Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán TIS), trong giai đoạn từ 2014 – 2018, đã có 20 dự án đã được phê duyệt đầu tư xây dựng. Hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng 7 dự án với tổng mức đầu tư hơn 452,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do không bố trí được nguồn vốn nên Tisco phải dừng không thực hiện 12 dự án. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Đầu tư khai thác mỏ quặng sắt Hoà Bình – Mỏ sắt Trại Cau, Dự án thăm dò mỏ quặng sắt Bình Ca – Tuyên Quang, Dự án thuê tư vấn lập hoạch định chiến lược cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Dự án lập quy hoạch khai thác than các khu vực mỏ than Phấn Mễ, Dự án thăm dò mỏ sắt Sùng Đô – Yên Bái, Dự án thăm dò mỏ sắt Da Giẽ – Yên Bái…
“Đa số các dự án liên quan đến khai thác mỏ nguyên nhiên liệu đều chậm tiến độ so với thời gian quy định, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng”, báo cáo Hội đồng quản trị Tisco nêu.
Cũng theo Tisco, trong quá trình lập kế hoạch, xây dựng tiến độ triển khai, do chưa lường hết những khó khăn phức tạp như chính sách của nhà nước thay đổi, các hộ dân cơi nói đón đền bù, sự đồi hỏi quyền lợi của các hộ dân phải di dời vượt quá quy định pháp luật… nên gây trở ngại rất lớn đến quá trình kiểm kê bồi thường giải phóng mặt bằng, làm cho tiến độ thực hiện các hạng mục dự án bị kéo dài.
Bên cạnh đó, một số dự án thăm dò các mỏ nguyên, nhiên liệu tiến độ cũng bị kéo dài do các thủ tục cấp phép tại nhiều nơi, nhiều cấp, nên chủ đầu tư không làm chủ được tiến độ hoàn thành.
Cũng trong tài liệu gửi tới cổ đông, lãnh đạo Tisco cho biết hiện doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Cụ thể, cuối tháng 4/2017, SCIC rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi Tisco làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi, các ngân cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của Tisco thấp.
Mặt khác, do dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm mức cho vay. Đồng thời, đồng loạt tăng lãi suất lên 8% một năm làm cho Tisco khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.
Bên cạnh đó, tài chính của Tisco đang đứng trước nhiều rủi ro do số dư công nợ khó đòi đến 31/12/2018 chiếm tỷ lệ cao.
Theo báo cáo của ban kiểm soát, nợ phải trả của Tisco hiện là 8.568 tỷ đồng, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm đến 82% tổng nguồn vốn trong khi nguồn vốn của chủ sở hữu là 1.849 tỷ đồng, chỉ chiếm 18% trên tổng nguồn vốn. Đây là một tỷ lệ rất thấp, thấp hơn năm 2017 khi Tisco mất cân đối tài chính.
Tại thời điểm 31/12/2018, số dư công nợ phải thu khó đòi của Tisco lên đến gần 852 tỷ đồng và giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 393 tỷ đồng dẫn đến rủi ro về mặt tài chính, việc thu hồi nợ khó đòi chậm đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính của Tisco.
“Tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền”, báo cáo của Hội đồng quản trị nhận định.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 mới được công bố cho thấy, Tisco chỉ lãi ròng hơn 8 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tính tới 31/3, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 10.449 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 82% tài sản hình thành từ nguồn nợ phải trả.
Bình luận