Đứng trên vai những người khổng lồ
Góp mặt tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 được tổ chức tại Hà Nội ngày 13/7, VinFast đã khiến khách hàng bất ngờ với rô bốt hàn sẽ làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của họ. Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án VinFast cho biết, đó chỉ là 1 trong tổng số gần 1.200 rô bốt hàn mà VinFast sẽ nhập từ ABB về trong tháng 8. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
ABB chỉ là một trong rất nhiều thương hiệu sản xuất danh tiếng mà VinFast bắt tay làm đối tác để xây dựng - vận hành nhà máy. Đại diện Vingroup cũng giới thiệu tại diễn đàn công nghệ của nhà máy dập hợp tác với Schuler (Đức), có khả năng thu thập dữ liệu tự động và chuẩn đoán thông minh như hộp đen của máy bay, dễ dàng phân tích hồi cứu các sự cố.
Hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Duerr (Đức) trong nhà máy sơn giúp giảm tối đa lượng khí và điện năng. Đặc biệt, trong nhà máy sản xuất động cơ, VinFast đã giao cho công ty GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG thiết kế và cung ứng dây chuyền và máy móc thiết bị cho nhà máy sản xuất động cơ…
Quả thật, từ Eisenmann đến Siemens, SAP, Duerr, Schuler hay Thyssen Krupp, Grob, ABB, AVL đều là những thương hiệu lớn trong giới sản xuất máy móc, dây chuyền chế tạo ô tô và công nghệ điều hành nhà máy kỹ thuật số.
Họ chủ yếu đến từ Đức - cái nôi khởi nguồn của công nghiệp 4.0 và hiện nay vẫn đang là quốc gia đầu tư mạnh mẽ cho việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp nặng. Những giải pháp, kinh nghiệm từ các đối tác trong việc ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 vào sản xuất, chế tạo ô tô là tiền đề cho VinFast vận hành nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“Với chiến lược chọn đi đường thẳng chứ không đi vòng nhằm tăng hiệu quả đầu tư, ngay từ đầu, VinFast đã đặt ra bài toán đầu tư sản xuất quy mô lớn, xây dựng mới các nhà máy với các công nghệ hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”, ông Huệ cho biết.
Làm chủ công nghệ vẫn là yếu tốt then chốt
Trên cương vị là đại diện của Vingroup và VinFast tham dự diễn đàn, ông Võ Quang Huệ là một trong những diễn giả rất được quan tâm. Ông Huệ nhận định, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề cao tự động hoá và kết nối nhưng con người vẫn là trung tâm và quyết định đến sự thành công hay thất bại của việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ trong sản xuất.
Ông Huệ cũng chia sẻ, trong các hợp đồng ký kết với các đối tác hàng đầu thế giới luôn có điều khoản chuyển giao công nghệ. Một mặt, các công ty danh tiếng này xây dựng các nhà máy hiện đại cho VinFast, đồng thời trong quá trình hoạt động sẽ chuyển giao các đỉnh cao công nghệ từ nền công nghiệp Đức sang cho thương hiệu sản xuất ô tô của Vingroup.
“Để làm chủ được công nghệ, VinFast đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển để làm cầu nối chuyển giao công nghệ từ các đối tác hàng đầu thế giới, góp phần đào tạo nhân sự chuyên môn cao tự vận hành nhà máy sản xuất. Hiện, Viện đã quy tụ được chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phần mềm và phần cứng tham gia các đề án liên quan việc phát triển các sản phẩm mới, chế tạo và sản xuất xe máy điện và ô tô”, ông Huệ bày tỏ.
Về bài toán nguồn nhân lực vận hành nhà máy, VinFast vừa tổ chức thi tuyển sinh khoá đầu tiên cho Trung tâm đào tạo VinFast với 2 ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử. Trung tâm đào tạo được Vingroup đầu tư 10 triệu USD không chỉ là cái nôi khởi đầu cho các kỹ thuật viên có tay nghề cao, mà sẽ hướng tới trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất theo công nghiệp 4.0 lớn nhất Đông Nam Á.
Các đối tác có thể giúp VinFast tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất ở thời điểm hiện tại, nhưng để áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào nhà máy sản xuất ô tô, việc làm chủ công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao có yếu tố then chốt. Theo ông Huệ, VinFast đang có những bước đi bài bản, đưa 4.0 đến nền công nghiệp Việt Nam gần hơn bao giờ hết.
Bình luận