(VTC News) – Một câu chuyện nhỏ về kí ức tuổi học trò, nhưng lại khiến mỗi chúng ta phải tự nhìn lại mình. Ngày hôm nay bắt đầu từ hôm qua, và ngày mai cũng vậy…
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11 là các trường phổ thông lại phát động phong trào làm báo tường để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không quên được bài báo tường năm lớp 9, không quên được người thầy giáo chủ nhiệm vô cùng nghiêm khắc nhưng hết sức giản di, tình cảm…
Ngày đó, sau khi nghe thầy chủ nhiệm phổ biến việc làm báo tường và nhà trường sẽ chấm giải những lớp có báo tường độc đáo, trình bày đẹp, nội dung hay, ban cán sự lớp tôi đã tranh thủ bàn bạc và quyết định phải giành bằng được vị trí số 1 – vì năm nay là năm cuối cấp rồi, phải để lại chút ấn tượng cho thầy cô và các em lớp sau nữa chứ.
(Ảnh minh họa)
Thế là, bạn Trung được đảm nhiệm việc trình bày các bài bích báo, rồi sắp xếp và dán lên tờ giấy to đùng. Bạn Đức chữ đẹp, sẽ viết hộ các bài bích báo mà chủ nhân của nó chữ “mèo cào”, "gà bới”.
Nhưng, quan trọng nhất là nội dung. Chợt một bạn nảy ra sáng kiến: “Bạn Thành có một quyển tuyển tập các bài thơ của các anh chị trường Hà Nội – Amsterdam viết về thầy cô cực hay. Lớp mình sẽ chép ở đó ra. Quyển này có 50 bài, lớp mình có 50 người, thế thì mỗi người một bài là ổn”. Nhưng khốn nỗi, cả tôi, và cả nhiều bạn lớp tôi không chịu mỗi người một bài. Mà cứ nhất định chọn bài mình thích. Thế là có một bài rất hay, được khoảng 12 người “chép”. Chẳng ai chịu đề tên tác giả chính thức của bài thơ đó, mà cứ phệt luôn tên mình. Tôi chỉ còn nhớ 2 câu trong bài thơ đó: “Thầy là sóng chúng em là con thuyền. Con thuyền nhỏ nhoi giữa biển khơi vô tận…”
Thế rồi cũng đến ngày nộp báo tường cho thầy chủ nhiệm. Thầy gật đầu khi đọc mấy bài đầu. Chợt càng đọc, sắc mặt thầy càng đổi. Rồi thầy trả lại ban cán sự lớp tờ báo tường. Thầy bảo: “Các em làm tôi thật sự thất vọng. Tờ báo tường là những tâm tư, tình cảm của các em đối với thầy cô, các em có thể nhờ bạn bè vẽ hộ, nhưng không nên viết hộ, và càng không nên chép các bài văn, bài thơ của người khác. Mà nếu có chép thì phải ghi rõ tên tác giả, nếu không biết tên tác giả thì cũng nên ghi “sưu tầm”. Đọc các bài của các em, toàn thấy chữ của bạn Đức, và thơ thì không biết là của ai mà thấy giống nhau từng câu, từng chữ. Tôi trả lại các em và đề nghị các em làm lại. Không kịp dự giải cũng được. Miễn sao là tình cảm thật của các em. Và các em thử nghĩ mà xem. Nếu một ngày nào đó, các em cũng phát hiện ra những dòng viết của mình, những tâm tư, tình cảm của mình bị người khác chép lại mà lại lấy tên của họ, thì các em nghĩ sao?...”
Và năm đó, thật bất ngờ, tờ của báo tường của lớp tôi đã đoạt giải, không đoạt giải nhất nhưng là giải ấn tượng, vì chúng tôi đã kể lại “sự cố” của tờ báo tường lớp 9D, kể về người thầy chủ nhiệm vô cùng nghiêm khắc nhưng hết sức giản dị, tình cảm.
Lời dạy của thầy đã theo chúng tôi suốt những năm cấp III, đại học, rồi đi làm. Mỗi khi có dịp gặp nhau, chúng tôi không quên nhắc lại chuyện tờ báo tường năm đó, một kỷ niệm thật khó quên…
Trần Hương Uyên
Bình luận