Singapore chỉ có 2 tuần để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp lần đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và lãnh đạo Triều Tiên bởi Washington và Bình Nhưỡng từng quyết định hủy bỏ sự kiện và thông báo nối lại sau đó.
Theo Phó Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore, so với Singpore là nước đầu tiên đăng cai sự kiện đặc biệt như vậy, Việt Nam sẽ "dễ thở" hơn trong công tác chuẩn bị thông qua những tham vấn về kinh nghiệm từ đảo quốc sư tử.
Vấn đề được quan tâm hàng đầu tại hội nghị tại Singapore vào tháng 6/2018 là vấn đề an ninh, từ việc bảo vệ cho 2 nhà lãnh đạo cũng như sự an toàn của khách sạn nơi họ nghỉ lại và địa điểm họ gặp mặt. Khi các địa điểm này được các đội tiềm trạm của Mỹ và Triều Tiên phê duyệt, mỗi bên sẽ đưa ra những yêu cầu chi tiết liên quan.
Tại tất cả các nơi mà ông Trump và ông Kim lui tới và lưu lại, các kế hoạch được lên tỉ mỉ để kiểm soát đám đông, kiểm tra an ninh. Không phận bị hạn chế để nhường chỗ các đợt tuần tra trên không, nhiều chuyến bay thương mại cũng phải lùi lịch khi được yêu cầu.
Các cuộc tuần tra dưới nước cũng được tăng cường, đặc biệt ở vùng biển xung quanh đảo Sentosa nơi lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau. Các tàu khi đi ngang được tàu tuần tra hộ tống.
Thách thức tiếp theo tới từ công tác chuẩn bị để "ứng phó" với lực lượng phóng viên hùng hậu tới đưa tin. Ở Singpore, nước chủ nhà đã làm rất tốt khi tiếp đón 2.500 ký giả tới từ khắp nơi trên thế giới. Họ tận dụng tòa nhà vốn là điểm tiếp xăng, thay lốp cho giải đua công thức 1 để hô biến thành một trung tâm truyền thông, nơi cập nhật đầy đủ các thông tin về sự kiện diễn ra cách đó 10 km.
Theo tiết lộ của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung, khoảng 2.600 phóng viên nước ngoài đã đăng ký đưa tin về sự kiện sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/2 tới đây. Nhiều chuyên gia tin rằng, Việt Nam với kinh nghiệm tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn hoàn toàn có thể cung cấp những điều kiện tác nghiệm tốt nhất cho truyền thông các nước bạn.
Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh cách đây 8 tháng, Singapore từng phải tuyển lựa các sỹ quan có thể nói được tiếng Hàn để giúp đỡ cho việc giao tiếp và phiên dịch với đội ngũ của Triều Tiên.
Cảnh sát và các nhân viên an ninh luôn được đặt tình trạng sẵn sàng trong suốt thời gian diễn ra hội nghị. Lực lượng quân đội cùng chiến cơ và trực thăng tấn công cũng luôn túc trục để đưa ra phản ứng kịp thời nếu có bất cứ diễn biến bất ngờ nào.
Cùng vời việc triển khai 5000 cảnh sát, dân phòng, Singapore còn thuê các công ty an ninh tư nhân để hỗ trợ kiểm soát đám đông, điều hướng giao thông và tăng cường các biện pháp an ninh. Tại các khách sạn mà ông Kim và ông Trump nghỉ lại như St Regis hay Shangri-La, các đặc nhiệm Gurkha trang bị đầy đủ vũ trang được bố trí dày đặc xung quanh.
Với những nỗ lực và công tác chuẩn bị tỉ mỉ tới từng chi tiết, Singapore đã tạo được dấu ấn riêng biệt và thu về khoản tiền không nhỏ từ việc đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Về mặt kinh tế, theo ước tính của Hãng phân tích - Meltwater, Singapore đã thu về tới 550 triệu USD trong khi số tiền mà họ bỏ ra để tổ chức sự kiện chỉ là 15 triệu USD.
Về mặt hình ảnh, việc xuất hiện dày đặc trên các trang báo lớn, nhỏ thế giới trước, trong và sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh để nâng cao vị thế của nước chủ nhà, gửi đi thông điệp rằng họ là đối tác tin cậy, sẵn sàng đóng góp vì một thế giới tốt đẹp hơn, theo GS. Vũ Minh Khương tới từ Đại học Quốc gia Singapore.
Bình luận