• Zalo

Tinh thần khởi nghiệp đi vào thực chất, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 26/06/2018 11:17:00 +07:00Google News

Sau 1 năm triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844), tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được thực hiện bài bản và phong phú hơn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhận được khoản đầu tư lớn và đã thành công.

Nhiều con số ấn tượng

Việt Nam có tiềm năng khởi nghiệp dồi dào từ một thế hệ trẻ sáng tạo có quyết tâm khởi nghiệp cao, với văn hóa khởi nghiệp và tư duy chấp nhận thất bại ngày càng được cải thiện. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển khá mạnh mẽ. Điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng ở các chủ thể thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước. Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Về truyền thông, hàng trăm sự kiện, chương trình diễn ra trên cả nước, bên cạnh đó, số lượng các kênh báo chí, chuyên mục, chương trình truyền hình  về khởi nghiệp càng ngày càng tăng.

Thành công của Foody hay Kyber Network – nền tảng giao dịch phân cấp mới đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối, Wisepass – cung cấp dịch vụ trải nghiệm đồ uống cho doanh nhân,... trong thời gian qua có thể xem là kết quả của những nỗ lực từ tự thân các doanh nghiệp được cộng hưởng từ làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ trong cộng đồng.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới góc độ là cơ quan theo dõi năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, để có được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công thì chất lượng và sức khỏe của các doanh nghiệp cần phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Các doanh nghiệp phải được hình thành và phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới.

Trong câu chuyện đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm.

Hiện thực hóa điều này, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì. Đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã diễn ra hết sức sôi động. Những dòng tiền lớn đang chảy vào các startup Việt. Tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD.

Cùng đó, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối đến với cộng đông và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam,...

Hiện nay trên cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844, không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ,... mà còn diễn ra sâu và rộng ở các địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Quảng Bình, Thái Nguyên…

a

Các dự án khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Techfest 2017 

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chương trình hành động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể: UBND Thành phố Hà Nội đã mắt Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội – tại địa chỉ StartupCity.vn và không gian khởi nghiệp UP@VPBank tại tòa nhà VPBank Hà Nội, cùng với đó Hội nghị “Gặp gỡ giữa UBND Thành phố Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô” cũng đã được tổ chức.

Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cũng là một đơn vị có những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hết sức hiệu quả trong thời gian qua, đã hỗ trợ vốn và đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho hơn 4.000 thanh niên trong cả nước.

Bên cạnh đó, bản hợp tác ghi nhớ (MOU) giữa Saigon Innovation Hub (Sihub) và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST toàn cầu tại Malaysia (MaGIC) cũng tạo lập nền tảng hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tham gia nhiều chương trình, hoạt động với các nước ASEAN; Thành phố Đà Nẵng cũng đã có những hoạt động cụ thể để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp riêng như thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện được thu hút cộng đồng khởi nghiệp trong nước cũng như quốc tế.

Những con số ấn tượng trên đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là kết quả đáng khích lệ sau 1 năm triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 mà Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì.

Tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp

Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp, chính là những nỗ lực, cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong suốt một năm qua. Từ những lời nói của người đứng đầu chính phủ cho đến những chính sách, nghị định được ban hành đều đã tạo ra một môi trường thuận lợi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Vai trò hàng đầu của nhà nước đặc biệt quan trọng trong việc thiết kế một cách đồng bộ hệ thống hành lang pháp lý cũng như cơ chế chính sách cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành các địa phương trong việc xây dựng triển khai các kết nối để thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, năng lực của các tổ chức hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

Bộ KH&CN với vai trò là đơn vị chủ trì Đề án 844, trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực trong việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển. Bên cạnh việc hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án 844 (hiện đã có 28 tỉnh thành trên cả nước ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844), Bộ KH&CN còn liên kết, phối hợp với các chương trình, đề án, dự án khác như: Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”,… để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Cùng với đó, Bộ KH&CN cũng giữ vai trò là đầu mối liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam với khu vực và quốc tế thông qua tổ chức sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo quốc tế, đoàn ra, hoạt động kết nối trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: "Phong trào khởi nghiệp giữa các bộ, ngành, liên hiệp hội, các tổ chức chính trị - xã hội từ thanh niên, phụ nữ, hội nông dân và tất cả các tầng lớp xã hội để chúng ta khởi nghiệp một cách đúng đắn, khởi nghiệp theo đúng nguyên tắc khởi nghiệp của thế giới và  chúng ta đi cùng với thế giới để khởi nghiệp. Có như thế thì chúng ta mới phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta lành mạnh và có hiệu quả".

Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang lan rộng khắp cả nước. Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng  đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương cũng như các tổ chức, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, tư vấn và của các Bộ, ngành sẽ là động lực để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng lớn mạnh hơn nữa, đóng góp chung vào sự phát triển của  nền kinh tế đất nước.

Nguyễn Hương
Bình luận
vtcnews.vn