• Zalo

Tình cũ Lê Thành 'Người phán xử': Tôi từng phải bán đồ cá nhân để có tiền nuôi con

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 14/08/2017 07:47:00 +07:00Google News

Làm mẹ đơn thân từ năm 21 tuổi, rời nhà cha mẹ vì muốn theo nghiệp diễn, Thùy Dương phải bán tất cả quần áo tư trang để có tiền thuê nhà trọ.

- Chị cảm thấy thế nào trước phản ứng của khán giả đối với vai Quyên trong 'Người phán xử'? 

Vai Quyên của tôi trong Người phán xử không có nhiều đất diễn, chỉ khoảng vài chục phân đoạn trong hai phần. Khi làm vai này, tôi không nghĩ nó được chú ý nên rất bất ngờ trước sự quan tâm của khán giả lúc phim lên sóng.

Tuy nhiên, phản ứng của khán giả chủ yếu là không tích cực cho lắm, thậm chí còn chửi bới Quyên trên mạng xã hội. Tôi còn biết và tham gia một nhóm trên Facebook chuyên nói xấu nhân vật của mình (cười).

Một số bạn ghét nhân vật và ghét lây sang cả tôi dù chưa gặp tôi bao giờ và cũng chẳng biết con người tôi thực sự như thế nào.

Một số khán giả thậm chí còn gọi tôi là "con này", "con kia"... Tôi nghĩ rằng khán giả có quyền yêu hay ghét nhân vật nhưng nên biết phân biệt, trân trọng và thông cảm với diễn viên. Chúng tôi như "làm dâu trăm họ", lao động vất vả để phục vụ khán giả. 

-Nếu so sánh, chị thấy mình giống Quyên trong 'Người phán xử' hay Tố Loan trong 'Giao mùa' nhiều hơn?

Tôi nghĩ là mình có nhiều điểm giống Tố Loan nhiều hơn. Nếu bỏ qua những điều hơi quá của Tố Loan trong phim như sự lẳng lơ hay tính tình giang hồ, tôi nghĩ đó là một nhân vật thú vị. Cô ấy luôn có mục đích, rất sòng phẳng và công bằng trong cuộc sống. Tính cách đó hơi đàn ông một chút. Trong khi đó, tôi cũng cá tính, dám nghĩ dám làm như một người đàn ông.

Thêm vào đó, tôi giống cô ấy ở chỗ luôn yêu hết mình. Thầy giáo tôi ngày xưa từng nói với tôi rằng "Cô có một điểm rất hay là yêu ai cũng như mối tình đầu" vì tôi yêu ai cũng dốc ruột, dốc gan. Người ta thường bị chai lì sau một vài mối tình còn tôi bất cứ lúc nào cũng hết lòng hết sức.

- Hết mình trong tình yêu, tại sao chị không tìm một bến bờ hạnh phúc mới mà vẫn làm mẹ đơn thân trong suốt gần 10 năm qua? 

Yêu ai, tôi cũng nghĩ không biết mình lấy người ta thì sẽ như thế nào hoặc tưởng tượng cảnh con mình sống với người ta thì sẽ ra sao, anh ấy và Coca có thể chơi gì cùng nhau mỗi ngày, sống chung như thế nào và sẽ có mâu thuẫn gì...

Khi tính đến những mâu thuẫn có thể xảy ra, tôi lại nghĩ thôi không lấy chồng nữa, hai mẹ con ở với nhau thôi. Tôi sợ khi con ở với người đàn ông xa lạ, sẽ xảy ra nhiều chuyện hoặc mâu thuẫn thì rất phức tạp. Sau quá nhiều lần như thế, tôi lại chùn bước.

Dù vậy, tôi vẫn mong gặp được người tốt có thể chăm sóc cho hai mẹ con. Sau nhiều trải nghiệm, tôi hiểu rằng phải cực kỳ may mắn mới có được người đàn ông như vậy nên không ảo tưởng nữa (cười).

Vì thế, thay vì kỳ vọng quá nhiều, tôi chuyển sang lo lắng chuyện khác. Tôi để mọi chuyện tự nhiên. Nếu có ngày người ấy đến, tôi sẽ đón nhận, còn nếu người ấy không đến, tôi sẽ chấp nhận.

- Đàn ông lý tưởng trong mắt chị là người như thế nào? 

Tôi không có mẫu đàn ông lý tưởng. Từ trước đến nay, những đàn ông đến với tôi trước hết phải khiến tôi có cảm giác anh ấy đối xử tốt và hòa hợp với Coca. Tôi không mong chờ đại gia, cũng không nhất thiết bạn trai mình phải giàu có.

Tôi thích đàn ông có tài, lớn hơn mình một cái đầu, khiến mình nể phục và có thể trở thành người để mình tham khảo khi làm việc gì đó. Tôi dù gì cũng chỉ là một người phụ nữ lúc nào cũng thích được bao bọc, che chở, được ở bên người có thể bảo ban, chỉ dạy cho mình. 

- Điều gì đưa đẩy chị đến cuộc sống của một bà mẹ đơn thân khi mới hơn 20 tuổi?

Mơ ước của tôi từ nhỏ đến giờ vẫn là có một gia đình hạnh phúc. Tôi không cần giàu sang gì cả, chỉ cần vợ chồng con cái yêu thương nhau là đủ. Thế nhưng, số phận tôi như thế nên tôi phải chấp nhận. Tôi nghĩ rằng không ai muốn làm mẹ đơn thân, tất cả chỉ là do cuộc sống và số phận quyết định. 

Tôi lấy chồng năm 19 tuổi sau vài tháng yêu nhau vì đã lỡ có thai. Lúc ấy, cả tôi và anh ấy đều còn đi học, hoàn toàn không biết gì cả, chưa có trải nghiệm nên khi bước vào cuộc sống vợ chồng, chúng tôi gặp phải nhiều va vấp. 

Tình cảm chưa đủ sâu sắc, không hòa hợp và không thể cùng nhau sẻ chia trong cuộc sống nên chúng tôi đi đến kết cục chia tay cũng là điều đương nhiên. Tôi ly hôn năm 21 tuổi, khi con gái mới hơn một tuổi. 

thuy-duong-nguoi-phan-xu-tung-phai-ban-do-ca-nhan-de-co-tien-nuoi-con

Thùy Dương và bé Coca. Con gái nữ diễn viên 'Người phán xử' sinh năm 2008, từng cùng mẹ tham gia nhiều bộ phim như 'Máy bay ký sự', 'Hoa nở trái mùa'... 

- Khoảng thời gian nào đối với chị là khó khăn nhất trong hơn 8 năm làm mẹ đơn thân?

Sau khi chia tay chồng, tôi về ở với mẹ đẻ và được mẹ bao cấp nên vẫn đi học và không phải lo lắng gì như thời con gái. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên khó khăn khi tôi vừa tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh và bắt đầu đi thực tập tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Khi ấy, mẹ thấy tôi phải đi tập vất vả, quay ngày quay đêm mà tiền kiếm được chẳng đủ để mua xăng xe đi lại nên khuyên tôi nên từ bỏ nghiệp diễn, làm kinh doanh để chủ động chăm con và lo việc gia đình.

 
Tôi đã bán toàn bộ nữ trang, túi xách, giày được khoảng vài chục triệu đồng để có tiền thuê nhà và sống tạm trong vài tháng.

Thùy Dương

Tôi hiểu rằng mẹ cũng vì thương con, thương cháu mà khuyên tôi như vậy nhưng tôi vẫn mong muốn theo đuổi đam mê của mình. Thấy vậy, mẹ tỏ ra cứng rắn và nói: "Nếu con không nghe lời và nhất quyết đi theo con đường của con thì phải đảm bảo, con đường ấy có thể nuôi sống cả bản thân con và con của con". Sau đó, tôi quyết định mang con ra ở riêng. 

