Google đang phải đối mặt với làn sóng tẩy chay quảng cáo trên YouTube từ một loạt công ty lớn như Lidl, Diageo, Mars Inc, Deutsche Bank AG, Adidas AG. Trước đó, danh sách này còn dài hơn với những cái tên lớn khác như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal, BBC...
Tất cả chỉ vì họ nhận ra rằng mình đang phải trả tiền cho những quảng cáo hiển thị trên video không phù hợp. Chúng chứa hình ảnh trẻ em "thiếu vải", thu hút bình luận dung tục từ những kẻ có tư tưởng ấu dâm.
Tại Việt Nam, những kẻ trục lợi từ video xấu độc cũng có những mánh khoé riêng để thu hút được quảng cáo. Chúng vẫn chưa bị YouTube phát hiện và xử lý, dù đã có cảnh báo từ cộng đồng cũng như cơ quan chức năng.
Video ăn cắp, giả mạo và nhắm vào trẻ em
Là nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, YouTube cũng là mảnh đất màu mỡ để người dùng kiếm tiền từ những video triệu view. Tại Việt Nam, có những kênh bổ ích như "Top 5 lạ kỳ", "Song Thư Channel", "Kenny N", "Dan Hauer"... nhưng cũng có không ít những kênh giải trí sống nhờ vào video dung tục, sai sự thật hoặc đánh cắp nội dung từ nguồn khác.
"Ai làm YouTube cũng phải dùng thủ thuật thôi. Muốn có tiền thì phải bất chấp, chỉ đừng đụng tới trẻ em là được vì năm ngoái đã có người làm nội dung phản cảm cho trẻ em bị báo chí lên án và phạt tiền", Hải Khang - một YouTuber tại Hà Nội nói với Zing.vn về con đường của những YouTuber "tà đạo", sống bằng lượt view và quảng cáo từ video xấu thay vì tạo ra giá trị.
Các thủ thuật mà Khang nói gồm có "reup" (đăng lại những video của kênh khác), dùng hình khiêu gợi làm ảnh bìa nhằm thu hút lượt xem, tạo các nội dung dị hợm, vô bổ như "tắm với 3 tỷ đồng", "thả đỉa vào dầu gió", "ăn ba ký cơm"... hay hành hạ các vật nuôi, thu hút nhiều lượt bình luận từ người dùng nhỏ tuổi.
Trong số những thủ thuật đó, "reup" được sử dụng nhiều nhất vì dễ thực hiện, không tốn chi phí. Các video đánh cắp từ kênh khác thường được thu nhỏ, tăng tốc độ video, cắt ngẫu nhiên... để qua mắt hệ thống kiểm tra của YouTube.
Tuy nhiên, theo Khang, máy móc thường không thể theo nổi chiêu trò của cậu và đồng nghiệp. Nỗi sợ duy nhất đến từ cộng đồng người xem. Khi phát hiện những vi phạm chính sách, người xem sẽ trực tiếp thực hiện báo cáo và đơn này sẽ được YouTube xử lý.
Ngoài những trò bẩn trên, gần đây YouTube tại Việt Nam xuất hiện tình trạng video đưa tin giả mạo (fake news), điển hình là những kênh được lập ra mạo danh Đài truyền hình VTV, phát sóng những clip vô nghĩa, nội dung nghèo nàn, cắt ghép từ nhiều nguồn nhưng đặt tít sai sự thật nhằm câu khách.
Những video loại này thu hút do đánh trúng vào các vấn đề dư luận quan tâm. Người xem thiếu hiểu biết dễ bị dẫn dắt, hiểu sai các vấn đề xã hội.
Thậm chí, cách đây ít ngày, một đoạn video giả mạo cảnh tử hình sát thủ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến đã lọt vào top 10 video xu hướng của YouTube, nơi đáng lẽ phải được tuyển chọn, rà soát kỹ trước khi giới thiệu đến công chúng.
Kẻ trục lợi kiếm được bao nhiêu tiền?
Nếu không tính những kênh YouTube được đầu tư bài bản và nội dung tốt, kiếm tiền từ quảng cáo bên trong video, các chủ kênh "tà đạo" phần lớn sống nhờ lượt view và những cú click quảng cáo. Tuy nhiên, số tiền thu về khá thấp.
Theo Nhật Mai, chủ một kênh YouTube ở TP.HCM, kênh của cô chỉ nhận được khoảng 1,53 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Đây là mức phổ biến đối với thị trường Việt Nam, trong khi ở các nước châu Mỹ, con số này gấp 10 lần (12-15 USD).
Với giá tham khảo này, chủ kênh YouTube ở Việt Nam có thể thu về 1.530 USD cho mỗi video đạt 1 triệu view. "Để được số tiền này mà không cần tốn tiền đầu tư máy quay, kịch bản, các chủ kênh chỉ còn con đường nhanh nhất là gian lận", Nguyễn Ngọc Minh - một chuyên gia về quảng cáo trực tuyến ở TP.HCM nhận định.
Theo tiết lộ của Minh, trên thực tế, những chủ kênh YouTube cao tay thường tạo video có nội dung hướng đến người xem tại nhiều quốc gia để nhận được nhiều view hơn. Họ cũng tìm cách thay đổi IP Việt Nam để tránh qua nhiều lớp kiểm duyệt nội dung của YouTube. Một số từ khoá nhạy cảm, giật gân được chèn thêm dấu chấm giữa các ký tự để qua mắt các thuật toán của YouTube lẫn Google.
Con người và thuật toán liệu có đủ?
Trên một trang "săn đầu người", Google từng tuyển nhân viên phân tích, rà soát nội dung xấu trên YouTube tiếng Việt và làm ở văn phòng Singapore, nhưng đến nay vị trí này đã ngưng nhận hồ sơ.
Theo mô tả công việc, vị trí này chịu trách nhiệm điều tra, xác định và ngăn chặn những video có vấn đề, vi phạm chính sách, nắm bắt xu hướng thị trường Việt Nam, cung cấp các phản hồi về hệ thống, quy trình...
Một nguồn tin cho biết Google có đội ngũ hàng ngàn người như vậy để kiểm soát các nội dung xấu độc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Fortunelords, có khoảng 300 giờ video được upload lên YouTube mỗi phút, tương đương 432.000 giờ mỗi ngày. Do đó, con số hàng ngàn nhân viên của YouTube và một vài người Việt được tuyển dụng có lẽ không đủ để phát hiện các video xấu, bẩn, nội dung độc hại. Bằng chứng là vẫn còn vô số video loại này bị phát hiện.
Google cho biết ngoài yếu tố con người, họ còn dùng thuật toán để phát hiện những video vi phạm bản quyền và cơ chế báo cáo "report" từ cộng đồng. Nhưng cả hai phương thức này đều tồn tại nhược điểm.
"Mắt diều hâu" của YouTube có thể dễ dàng bị qua mặt bởi những dấu chấm xen lẫn vào một từ khoá giật gân (chẳng hạn C.H.Ấ.N Đ.Ộ.N.G), còn việc đợi người dùng report và YouTube xoá kênh vốn không đáp ứng được tính tức thời. Khi một nội dung xấu được phát hiện, chúng đã có sẵn hàng triệu lượt xem.
Đây là phát hiện của trang BuzzFeed. Theo The Times, vì YouTube rà soát kém hiệu quả, nên đã có những đội ngũ tình nguyện viên được lập ra và phi lợi nhuận. Công việc chính của nhóm là đi "gắn cờ", tố cáo những video xấu, có thể gây hại đến người xem, đặc biệt là trẻ em.
"Từ tháng 8 năm nay, chúng tôi đã gắn cờ cho hơn 12.000 video có nội dung kiểu này. Chúng vẫn còn rất nhiều, dự tính không dưới 50.000 video nhạy cảm. YouTube chắc chắn biết rõ điều đó nhưng họ không làm gì. Bọn họ có quan tâm gì đến sự an nguy của bọn trẻ đâu, YouTube chỉ muốn giữ hình ảnh thôi", một tình nguyện viên giấu tên chia sẻ.
Video: Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục - Thói quen nguy hiểm của nhiều bố mẹ Việt
Rút quảng cáo - đòn tự vệ cuối của các nhãn hàng?
Có thể thấy, việc Johnson & Johnson, JPMorgan Chase, Verizon, AT&T, Starbucks, Pepsi, Walmart, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal, BBC... rút quảng cáo khỏi YouTube vào đầu 2017 như một cách để tự bảo vệ mình trước những nội dung phản cảm.
"Chúng tôi dừng quảng cáo trên YouTube và Google ngay khi biết tin. Chúng tôi rất sốc và không ngờ rằng quảng cáo lại được phát trên những nội dung nhạy cảm như thế", đại diện Deutsche Bank nói với Bloomberg.
Tại Việt Nam, các nhãn hàng đã nhận thức được nguy cơ trên. Nestle cho biết hãng cũng đã có hành động cụ thể để làm việc với YouTube, nhằm tránh rơi vào tình trạng tương tự.
"Ở Việt Nam, các nhãn hàng cũng bắt đầu quan tâm đến việc quảng cáo của họ sẽ hiện ở đâu trên YouTube, nhưng tỉ lệ này còn khá ít", Phương Trang - nhân viên tại một công ty chuyên chạy các chiến dịch quảng cáo cho nhãn hàng trên YouTube tại TP.HCM, chia sẻ với Zing.vn.
Theo Phương Trang, các nhãn hàng sẽ có quyền yêu cầu đối tác chạy quảng cáo trên một số kênh nhất định. Tuy nhiên, việc thống kê để tạo ra danh sách kênh lành mạnh khá khó khăn và số lượng ít. Do đó, các công ty quảng cáo vẫn chọn cách rải đều quảng cáo trên YouTube để nhanh đạt chỉ tiêu. Việc này vô tình khiến quảng cáo có thể bị hiển thị trên những video không phù hợp.
>>> Đọc thêm: Làn sóng tẩy chay quảng cáo YouTube lan ra toàn cầu, Google ‘bốc hơi’ 39 tỷ USD
Bình luận