Muôn vàn kiểu chữa bệnh truyền miệng
Chị Nguyễn Thị T.T. (26 tuổi – Hà Nội) là một thành viên tích cực của các trang thông tin hướng dẫn cách chăm sóc trẻ nhỏ, trị bệnh cho con. Con gái chị năm nay 1 tuổi nhưng do có cơ địa yếu nên bé hay bị cúm, ốm và sốt.
Biết đến bài thuốc đắp lá trầu không hút đờm trị bệnh cho trẻ thông qua mạng xã hội, chị T. cho biết từng áp dụng bài thuốc này.
“Cách đây không lâu, tôi có nghe nói về phương pháp trị ho bằng cách đắp lá trầu không. Khi ấy, con gái tôi lại đang sụt sịt ốm, lại nghe nói cách làm này rất hiệu quả nên tôi cũng đắp lá đã hơ nóng lên ngực và lên lưng, kết hợp thoa dầu cho con.
Nhưng mà cuối cùng đắp lá chẳng có tác dụng gì, sau đấy tôi vẫn phải đưa con đến khám bác sĩ, uống thuốc tây” - chị T. cho hay.
Không chỉ có chị T., mà nhiều bà mẹ trẻ khác cho biết họ cũng đã thực hiện bài thuốc dân gian này để trị bệnh cho con nhỏ, tránh phải đến bác sĩ.
Còn theo chị Nguyễn Thị H. Y (35 tuổi – TP Uông Bí, Quảng Ninh), các phụ huynh có có con nhỏ thường chia sẻ nhiều bài thuốc dân gian khác nhau lên các diễn đàn, nhóm hội kín trên mạng.
“Các bài thuốc đó nổi tiếng lắm, lại có rất nhiều bài chữa các bệnh khác nhau như: ngâm chân bằng nước gừng trị ho, nặn chanh để hạ sốt, đốt nhang cắt suyễn, v.v… Mà bài viết nào cũng có lời đảm bảo công hiệu cả.
Khi bài viết được đăng lên, ngay phía dưới nhiều bà mẹ đang nuôi con cũng vào bình luận, nói rằng đã áp dụng thành công, con bị bệnh không cần đi bác sĩ. Vậy nên tôi cũng tin tưởng, rồi thử xem sao”, chị Y. tâm sự.
Nói về lý do sử dụng các bài thuốc này, chị Y. chia sẻ, bởi gia đình chỉ thấy con bị cảm cúm nhẹ, không muốn đưa con tới bệnh viện điều trị.
“Nhà chúng tôi cách ở xa bệnh viện tỉnh, nếu con phải nhập viện mà bệnh con thì nhẹ, chúng tôi đi lại mất thời gian, rồi trong nhà ai cũng bận không có người chăm sóc, nói chung là ngại lắm” - chị Y. cho hay.
Rước họa cho trẻ
Mới đây, tại ĐH Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã ghi nhận trường hợp một cháu bé bị bỏng trên ngực do bà nội hơ lá trầu đắp lên ngực chữa sổ mũi, khò khè.
Khi nhập viện, bé đã bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4. Đặc biệt, do bị bỏng quá nặng, trên ngực bé gái để lại một vết sẹo lớn, ảnh hưởng thẩm mỹ khi trưởng thành.
Trước đó, tại BV Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ cũng cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi phỏng nặng vì đắp nước mắm, đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc, cắt lễ khiến da bị phồng rộp, nhiễm trùng.
Có trường hợp đắp tỏi hay quấn tỏi vào lòng bàn chân quá nhiều để chữa ho hoặc tắm với nước bỏ gừng nhưng pha gừng nhiều quá khiến trẻ bị bỏng.
Trao đổi với phóng viên VTC News, TS.BS Lê Thị Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có rất nhiều bài thuốc dân gian, tuy nhiên, khi sử dụng, gia đình cần phải có sự cân nhắc:
“Điểm quan trọng mà các mẹ cần phải hiểu rõ và nắm được đấy là bài thuốc dân gian đó có lợi ích gì, tác dụng chính là gì, tác dụng phụ sao để áp dụng. Và đặc biệt là nếu thấy các bài thuốc đó gây nguy hiểm thì không được sử dụng”, bác sỹ Hanh nói.
TS.BS Lê Thị Hồng Hanh cũng cho biết: “Phụ huynh chỉ nên áp dụng các bài thuốc như: uống chanh đào mật ong, thuốc siro ho thảo dược,… để trị bệnh cho trẻ trong giai đoạn đầu.
Đặc biệt, khi áp dụng các bài thuốc nói trên, cha mẹ cũng cần theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu bệnh của trẻ nặng hơn như: sốt cao hơn, ho dữ dội hơn,… thì gia đình cần phải gấp rút đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc”.
Video: Ăn nhầm mật ong giả từ đường và hóa chất, độc hại khôn lường
Bình luận