Khi tôi dọn ra ngoài sống, mẹ không cho tôi một đồng nào với mong muốn tôi sẽ trở về và nghe theo lời khuyên của mẹ. Vì đã quen với cuộc sống được mẹ bảo bọc nên trước khi bước chân ra đi, tôi cũng không có một đồng tiền tiết kiệm nào.

Thu nhập duy nhất của tôi thời điểm đó là 1 triệu đồng tiền lương thực tập mỗi tháng tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Tuy vậy, tôi vẫn đánh liều thuê một căn nhà trọ giá 4 triệu đồng/ tháng để con gái có chỗ ở đàng hoàng, tử tế. 

Tôi đã bán toàn bộ nữ trang, túi xách, giày được khoảng vài chục triệu đồng để có tiền thuê nhà và sống tạm trong vài tháng.

Sau đó, tôi may mắn được mời vào vai chính trong các phim Nơi ẩn nấp bình yên, Giao mùa... và nhận mọi công việc để có tiền nuôi con. Thời ấy, Coca đang học mẫu giáo. Sáng sáng, tôi đưa con đi học rồi chiều lại chạy đến đón con rồi mới tiếp tục đi quay. Nhiều hôm phải đi quay muộn, tôi tha cả con đến đoàn, để cháu ngủ lăn lóc ở cánh gà.

Lắm lúc tôi nghĩ thương con và tủi thân nhưng rồi phải kệ để tiếp tục sống. Khi đóng mỗi bộ phim như thế, tôi kiếm được vài chục triệu đồng nên dần dần cũng tự lo được cho cuộc sống của hai mẹ con. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy may mắn vì Coca lúc ấy còn quá nhỏ, chưa biết gì là khổ, vẫn hồn nhiên với mọi chuyện. 

- Trong 8 năm đó, điều gì khiến chị không kiềm chế được cảm xúc và bật khóc?

Tôi nhiều lần khóc vì thấy tủi thân. Tôi tủi thân và buồn nhất khi ốm mà không có ai chăm, con thì quá bé chẳng biết làm gì và mình cũng chẳng thể chăm được con. Dù ốm, tôi vẫn phải cố dậy để đi chợ, nấu cơm cho con ăn, đưa con đi học rồi mới về nhà nằm.

Sau khi cho con ăn uống đầy đủ, chờ đến 10-11h đêm, tôi mới dậy để gọi taxi đến cấp cứu tại bệnh viện. Được bác sĩ kê đơn, truyền nước xong thì đến gần sáng, tôi lại tự gọi xe đi về. Đó là những lúc tôi tự hỏi sao cuộc đời mình lại khổ đến thế. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm đã dám làm là dám chịu, không bao giờ kêu ca.

Trong suốt những năm tôi nuôi con một mình, bố mẹ chưa bao giờ thấy tôi kêu mệt, kêu ốm hay kêu khổ vì tôi nghĩ mình có khổ thế nào vẫn cứ phải sống.

Thêm nữa, những lúc khổ tôi thường nghĩ ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn vượt qua được để không thấy mình khổ nữa. Có lẽ đó là cái mẹo để tôi vượt qua tất cả (cười). 

- Áp lực kinh tế với chị như thế nào khi nuôi con một mình? 

Tôi nghĩ rằng bao nhiêu tiền nuôi con cũng đủ vì có bao nhiêu thì lo cho con bấy nhiêu. Ngoài việc học ở trường, khi có điều kiện, tôi sẽ cho con học thêm gia sư hoặc các môn nghệ thuật.

Nếu không có tiền, tôi sẽ cắt giảm bớt những thứ ngoài lề đó. Vì muốn Coca được học nhiều thứ nên tôi càng cố gắng, càng phấn đấu nhiều hơn. Con gái là động lực để tôi kiếm tiền.

Ngoài làm việc ở nhà hát, tôi còn làm thêm ở một công ty tư vấn, tổ chức sự kiện. Lương cứng ở hai cơ quan giúp tôi lo được các chi phí cơ bản của hai mẹ con. Ngoài ra, tôi còn có một số khoản thu nhập từ các buổi đi tập, đi diễn, đóng phim hay tiền được chia phần trăm từ các hợp đồng tài trợ để cải thiện cuộc sống hoặc tiết kiệm cho tương lai.

Số tiền kiếm được gần như chỉ đủ để nuôi con và chưa có tích lũy cho tuổi già nên thỉnh thoảng tôi cũng lo lắng khi nghĩ đến chuyện xa xôi. Nhất là thời điểm chưa có nhà, tôi còn nghĩ đến chuyện khi con gái đi lấy chồng, nhà người ta sẽ nghĩ thế nào khi đón dâu trong căn nhà thuê và tôi cũng chẳng có gì để làm của hồi môn cho Coca.

Tiền kiếm được tháng nào chỉ đủ tiêu tháng nấy nên nhiều lúc tôi cũng lo nếu sau này có chuyện thì không biết phải làm thế nào, lấy tiền đâu ra để ăn, để tiêu. Những lúc nghĩ như thế, tôi thấy sợ lắm... Nhờ sự giúp đỡ của mẹ, cuối cùng tôi đã mua được một ngôi nhà của riêng mình vào năm ngoái. Từ đó, tôi phần nào yên tâm về tương lai của mình và Coca. 

thuy-duong-nguoi-phan-xu-tung-phai-ban-do-ca-nhan-de-co-tien-nuoi-con-1

Phòng khách nhà diễn viên Thùy Dương. 

- Chị nghĩ thế nào nếu con ngại ngùng trước các câu hỏi về gia đình khi thiếu vắng sự chăm sóc của bố?

Tôi đã xác định sẵn con đường phải dạy con là ngay từ bé, tôi đã nói cho nó nghe sự thật và dạy nó nói thật. Tôi giúp con hiểu là sự thật không có gì đáng xấu hổ và dối trá mới là điều đáng xấu hổ. Tôi thẳng thắn trao đổi với con chuyện tại sao bố mẹ không sống với nhau.

Chính vì vậy, khi các bạn hỏi tại sao bố ít khi xuất hiện, cháu trả lời thẳng thắn rằng: "bố tớ bận", "bố mẹ tớ không ở với nhau nên mẹ đưa tớ đi học"... Kể cả chuyện bố cháu lập gia đình mới, cháu cũng cảm thấy thoải mái vì đó là sự thật, chẳng có gì phải che giấu.

Tôi không nói dối con và không dạy con nói dối nên khi ai hỏi về mẹ, cháu cũng chỉ nói sự thật. Cách đây mấy ngày, Coca tham gia chương trình Cháu ơi cháu à trên truyền hình và được tặng một cặp vé du lịch.

Khi MC dặn cầm vé về và bảo mẹ đưa đi chơi thì Coca trả lời luôn rằng: "Nhưng mà mẹ con lười lắm". Người khác có thể mắng con vì chuyện đó nhưng tôi thì không. Tôi cho rằng trẻ con thì phải nói thật.

Tôi quan niệm khi con còn trong vòng tay mình, khi mình còn uốn nắn được nó thì mình phải dạy nó những điều tốt đẹp nhất vì sau này, nó sẽ trưởng thành, phải tự bước vào cuộc sống và đối mặt với những điều không mấy tốt đẹp.

Những điều đúng đắn được dạy lúc nhỏ sẽ ảnh hưởng sâu trong trí não và giúp con miễn nhiễm với những cái xấu mà nó gặp ngoài xã hội sau này. Tôi không thể sống và chạy theo con mãi được và cuộc đời nó phải để cho nó quyết định. Chính vì vậy, tôi xây cho con cái móng vững chắc về suy nghĩ và cách sống như tiêm vaccin để con chống chọi với bệnh tật sau này.

- Chị gặp khó khăn gì trong việc dạy bé Coca khi vừa làm mẹ vừa làm bố?

Thẳng thắn và công bằng mà nói thì khi có một mình, việc dạy con sẽ dễ dàng hơn nhiều. Một gia đình có đầy đủ bố mẹ, ông bà có thể xảy ra những tình huống phức tạp như bố mắng thì mẹ bênh, mẹ mắng thì bố bênh, bố mẹ mắng thì ông bà bênh...

