Theo đánh giá của tình báo Mỹ, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân “Burevestnik” của Nga sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch và sẵn sàng trực chiến trong vòng sáu năm tới, tờ CNBC đưa tin.
Tình báo Hoa Kỳ cũng thông tin thêm về thời hạn, tính năng và tham vọng phát triển dự án tên lửa hạt nhân “Burevestnik” (NATO gọi là “Skyfall”). Đây là tên lửa hành trình hàng đầu của Nga, có khả năng tấn công ở bất cứ vị trí nào trên thế giới. Tuy vậy, báo cáo chỉ ra rằng, hiện tại Kremlin vẫn chưa tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa này.
Thông tin mới nhất về tên lửa “Burevestnik” được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại từ phía Washington đối với dòng tên lửa uy lực của Nga. Các vụ thử tên lửa đã được Matxcova tiến hành bí mật ở bờ biển phía Bắc.
Hôm 8/8, tình báo Mỹ phát hiện một vụ nổ bí ẩn ngoài khơi biển Bắc, một tên lửa “Burevestnik” rơi xuống đáy đại dương. Vụ nổ khiến 5 nhà khoa học Nga thiệt mạng.
Tên lửa hành trình “Burevestnik” lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 3/2018, trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga V.Putin. Vũ khí siêu thanh mới nhất mang đầu đạn hạt nhân và có phạm vi hoạt động “không giới hạn”.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa “Burevestnik” đã được tiến hành 4 lần từ tháng 11/2017 đến tháng 2/2018, và thêm một lần nữa vào đầu năm 2019. Tất cả cuộc thử nghiệm đều thất bại.
Tình báo Hoa Kỳ chỉ ra rằng, vụ phóng tên lửa dài nhất của Nga kéo dài hơn 2 phút, trong thời gian đó “Burevestnik” chỉ bay được 35 km, sau đó bị mất kiểm soát và rơi xuống. Vấn đề cơ bản là hệ thống điện hạt nhân của tên lửa không thể khởi động, do đó “Burevestnik” không thể tấn công “không giới hạn” như yêu cầu.
Clip: Dự án phát triển tên lửa hành trình Burevestnik. (Clip: Bộ Quốc phòng Nga).
Tờ CNBC cũng bình luận thêm rằng, dự án tên lửa hành trình “tấn công toàn cầu” của Nga thất bại, vì chúng cần rất nhiều tiền để phát triển. Tuy vậy, bất chấp thất bại, Tổng thống Putin dự định tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào loại vũ khí “bất khả chiến bại” này, để đánh gục hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ.
Chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury Jeffrey Lewis cho biết: “Tình bạn của D.Trump và V.Putin không thể đóng vai trò thay thế hiệp ước của các siêu cường hạt nhân. Bất luận lãnh đạo hai nước nói gì, quân đội Hoa Kỳ và Nga đang chi hàng tỷ đô la phát triển vũ khí hạt nhân mới nhằm chống lại nhau”.
Joshua Pollack, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, biên tập viên của Tạp chí Nonproliferation Review cho rằng, chiến lược của V.Putin là “tự hủy hoại” (hay “lãng phí”), vì phải mất rất nhiều thời gian để phát triển các công nghệ mới lạ như tên lửa hành trình này.
Theo ông Pollack, Nga đang cố gắng tạo ra vũ khí tối ưu, để phá vỡ các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Thế hệ tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện tại của Kremlin có thể dễ dàng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, công nghệ quốc phòng đang thay đổi sang thế hệ mới và Nga đang đi trước đón đầu.
Bình luận