• Zalo

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2

Bóng đá Việt NamChủ Nhật, 03/05/2020 15:51:37 +07:00Google News

Chọn HLV ngoại cho tuyển Việt Nam là chuyện không đơn giản, bởi dù hồ sơ đẹp, trình bày triết lý có hay thì cũng phải chờ khi vào cuộc thì mới biết ai hay ai dở được

Chọn HLV ngoại cho U23 và ĐT Việt Nam chưa bao giờ là dễ với VFF, bởi chẳng ai có thể chắc chắn trình độ của người được chọn đến khi họ bắt tay vào công việc.

Lá thư tay từ HLV đưa Pháp vô địch World Cup 98

Sau thất bại tại SEA Games 21, bóng đá Việt Nam hối hả lao vào chuẩn bị cho kỳ đại hội tiếp theo được tổ chức ngay trên sân nhà. Thậm chí dù đội U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng ở giải đấu trên đất Malaysia, mục tiêu tại SEA Games 22 vẫn phải là giành huy chương vàng.

Bởi thế sau khi kết thúc hợp đồng với HLV người Brazil Dido vào cuối năm 2001, một danh sách hơn 50 ứng viên được soạn ra để lãnh đạo VFF cân nhắc. Đáng chú ý, trong số này có 4 HLV người Pháp được đích thân ông Aime Jacquet giới thiệu, theo lời đề nghị từ phía Việt Nam.

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2 - 1

HLV Aime Jacquet.

Lá thư tay từ HLV từng đưa lứa cầu thủ Zidane, Trezeguet, Henry… vô địch World Cup 98 (lúc ấy đang đảm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF)) được coi như lời bảo đảm về trình độ chuyên môn của những người được giới thiệu.

Một chi tiết nữa được báo chí ngày ấy lưu ý là việc nếu sử dụng một HLV người Pháp, VFF sẽ nhận được một nguồn kinh phí hỗ trợ rất lớn mà FFF hứa hẹn như địa điểm, chi phí ăn ở trong những chuyến tập huấn, các lớp đào tạo nâng cao trình độ HLV, giảng viên cho trường bóng đá sắp mở...

Có lẽ bởi thế mà sau khi cân nhắc, VFF đã quyết định chọn HLV Christian Letard, người dù có bằng HLV chuyên nghiệp nhưng trước đó chỉ dẫn dắt các CLB hạng 2, hạng 3 của Pháp. Một quan chức VFF sau này tiết lộ rằng lý do vị HLV này được chọn là vì "Chủ tịch VFF Hồ Đức Việt khi đó rất khoái ông Letard, bởi ông ta nói về triết lý bóng đá rất hay".

Rõ ràng việc lựa chọn một HLV nước ngoài xa lạ chỉ qua lời giới thiệu và những trình bày lý thuyết là một canh bạc thực sự. Và tiếc thay ở canh bạc này, VFF đã thua rất đậm.

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2 - 2

HLV Letard khi mới đến Việt Nam. 

Nói hay nhưng làm dở 

Tháng 1/2002, HLV Letard đặt chân đến Hà Nội và tuyên bố sẽ nỗ lực để thành công tại Việt Nam dù đây mới là lần đầu dẫn dắt một đội tuyển quốc gia. Vị HLV sinh năm 1947 này cũng thừa nhận không biết nhiều về bóng đá nơi đây, nhưng bù lại rất hiểu về con người và đất nước Việt Nam.

Sau quá trình thương thảo, ngày 22/3/2002, ông Letard chính thức đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm với VFF, hưởng mức lương hơn 10.000 USD/tháng. Tuy nhiên chỉ khoảng 3 tuần sau khi nhậm chức, vị HLV người Pháp này bắt đầu phàn nàn về các điều kiện bóng đá tại Việt Nam (cơ sơ vật chất, mặt sân), cũng như hạn chế về trình độ và sự thiếu tự tin của các cầu thủ trẻ.

Đến tháng 5, HLV Letard lần đầu tiên có hành động khiến dư luận thực sự dậy sóng khi quyết định loại Văn Quyến (khi đó đang rất nổi sau VCK U16 châu Á 2000) khỏi đội U22 Việt Nam vì cho rằng cầu thủ này không đáp ứng được yêu cầu thể lực.

Sau này khi để thua Hà Nội ACB tới 0-3 ở trận đầu cầm quân, vị chiến lược gia này vẫn dứt khoát bảo vệ quan điểm của mình.

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2 - 3

Việc loại Văn Quyến là một trong những lý do khiến ông Letard không được lòng dư luận.

Chẳng biết việc loại Văn Quyến có tác động đến đâu, nhưng sự thất vọng dành cho U22 Việt Nam dưới thời HLV Letard là điều nhìn thấy rõ. Tại giải giao hữu LG Cup diễn ra vào tháng 8/2002, U22 Việt Nam liên tiếp bại trận trước U22 Singpore và Olympic Ấn Độ, qua đó sớm dừng bước ngay sau vòng bảng.

