• Zalo

Tín dụng thắt chặt, doanh nghiệp bất động sản gặp khó

Kinh tếThứ Năm, 21/02/2019 07:23:00 +07:00Google News

Theo SSI Research, việc các ngân hàng chỉ được phép sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn tạo nên thách thức với doanh nghiệp vì phần lớn các khoản vay này đều ở dạng thế chấp.

Mới đây, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật ngành bất động sản năm 2019.

Theo SSI Research, việc các ngân hàng chỉ được phép sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, giúp giảm rủi ro cho ngành ngân hàng, tuy nhiên lại tạo nên thách thức với doanh nghiệp vì phần lớn các khoản vay này đều ở dạng thế chấp.

Gây thách thức về vốn

Theo Thông tư số 9/2017 của Ngân hàng nhà nước, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng chỉ được phép sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, thay vì 45% như năm trước. Điều này giúp giảm rủi ro cho ngành ngân hàng, cơ cấu lại danh mục tín dụng.

Tuy nhiên, theo SSI Research điều này lại tạo nên thách thức với doanh nghiệp bất động sản, bởi vì phần lớn các khoản vay trung, dài hạn đều ở dạng thế chấp.

Vì vậy, các nhà phát triển bất động sản sẽ phải chuẩn bị các nguồn lực thay thế để giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu để huy động vốn, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tìm kiếm đối tác cho các dự án cụ thể là một số lựa chọn thay thế được sử dụng trong thời gian gần đây. SSI Research dự đoán các hoạt động này sẽ trở thành xu hướng tương lai.

52373504_426019248141987_6406921802001416192_n

 Tín dụng thắt chặt có thể gây thách thức về vốn cho doanh nghiệp bất động sản.

Không có dấu hiệu suy thoái ngành

Theo báo cáo của SSI Research, chỉ số kinh tế tích cực, dòng vốn đầu tư nước ngoài cao, tầng lớp trung lưu gia tăng và lượng kiều hối mạnh là nhân tố thúc đẩy thị trường trong năm nay. Nhu cầu nhà ở có thể sẽ tiếp tục tăng và tập trung ở phân khúc giá rẻ.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ tiếp đà tăng, bởi nhiều nhà đầu tư chọn khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam làm nơi đầu tư giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây cũng là cơ hội cho thị trường bất động sản, bao gồm bất động sản công nghiệp, thương mại hoặc khu dân cư, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.

Duy trì tăng trưởng thu nhập sẽ là thách thức

SSI Research, cho rằng, năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết như Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, Khang Điền hay Nam Long dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận tích cực từ bàn giao dự án. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này có thể chậm hơn so với năm trước do các dự án được ra mắt chậm hơn.

Nam Long dự kiến tăng lợi nhuận năm 2019 là 12,5%, thấp hơn so với mức 42% năm 2018. Đất Xanh được dự đoán tăng trưởng 19,4% trong khi năm trước là 57%. Hay Novaland có mức tăng lãi chỉ 3% trong khi năm trước lên tới 59%.

SSI Research thấy rằng các chủ đầu tư thường phát triển thị trường chính là TP.HCM, nơi có khó khăn về thủ tục cấp phép dự án bị trì hoãn năm 2018. Do đó duy trì đà tăng trưởng cao hơn trong 2019 là thách thức lớn đối với họ.

Lợi nhuận của một số doanh nghiệp phát triển bất động sản tại TP.HCM có thể gặp áp lực lớn vào năm 2019 và giảm từ năm 2020. Do đó các doanh nghiệp như Đất Xanh hay Nam Long đang mở rộng quỹ đất ra các thành phố khác, trong khi Novaland đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.

Đối với năm 2020, SSI Research giữ quan điểm tích cực về các chỉ số kinh tế vĩ mô, thanh khoản thị trường sẽ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên vấn đề rủi ro về thủ tục hành chính kéo dài có thể gây ra sự chậm trễ trong việc phát triển các dự án mới tại TP.HCM vào năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản, vì thế cũng có thể gặp tác động tiêu cực.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn