• Zalo

Tin lời, chuyển 380 triệu đồng cho người lạ

Pháp luậtThứ Bảy, 10/05/2014 07:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Lãnh đạo Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cần cảnh giác hơn khi tiếp nhận các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền.

(VTC News) – Lãnh đạo Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác hơn khi tiếp nhận các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.

Ban Giám đốc Công an TP.HCM vừa có văn bản gửi Trưởng Công an 24 quận huyện của TP.HCM, yêu cầu tăng cường tuyên truyền các phương thức, hình thức, thủ đoạn, tính chất hoạt động tinh vi của nhóm tổ chức lừa đảo quốc tế.

Cụ thể, mặc dù trong thời gian vừa qua đã được cảnh báo rộng rãi, nhiều nạn nhân ở TP.HCM vẫn sập bẫy bọn lừa đảo này.

Mới đây nhất, ngày 9/5, Công an Q.5 tiếp nhận vụ việc bị lừa đảo gần 400 triệu đồng qua một cuộc điện thoại. Chị TLTM (30 tuổi, ngụ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhận được một cuộc điện thoại thông báo đang nợ cước qua điện thoại.

Tiếp đó, chị M nhận được thông báo qua điện thoại của một người xưng là cán bộ điều tra của Công an TP Hà Nội, thông báo tài khoản ngân hàng của chị M đang bị phong tỏa để điều tra, vì nghi ngờ tiền trong tài khoản do phạm tội mà có.

Khi nhận thấy chị M bắt đầu hoang mang, đối tượng đề nghị chị M chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định để xác minh nguồn gốc số tiền này. Người ‘cán bộ’ này cũng thông báo rõ, nếu sau khi điều tra thấy tiền của chị M trong sạch sẽ được trả lại cho chủ sở hữu.

Tin lời, chị M đã ra ngân hàng, chuyển 380 triệu đồng vào đúng số tài khoản mà đối tượng yêu cầu. Sau đó, chị M phát hiện mình bị lừa đảo nên đến trình báo tại cơ quan Công an.

Một đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao người Trung Quốc vừa bị Công an Q.3 bắt giữ (ảnh: CA) 

Cũng tối ngày 9/5, phòng CSĐT tội phạm về trật tự XH – Công an TP.HCM (PC 45) phối hợp với Công an Q.3 bắt giữ một nhóm gồm 4 đối tượng (3 người Trung Quốc, 1 người Việt Nam) nằm trong băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia.

Qua kết quá xác minh ban đầu cho thấy, đây chính là nhóm đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để thực hiện các cuộc gọi internet, tự xưng là cán bộ điều tra để hù dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản được chỉ định để xác minh nguồn gốc tiền.

Khi đã nhận tiền của nạn nhân, các đối tượng này nhanh chóng rút tiền qua internet banking hay thẻ tín dụng quốc tế tại ATM để chiếm đoạt, tiêu xài thoải mái.

Từ đầu năm tới nay, TP.HCM đã bắt 42 đối tượng (hầu hết là người Trung Quốc), phong tỏa 400 tài khoản ngân hàng  để điều tra về những hành vi có hình thức lừa đảo tương tự, thu hồi khoảng 5 tỷ đồng trả lại cho các nạn nhân.

Công an TP.HCM ra khuyến cáo: Người dân cần tăng cường cảnh giác tối đa đối với các cuộc gọi qua điện thoại bàn, tự xưng là cán bộ điều tra. Các cơ quan thực thi pháp luật chỉ làm việc với người dân tại trụ sở, có gửi giấy mời, triệu tập.

Việc tịch thu, tạm giữ tài sản đều phải có văn bản xác nhận.Người dân kiên quyết không cung cấp các thông tin cá nhân khi chưa biết người tiếp nhận là ai, dùng thông tin này vào mục đích gì.

Ngân hàng cần tăng cường thông tin đến người dân các hình thức lừa đảo qua tài khoản. Nếu phát hiện ra hình thức lừa đảo tương tự, hay số tài khoản yêu cầu phải chuyển tiền đáng ngờ cần phải báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời điều tra, xử lý.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn