, sẽ diễn ra cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em ở Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) vào ngày 27/10 tới đây, khiến vấn đề giảng dạy robot trong trường học, rồi tương lai ngành robot Việt Nam càng trở nên nóng bỏng.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo điện tử VTC News đã tổ chức một buổi tọa đàm giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế, để tìm ra phương hướng phát triển ngành robot ở Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của bà Ong Poh Swan (thạc sĩ giáo dục, lãnh đạo của DES, cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Robotics của Eduspec Holdings Berhad, Malaysia); TS. Phạm Phương Luyện (Nguyên Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG, Hà Nội, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồngbộ môn Tiếng Anh, Bộ GD và ĐT); Ông Nguyễn Thế Trung (Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ DTT, người đưa môn học robotics về Việt Nam).
- Sự hiện diện của những con robot trong xã hội tương lai là điều mà ai cũng đoán được. Phim ảnh cũng đề cập đến viễn cảnh này như một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, thực tế của công nghệ robot trong tương lai ra sao, thì vẫn cần những dự đoán của các chuyên gia…
Bà Ong Poh Swan: Khi nói về robot, chúng ta sẽ nghĩ đến Nhật Bản. Những nhà chế tạo robot thành công từ Nhật Bản như Mitsubishi, Honda, Toyota... khởi đầu đều từ xưởng cơ khí quy mô hộ gia đình, trước khi họ mở rộng quy mô thành một công ty đa quốc gia có bao gồm bộ phận nghiên cứu và chế tạo robot của riêng mình. Bà Ong Poh Swan
Chúng ta đang sử dụng các sản phẩm chế tạo tại Nhật Bản đạt chất lượng quốc tế, và hầu hết đều do robot lắp ráp.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng dự đoán trong tương lai những con robot không chỉ có trong nhà máy, mà nó còn xuất hiện trong nhà của chúng ta, trong khu vực dịch vụ và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn ở những nơi con người không thể đến được. Sự phát triển của robot trong tương lai là điều không có gì phải bàn cãi.
TS. Phạm Phương Luyện: Từ lúc Unimate được Hãng General Motors đưa vào sử dụng năm 1961, các robot thường được sắp xếp để hoạt động độc lập cách ly với con người. Nhưng nay với các robot có chất liệu mềm dẻo hơn và lập trình thông minh hơn, làn sóng đưa robot vào làm việc chung với công nhân đồng nghiệp đã bắt đầu.
Tại cuộc triển lãm tháng 6 năm nay, người ta thấy một robot của Viện Kỹ thuật Massachusetts đang học cách làm việc của một công nhân, rồi lặp lại các thao tác tương tự một cách độc lập.
Trong bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron, Hollywood, đã hình dung ra một Jake Sully có thể làm các công việc khác nhau thông qua một robot ở cách xa hàng dặm.
Ngày nay, nhiều công ty công nghệ đã bắt đầu sản xuất các loại robot điều khiển từ xa như Vgo, hay Ava của iRobot, Texai của Willow Garage.
Trong dự án RP-7 của Touch Health, các bác sĩ đã có thể thăm khám bệnh nhân từ xa thông qua hệ thống hiện diện robot (robotic telepresence system).
Robot đang nhanh chóng thâm nhập vào nền kinh tế. Một mặt tạo nên một ngành kinh tế mới và nhu cầu đào tạo đội ngũ chuyên viên, mặt khác tạo nên lực lượng lao động mới cho nền kinh tế. Với nước ta, đây là một cơ hội, nhưng cũng là một thách thức.
Ông Nguyễn Thế Trung: Đã có lúc chúng ta biết đến robot dưới tên “người máy” qua các hình nhân như Asimo hay Topio, hoặc các cánh tay máy sử dụng trong các dây chuyền lắp ráp xe hơi. Nhưng trên thực tế robot có bất kỳ chất liệu nào và hình dạng hay kích cỡ nào, từ các cỗ máy cơ điện tử tự động mô phỏng những bộ phận hoạt động của con người hay con vật đến các dạng côn trùng biết bay hay những cấu trúc vi khuẩn li ti di chuyển dưới lực điện áp hay nhờ sức căng mặt ngoài của nước.
Đơn giản, robot là các cấu trúc nhân tạo có thể tự động thực hiện một số công việc giới hạn trong nội dung thiết kế của người sản xuất ra nó. Ông Nguyễn Thế Trung
Ngày nay, kỹ nghệ robot phát triển rất nhanh, đi đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Đức. Ở nước ta, kỹ nghệ này cũng bắt đầu manh nha với một đội ngũ chuyên viên rất trẻ.
Robot được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ lắp ráp công nghiệp đến khảo sát không gian hay thám sát lòng đất, lòng biển, từ nghiên cứu thí nghiệm đến tham gia rà phá bom mìn hay thực hiện các chiến dịch quân sự, từ thay thế nhân công để đảm nhận các công việc nguy hiểm hay gia tăng năng suất hạ thấp giá thành đến trợ giúp các sinh hoạt con người.
Sự phát triển nhanh chóng này làm cho kỹ nghệ robot ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Trong tương lai, thị trường robot sẽ mang lại lợi nhuận hàng ngàn tỷ USD. Chúng ta không quan tâm đầu tư vào ngành này, thì chúng ta sẽ tụt hậu mãi mãi.
TS. Phạm Phương Luyện: Đáng mừng là Chính phủ đã chấp thuận dự án đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chíp với công suất 400 triệu chíp/năm. Hiện chính phủ và các bộ ngành có liên quan cũng đang tính hướng đi tiếp sau đó như thế nào. Chế tạo robot là một hướng đi tất yếu. Đây là con đường tác động lên công nghiệp hóa hiện đại hóa nhanh nhất, động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp robot phát triển ở Việt Nam.
- Hiện thế giới đã đưa môn học robotics vào các trường tiểu học, thậm chí là mầm non. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh, giáo viên còn lăn tăn là học sớm quá, rồi thì quá tải. Vậy ý kiến của các chuyên gia về chuyện này ra sao?
Bà Ong Poh Swan: Nhận thức được Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) rất quan trọng, nên chính phủ Hoa Kỳ cũng ủng hộ học sinh bắt đầu học các môn STEM khi còn nhỏ để cung cấp các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai của mình.
Thật vậy, kỹ năng STEM không chỉ là kỹ năng công việc, mà còn bao gồm các kỹ năng sống. Có rất nhiều thiết bị điện tử xung quanh chúng ta ngày hôm nay, và học để vận hành chúng sẽ là một lợi thế cho cuộc sống của một người. Trong thực tế, mỗi phụ huynh nên bắt đầu chia sẻ việc sử dụng STEM trong cuộc sống hàng ngày với con cái mình.
TS. Phạm Phương Luyện: Robotics nên hiểu là môn “Làm quen với cách điều khiển robot” dành cho trẻ nhỏ ở bậc tiểu học. TS. Phạm Phương Luyện
Nó có quan hệ với môn Tự động hóa – Điều khiển quá trình ở bậc đại học nhưng không phải liên thông như các môn khoa học tự nhiên khác (càng lên cao càng sâu). Vì thế không nên nhầm rằng ta đưa môn học cao cấp của bậc đại học vào “tra tấn bọn trẻ” để luyện “thần đồng”. Hai thứ khác xa nhau.
- TS. Phạm Phương Luyện là một chuyên gia giáo dục cao cấp. Vậy theo quan điểm của ông về việc phát triển môn học này đại trà? Sẽ gặp những khó khăn gì khi phổ cập?
TS. Phạm Phương Luyện: Học hay không là quyền lợi của bọn trẻ, không ép buộc, cũng không vận động thái quá. Môn này kén giáo viên, kén môi trường học (hạ tầng, điều kiện ánh sáng, độ ẩm, không bụi...) và kén cả người học (đam mê, thích thú khám phá, tò mò...).
Nên tốt nhất là tổ chức như lớp học năng khiếu, ngoại khóa ở những trường hội đủ điều kiện.
- Cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho trẻ em được tổ chức đều đặn hàng năm là để lựa chọn các tài năng cho ngành kỹ thuật robot của thế giới?
Bà Ong Poh Swan: Chúng tôi không coi điều đó là quan trọng, bởi đối tượng dự thi là các em thiếu nhi, còn rất nhỏ, chưa nói lên điều gì ở tương lai. Môn học này mới chỉ giúp các em làm quen với công nghệ sáng tạo, vận hành robot mà thôi.
Giải thưởng Tuổi trẻ kỹ thuật số (DYA) là một dự án phi lợi nhuận đặc biệt được đưa ra nhằm thúc đẩy và tăng cường trao đổi văn hóa tuổi trẻ, hữu nghị và giáo dục thông qua nhiều hình thức giải trí kỹ thuật số khác nhau, chứ chưa nhằm mục đích tìm kiếm tài năng xuất chúng.
Lấy ý tưởng từ giải thưởng Nobel, Giải thưởng DYA sẽ được trao cho các bạn trẻ. Nhờ cuộc thi, giải thưởng này, mà có thể đưa tài năng và phong cách kỹ thuật số của các em vượt ra ngoài biên giới quốc gia và để các em trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác cũng như giao lưu với các thanh thiếu niên từ các quốc gia khác nhau. Mục đích giao lưu, học hỏi vẫn là quan trọng nhất.
Học sinh Việt Nam đoạt giải cuộc thi robotics năm 2011 ở Indonesia |
|
Nâng cao khả năng tự chủ, khả năng tư duy độc lập và các kĩ năng phối kết hợp nhóm của các em – những kỹ năng rất cần thiết trong thời đại hiện nay.
Cuộc thi góp phần tạo một sân chơi cho các em nhỏ trên toàn thế giới; là nơi các em giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó phát triển kỹ năng giao tiếp với bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là môi trường cạnh tranh lành mạnh và bổ ích cho các em.
Cuộc thi sẽ tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức để xã hội hóa kinh phí tạo sân chơi cho các em.
- Xin được đưa ra câu hỏi riêng cho bà Ong Poh Swan. Ở Malaysia, môn học này đã được đầu tư và phát triển như thế nào trong các trường học?
Bà Ong Poh Swan: Ở Malaysia, môn học robotics phát triển rất mạnh. Chúng tôi mới chỉ đầu tư vài năm nay, mà đã có 4.000 trường giảng dạy. Môn học robot gần như đã phổ cập trong các trường.
Xin được nói thêm rằng, Eduspec đã đưa ra một chương trình giảng dạy robot lên cấu trúc khác nhau, từ mầm non đến cấp trung học. Chúng tôi đã triển khai Phòng thí nghiệm Robotics tại một vài quốc gia và thấy kết quả rất khả quan. Tất cả các khóa học của chúng tôi đều được thực hiện bằng tiếng Anh, ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay.
Nhiều chuyên gia giáo dục từ các nước khác cũng quan tâm đến chương trình này, và chúng tôi có thể sớm nhìn thấy những dự án kinh doanh trong tương lai vào các quốc gia mới.
Học sinh mẫu giáo đã có thể lắp ráp robot |
TS. Phạm Phương Luyện: Không phải là môn bắt buộc, ai thích thì tự nguyện đăng ký, học không được thì xin rút. Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy phụ huynh phản đối mà ngược lại, họ theo sát con em mình tham gia thi đấu, kể cả ra nước ngoài cùng con và... không dám nhìn khi con mình bước chân lên khán trường.
Học phí học môn này chưa tới 300 ngàn đồng/tháng, tương tự như học tiếng Anh và các môn năng khiếu khác thôi. Nếu học ở trường thì robot do DTT cung cấp, nhưng phụ huynh muốn con mình sở hữu một con robot tiêu chuẩn thì phải chi tới vài ngàn USD.
- Được biết bà Ong Poh Swan đã thực tế một số lần ở các trường đào tạo robotics tại Việt Nam. Bà nhận xét gì về việc tiếp thu môn học robotis của học sinh Việt Nam?
|
Tôi nhiệt liệt khuyến nghị các trường Việt Nam cùng đứng lên và đón nhận những cơn gió của sự thay đổi trong môn Robotics trong giáo dục.
Năm nay, chúng tôi rất vinh dự khi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Hiệp hội Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã đồng phối hợp tổ chức cuộc thi năm nay với chúng tôi. Đặc biệt là cuộc thi được tài trợ bởi Tập đoàn DTT của Việt Nam.
Việt Nam có tổng cộng 14 trong số 53 đội tham gia trong năm nay. Điều này đã cho thấy rằng các đội tham gia cũng hào hứng với môn Robotics.
Tôi cũng đã thực tế việc học robotics ở Việt Nam và thấy trẻ em Việt Nam thực sự thông minh, nắm bắt công nghệ rất nhanh. Trẻ em Việt Nam vừa thông minh, vừa chịu khó, cần cù, đó là thế mạnh mà ít quốc gia nào có được.
Học sinh Việt Nam thi robotics ở Indonesia |
TS. Phạm Phương Luyện: Chắc chắn là ủng hộ rồi. Vì thế mà môn robotics mới được dạy ở các trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Ba Đình, Ban Mai... ở Hà Nội. Và, tuy chỉ mới học 3 tháng nhưng các học sinh tiểu học Việt Nam đã giành được huy chương “Tiềm năng” trong lần tham dự thi đấu quốc tế đầu tiên ở Jakarta, Indonesia năm ngoái.
Năm nay, cuộc thi Robotics quốc tế được tổ chức tại thủ đô Hà Nội là một lợi thế. Hy vọng, sau 1 năm “luyện quân” đoàn Việt Nam sẽ gặt hái thứ hạng cao hơn. Tại cuộc thi này 3 bộ Giáo dục – Đào tạo, Khoa học Công nghệ và Thông tin Truyền thông đều là những cơ quan bảo trợ tổ chức.
- Robotics hiện là môn học được nhiều nước phát triển đánh giá rất cao và đầu tư thích đáng cho việc dạy và học. Nhưng ở nước ta có một điểm khác, đó là chương trình tiểu học cực kỳ nặng, đã quá tải. Vậy việc ông đưa ý tưởng phổ cập môn học này liệu có bị nhà quản lý, phụ huynh và xã hội phản ứng? Nhờ ông Nguyễn Thế Trung trả lời câu hỏi này.