Trong khi đó, con tôi chỉ có một mình mẹ ở bên nên mẹ nói thì phải nghe. Tuy nhiên, tôi không vì thế mà áp đặt lên cháu bất cứ điều gì. Tôi coi con như một người bạn của mình và luôn công bằng trong mọi chuyện.

thuy-duong-nguoi-phan-xu-tung-phai-ban-do-ca-nhan-de-co-tien-nuoi-con-2

Thùy Dương và con gái thân thiết với nhau như những người bạn. 

- Chị dùng cách nào để làm bạn với con?

Tôi quan niệm trong bất kỳ việc gì cũng phải có sự công bằng thì mới thuận tình cả đôi bên. Tôi không bao giờ đổ lỗi cho con mà luôn nói chuyện với cháu như một người bạn. Nếu là người sai, tôi luôn chủ động nhận lỗi với con.

Ví dụ như cháu làm vỡ bát và nói "con xin lỗi mẹ", tôi sẽ nói với con rằng làm vỡ bát là chuyện bình thường, mẹ thỉnh thoảng cũng có thể làm vỡ bát nhưng lần sau con phải cẩn thận để không mắc lỗi nữa. Mỗi ngày con đi học về, tôi thường xuyên hỏi con ở lớp hôm nay có gì vui.

Con thích bạn nào, con không thích bạn nào, quý mến bạn nào, xích mích với bạn nào cũng đều về nói với mẹ. Qua những câu chuyện con kể, tôi phân tích cho cháu hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai. Bản thân tôi cũng chẳng bao giờ giấu con điều gì, chỉ hạn chế nói với cháu những chuyện yêu đương phức tạp của người lớn mà cháu chưa hiểu nổi.

Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ đánh con. Khi nào bực quá, tôi chỉ quát là cháu im, không bao giờ cãi mẹ. Những lúc cảm thấy không phục khi bị mẹ mắng, cháu thường có thái độ vùng vằng, khó chịu. 

Khi đó, tôi sẽ gọi con lại và hỏi cháu tại sao có thái độ đó hoặc cảm thấy oan ức ở chỗ nào để giải thích cặn kẽ cho cháu hiểu. Tôi muốn khi mắng hoặc phạt con, cháu cũng phải cảm thấy điều đó là thỏa đáng. 

- Chị chịu ảnh hưởng từ ai trong cách dạy con? 

Tôi không ảnh hưởng từ bất kỳ ai và cũng không bao giờ đọc sách tham khảo về các cách dạy con. Mỗi đứa trẻ có một đặc điểm riêng nên tôi không rập khuôn các cách dạy dỗ với Coca.

Tôi thường suy từ bản thân mình ra và nghĩ lại thời gian mình còn là trẻ con để rút kinh nghiệm và áp dụng. Ngoài ra, tôi không bao giờ so sánh con mình với con nhà người khác. 

Tôi không muốn đánh con vì sợ cháu sẽ lỳ lợm, khó bảo. Vì con, tôi đã thay đổi rất nhiều, từ một người nóng tính trở nên nhã nhặn, kiên nhẫn hơn. Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, tôi chỉ muốn điên lên đánh cho con một trận khi thấy cháu bày bừa ra nhưng rồi lại kiềm chế. 

Tôi rèn cho con sự tự lập từ bé. Năm lên 4 tuổi, tôi đã mua cho cháu một cái vali riêng để cháu tự chọn đồ, xếp đồ và tự xách khi hai mẹ con đi du lịch cùng nhau. Nếu cháu đòi mua thêm đồ trên đường đi chơi thì cũng phải tự xách những món đồ đó. Tôi chỉ xách hộ con những lúc cháu không thể tự làm.

Xin cảm ơn chị!

Video: Khải "Sở khanh" không nhớ nổi lần cuối cùng nói yêu vợ

(Nguồn: Ngôi Sao)
Bình luận
vtcnews.vn