Màn trình diễn quá thất vọng của U22 Việt Nam khiến VFF hốt hoảng. Họ nhận ra trình độ của HLV Letard chẳng có gì nổi bật và rõ ràng nếu đội cứ đá thế này rồi thất bại ở SEA Games 22 thì tất cả những người liên quan sẽ "ăn đủ".

Chỉ ít ngày sau LG Cup, lãnh đạo VFF thống nhất sa thải HLV Letard. Khổ nỗi ông Letard dù kém chuyên môn nhưng lại khá giỏi luật. Và thế là bất chấp việc VFF chỉ muốn đền bù 3 tháng lương, vị HLV này không đồng ý và quyết định đi kiện.

Khoản đền bù tiền tỷ khiến VFF choáng váng 

Sở dĩ HLV Letard không chịu ký vào bản thanh lý hợp đồng, nhận 35.000 USD đền bù mà quyết đòi bằng được VFF phải trả tiền lương cho đến hết tháng 11/2003 là bởi nhận ra những điều khoản hai bên ký trước đó chỉ ghi rất chung chung.

Khoản 10.2 bản hợp đồng này ghi rằng nếu HLV Letard không đạt được kết quả tốt trong công việc và làm tổn hại uy tín của VFF trước công luận thì VFF có thể chấm dứt trước thời hạn và mọi tranh chấp giữa hai bên sẽ được giải quyết tại Ủy ban Tư cách cầu thủ FIFA.

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2 - 4

Ông Letard có không ít phát ngôn gây tranh cãi về bóng đá Việt Nam trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên việc đền bù bao nhiêu khi cắt hợp đồng lại không được ghi rõ và VFF cũng không có điều khoản bắt buộc HLV Letard không được phép gửi đơn kiện đến địa chỉ có thẩm quyền cao hơn (ở đây là Tòa án trọng tài thể thao quốc tế - CAS).

Trên thực tế vào thời điểm đó, cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố theo kiểu tự tin rằng phần thắng sẽ về mình. HLV Letard bày tỏ sự tiếc nuối khi phải sớm rời đi, bởi theo ông "nếu theo đúng kế hoạch tôi đã đề ra, Việt Nam chắc chắn có huy chương SEA Games"; còn VFF cũng khẳng định chắc nịch rằng kể cả có kiện lên FIFA thì "chúng ta cũng không phải đền bù hợp đồng".

Và quả đúng là khi Ủy ban tư cách cầu thủ FIFA ra phán quyết vào tháng 2/2004, VFF thắng kiện và chỉ phải trả 35.000 USD cho HLV Letard. Không chấp nhận kết quả này, ông Letard tiếp tục kiện lên CAS.

Biết thông tin này, VFF cũng chẳng gửi bất cứ một bản thanh minh, tường trình nào cả mà mặc kệ ông Letard thoải mái "vạch tội". Kết quả là đến ngày 30/9/2004, CAS bác bỏ phán quyết của Ủy ban tư cách cầu thủ FIFA, đồng thời yêu cầu VFF phải đền bù cho HLV Letard 197.800 USD, gồm 13 tháng tiền lương (khoảng 140.000 USD) và 57.800 USD tiền phạt nảy sinh trong quá trình khiếu kiện.

Thế nhưng thông tin này sau đó còn bị "ỉm đi" và chỉ bị lộ ra vào đầu tháng 1/2005, khi hạn bồi thường đã cận kề. VFF nếu không trả tiền thì ĐT Việt Nam sẽ bị cấm thi đấu quốc tế 2 năm và những người trong cuộc thì không thể "xử lý khéo" số tiền gần 200.000 USD (khoảng 3 tỷ đồng) để giải ngân được.

Tin lời có cánh từ nhà vô địch World Cup, VFF mất tiền tỷ cho HLV hạng 2 - 5

Sa thải HLV Letard giúp U23 Việt Nam chơi tốt hơn tại SEA Games 22 nhưng điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ khiến VFF phải đền bù một số tiền quá lớn cho HLV này.

Vụ việc lộ ra khiến Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn phải viết đơn xin từ chức do "không chịu nổi sức ép dư luận và cảm thấy không nên ngồi lại vị trí".

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, khi nhắc lại vụ việc này, ông Viễn tiết lộ rằng HLV Letard khi bị sa thải đã rất cay cú và nói rằng "mục đích của tôi là SEA Games, giải giao hữu chỉ là nơi để tuyển chọn, thử quân", vì thế dẫn đến thái độ bất hợp tác.

Tuy nhiên dù hai bên có nói sao đi nữa, vụ việc của HLV Letard vẫn là một trong những vết đen đáng quên của bóng đá Việt Nam. Nên nhớ VFF mất đến 3 tỷ đồng để trả giá cho một "cú lừa" đau điếng, trong khi vào năm 2005, tiền tài trợ cho ĐTQG chỉ có khoảng 3,7 tỷ đồng.

Rõ ràng, chọn thầy ngoại cho đội tuyển luôn luôn là chuyện không hề đơn giản, bởi dù hồ sơ có đẹp, trình bày triết lý có hay thì cũng phải chờ khi vào cuộc thì mới biết ai hay ai dở được. Mà để đánh giá chuyện hay dở ra sao cũng đâu phải dễ dàng gì!

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn