Trong kiến nghị mới đây gửi Thủ tướng, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã có một loạt kiến nghị quan trọng, liên quan đến việc cải cách thể chế. Tổ đã tiến hành rà soát 9 luật (Đầu tư, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai....) và chỉ ra một loạt bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sửa 9 luật gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp
Theo Tổ tư vấn, các quy định hiện hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư.
Có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định và tới 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định. Ngoài ra, Tổ còn chỉ 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể; 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.
Tổ tư vấn lấy ví dụ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Nhà ở chồng chéo. Luật kinh doanh bất động sản và Luật đất đai còn mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất...
Trong khi đó, Luật Đầu tư xung đột Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở xung đột Luật Đất đai về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản. Bên cạnh đó còn có sự không rõ ràng và khác biệt lớn về trình tự thủ tục đầu tư dự án có quy mô trên 5.000 tỷ đồng, giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về quản lý vốn Nhà nước…
Từ đó, Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nói trên và xem xét đề xuất chỉnh sửa.
Tuy nhiên, Tổ nhấn mạnh việc cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó. Chính những cơ quan, tổ chức bị tước mất quyền chống lại việc cải cách. Thậm chí, ngay cả những cơ quan không bị mất quyền lợi cũng không muốn cải cách, thay đổi.
“Chúng ta đưa ra thể chế tiến bộ nhưng thiếu đồng bộ”
Trao đổi thêm với Zing.vn, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh số luật liên quan đến kinh tế ban hành trong nhiệm kỳ thứ 13 của Quốc hội rất tiến bộ. Tuy nhiên, do một số yếu tố mang tính quá trình, dẫn đến một số luật còn chồng chéo nhau, làm cho tính đồng bộ, tính hệ thống gặp vướng mắc khi thực thi.
Theo TS. Trần Du Lịch, việc chỉnh sửa một số luật đã được Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất từ lâu tới các cơ quan liên quan. Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu, tiến hành rà soát chỉnh sửa trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi. Tuy nhiên, mới chỉ tập trung sửa Luật Quy hoạch có liên quan đến 11 luật khác. Một số luật liên quan đến xây dựng, đầu tư công… nếu không sửa sớm thì sẽ gặp vướng mắc.
“Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là kiến nghị Chính phủ tập trung rà soát lại. Vấn đề này rất cần thiết, liên quan đến mục tiêu cải cách về thể chế. Chúng ta đưa ra thể chế tiến bộ nhưng thiếu đồng bộ. Nó lại không đạt được mục đích, nhưng lại gây khó khăn”, ông nói.
Nói về việc giảm quyền lực của một số bộ ngành, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh Chính phủ cần nhanh chóng thay chức năng điều hành của các bộ ngành. Các bộ ngành chỉ làm những việc lớn như ban hành chính sách, xây dựng pháp luật, ban hành các nghị định, thông tư.
Ông Lịch cũng cho rằng với những lĩnh vực cụ thể, việc quản lý Nhà nước nên phân cấp, phân quyền cho địa phương làm. Nếu các bộ ngành cứ tập trung từ đầu đến cuối thì bộ máy cồng kềnh, thực hiện lại kém hiệu quả.
Ông kiến nghị cần triển khai triệt để Luật tổ chức chính quyền địa phương. Thứ nhất, địa phương cần được phân quyền, để địa phương được quyết. Thứ hai là phân cấp cho địa phương để 2 bên cùng làm. Thứ ba là cơ chế ủy quyền một cách rõ ràng, từ đó để chính quyền địa phương biết trách nhiệm của mình ở đâu.
“Nguyên tắc là bộ máy chính quyền trung ương chỉ có 3 nhiệm vụ kia thôi. Cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương. Bộ không thể thành lập một đoàn đi từng các xí nghiệp kiểm tra, thế thì còn thời gian đầu mà làm việc khác”, ông nói.
Video: 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng có điều gì đặc biệt?
Bình luận