• Zalo

Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự

Thời sựThứ Tư, 28/01/2015 02:24:00 +07:00Google News

"Dân có vụ việc đưa ra tòa, tòa không thể từ chối, phải giải quyết. Tòa không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự do hết thời hiệu."

(VTC News) - Đại diện Bộ tư pháp đã thông tin những điểm mới trong dự thảo Bộ luật dân sự, trong đó nhấn mạnh việc tòa án không được từ chối thụ lý và giải quyết vụ việc của người dân.

"Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng" đó là điểm mới về Dự thảo Bộ luật dân dự mà ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ tư pháp thông tin trong buổi tọa đàm "Sửa đổi Bộ luật dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".

Theo ông Huệ, trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

Ông Dương Đăng Huệ cho rằng, thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp người dân bị tòa án từ chối thụ lý vụ việc với lý do các vấn đề chưa được đưa vào điều luật.

Tòa án đã từ chối giải thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân và pháp nhân. "Điều này là không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền" ông Huệ nói.
Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ tư pháp 

Trước vấn đề này, ông Huệ khẳng định, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước.

Về vấn đề thời hiệu, dự thảo luật quy định cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án, trọng tài giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định.

Hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân như quy định hiện hành, tòa án hoặc trọng tài phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ tư pháp xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự trên 4 định hướng lớn. 

Thứ nhất, xây dựng bộ luật dân sự thành 1 hiến pháp của hệ thống luật tư. Hiện nay Bộ luật dân sự chưa làm được điều đó. 

Thứ hai, xây dựng Bộ luật dân sự trở thành công cụ để nhân dân được bảo vệ quyền dân sự của mình. Ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự.

"Nếu người dân không tìm được cơ chế để bảo vệ quyền dân sự của mình thì coi như thất bại. Dân có vụ việc đưa ra tòa, tòa không thể từ chối, phải giải quyết. Tòa không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự do hết thời hiệu" ông Huệ cho hay.

Thứ ba, hoàn thiện quyền sở hữu và các vật quyền khác. Thứ tư, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Các vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến nhân dân, cụ thể: Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Về quyền nhân thân; Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức;

Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; Về hình thức sở hữu; Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; Về thời hiệu.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn