Sau khi báo Giao thông có loạt bài báo về Công ty Thành Bưởi trốn thuế, lách luật khi kinh doanh vận tải, công ty này gửi đơn khiếu nại lên TAND quận 5 (TP.HCM).
Ngày 23/3/2017, thẩm phán TAND quận 5, Đỗ Thị Ngọc Bích ký quyết định số 72, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật Tố tụng Dân sự.
Theo đó, quyết định này buộc Báo Giao thông không đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công ty Thành Bưởi về các vấn đề hoạt động trốn thuế, lách luật cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án.
Việc TAND quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều khi cho rằng cơ quan này đã vi phạm quyền tự do báo chí và tạo ra tiền lệ xấu chưa từng có.
Trả lời VTC News về vấn đề này, luật sư Phạm Công Út, Giám đốc công ty luật Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyết định TAND quận 5 cấm báo Giao thông đăng tải các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi là không đúng quy định pháp luật tố tụng.
“Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một giải pháp tố tụng mang tính tạm thời để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, nhưng theo điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thì chỉ nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu nhập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Hoàn toàn không có quy định cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các tranh chấp về danh dự, uy tín bị xâm phạm. Do đó, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trong trường hợp giải quyết quan hệ pháp luật tranh chấp về danh dự, uy tín trong trường hợp cụ thể này là không có căn cứ pháp lý”, luật sư Út khẳng định.
Theo luật sư Út, nếu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này không nhanh chóng bị hủy bỏ thì sẽ tạo tiền lệ tuỳ tiện trong việc áp dụng điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự.
“Để áp dụng điều này, người yêu cầu hoàn toàn không phải đóng bất kỳ một khoản tiền bảo đảm nào cả. Nên các yêu cầu này của bên nguyên đơn không làm cho họ phải bồi thường trong trường hợp họ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai, gây thiệt hại cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, luật sư Út cho biết.
Ngoài ra, luật sư Út cho rằng việc ra quyết định áp dụng biện pháp tạm thời như thế này nếu bị hủy bỏ rất dễ khiến cho toà án phải bồi thường cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 2 điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện nay.
Đồng thời, nếu toà án áp dụng biện pháp này đối với lãnh vực truyền thông báo chí hợp pháp sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự đó báo chí, mà quyền này có Luật báo chí, là luật chuyên ngành điều chỉnh.
Video: Xe khách lạng lách, đánh võng trên quốc lộ
Bình luận