Lãnh đạo nước nhà nhận thức được rằng, cần phải đào tạo học sinh trên nền công nghệ thông tin, cụ thể là phòng Lab, mới đáp đáp ứng được nhu cầu học tập ở thế kỷ 21.
Tập đoàn DTT đã liên doanh với Eduspec đã thực hiện triển khai thí điểm giảng dạy ngoại ngữ, công nghệ thông tin cùng môn học robotics trên nền tảng công nghệ thông tin. Mục tiêu cuối cùng chúng tôi muốn hướng tới là xây dựng hệ thống các trường học điện tử (e-school) hiện đại cho khối các trường phổ thông tại Việt Nam và góp phần đạo tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu xứng đáng của VN trong thế kỷ 21.
Việc đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy là hiện đại hóa trường học, cách học, thay đổi tư duy của học sinh, giúp học sinh được thực tế, tiếp xúc với công nghệ, chứ không học kiểu lý thuyết truyền thống, thậm chí vừa học vừa chơi vừa khám phá, chứ không phải nhồi nhét thêm nhiều kiến thức, hoặc làm nặng chương trình cho học sinh.
Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy học sinh đều hào hứng với các môn học trên nền công nghệ thông tin và thực sự các em đã từng bước trở thành công dân toàn cầu, giỏi tiếng Anh, nắm bắt nhanh công nghệ hiện đại. Vì thế, không có lý do gì mà các bậc phụ huynh phản ứng với những môn học này.
Ông Nguyễn Thế Trung: Tập đoàn DTT và các đối tác sẵn sàng đầu tư toàn bộ cho các trường học. Hiện chúng tôi mới đầu tư thử nghiệm ở 10 trường. Trong tương lai sẽ mở rộng ra cả trăm trường, thậm chí hàng ngàn trường trên khắp cả nước.
Chúng tôi đảm bảo sẽ có nguồn tài chính hàng ngàn tỷ để đầu tư cho môn học này, cả về thiết bị, lẫn cung cấp giáo viên. Nếu để Nhà nước thực hiện, thì chắc chắn sẽ rất tốn kém, cồng kềnh, mà khó thành công.
Mặc dù đầu tư lớn như vậy, song học phí lại cực kỳ thấp, chỉ 300 ngàn đồng/tháng, bằng hoặc thấp hơn học các môn năng khiếu khác. Thậm chí học phí như vậy còn thấp hơn học võ, múa hát…
- Thưa ông Nguyễn Thế Trung, là doanh nghiệp, thì ông phải tính toán đến lợi nhuận chứ?
Ông Nguyễn Thế Trung: Tập đoàn DTT đã xác định mục tiêu ngay từ đầu, đó là đầu tư vào giáo dục là đầu tư cho tương lai, cho đất nước và cũng là cho chính bản thân mình. Chúng tôi đầu tư vào 10 trường, thậm chí 100 trường có thể vẫn chưa có lãi, nhưng vào cả ngàn trường thì sẽ có nguồn thu.
|
Mặc dù vậy, Tập đoàn DTT không coi lợi nhuận là mục đích cuối cùng. Tham vọng lớn nhất của DTT là giúp học sinh được học tập trên nền tảng công nghệ thông tin, được tiếp cận với tri thức thế giới.
Nếu muốn thu lợi nhuận ngay, chúng tôi có thể đầu tư các trung tâm, các câu lạc bộ ở khắp cả nước, nhưng làm thế là chụp giật, không lâu dài. Môn học này cần phải được học trong nhà trường, học nghiêm túc, học thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình học tập của các em thì mới có được nền tảng vững, mới đào tạo được các chuyên gia robot trong tương lai.
Mặc dù môn học này được đánh giá cao, không thể thiếu với tương lai đất nước, nhưng hiện chúng tôi gặp khá nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất là phần lớn các bậc phụ huynh đều chưa biết về môn học này. Nếu học trong trường thì khi nhà trường đứng ra thu phí, trong bối cảnh lạm thu hiện nay thì rất dễ bị đánh đồng. Nhưng điều quan trọng nhất là Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa có chủ trương đưa môn học này thành môn khuyến nghị dạy trong các trường học.
Đây cũng chính là lý do để chúng tôi quyết tâm đưa cuộc thi Robotics quốc tế dành cho trẻ em năm 2012 về Việt Nam. Thông qua cuộc thi này chúng tôi hi vọng sẽ làm thay đổi nhận thức số đông và phần nào để các bậc phụ huynh, các nhà quản lý có cái nhìn rõ hơn về vai trò của môn học này.
Xin cảm ơn các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã tham gia buổi tọa đàm!
VTC News
Bình luận