• Zalo

Tín dụng đen lộng hành vùng đất võ Bình Định: Con nợ bị đập nhà, đòi cắt cổ

Pháp luậtThứ Tư, 29/08/2018 12:00:00 +07:00Google News

Nhiều người túng thiếu tìm đến tín dụng đen và bị nhấn chìm trong vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con, trả hoài không dứt, thậm chí có người bị dọa giết, cắt cổ và gia đình bị đập phá tài sản do không trả được nợ.

Video: Người dân vùng đất võ ở Bình Định lao đao vì tín dụng đen lộng hành

Thời gian gần đây, nhiều nhóm cho vay với lãi suất cao xuất hiện tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định). Với lãi suất cao chóng mặt, nhóm người này khiến con nợ sống dở chết dở vì nợ nhỏ biến thành nợ lớn. 

Người dân nơi đây lại đang sống trong sự lo lắng vì tình trạng tín dụng đen đang hoành hành, khiến nhiều gia đình tan nát, sống chui sống lủi vì sợ chủ nợ tìm.

Một người quen dẫn tôi đến nhà ông Lê Ráng (SN 1954, trú thôn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn). Ông Ráng chia sẻ: "Những ngày qua tôi vẫn còn sợ hãi. Lúc trước gia đình tôi kẹt chuyện nên vợ có đi vay mượn một người tên Long (trú tại TP Quy Nhơn) với số tiền 5 triệu đồng. Với số tiền trên, trong vòng 31 ngày vợ tôi phải trả thành 6,3 triệu đồng nhưng khi vợ tôi bận công việc phải đi xa không kịp đóng lãi là Long cùng một số thanh niên xăm trổ khác kéo đến nhà đập phá, hù dọa ... khiến tôi mất ăn mất ngủ vì lo lắng."

capture-15035110

Nhóm người cho vay với lãi suất cao đến đập phá nhà của con nợ vì trễ hẹn trả tiền lãi.  

Bà Nguyễn Thị Phụng (trú xã Tây Phú) vẫn còn run sợ khi nhắc đến chủ nợ, cho hay: "Tôi làm nghề buôn bán nhỏ nên khi đám cưới con có kẹt một số tiền nên sau đó có người mách bảo ra khu vực cầu mới có công ty T. Nghĩa thì sẽ có tiền nhanh. 

Tôi cần tiền nhanh để lo công việc, do đó ra chỗ T. Nghĩa hỏi thì họ cho vay với phương thức trả lãi và gốc mỗi ngày. Họ cầm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của tôi và đồng ý cho tôi vay 5 triệu đồng. Số tiền 5 triệu đồng sau khi ký giấy nợ thì họ lấy tiền giấy mực 50 nghìn đồng, và số tiền phải đóng mỗi ngày là 150 nghìn đồng trong vòng 40 ngày", bà Phụng nói. 

Bà Phụng nói thêm, công việc buôn bán nên nhiều khi đi nơi khác nên không kịp đóng lãi thì bị chủ nợ điện thoại hối thúc và đe dọa. 

"Có lúc tôi đi lên Đắk Lắk để mua hàng về bán và gọi điện cho Long để hẹn hôm sau về trả nhưng Long không đồng ý, thậm chí nghỉ 1 ngày là bị phạt 100 nghìn đồng. Có khi đi công việc xa thì xuất hiện nhóm người vào nhà đe dọa rồi dùng đá đập phá tại sản của gia đình. Sau khi sự việc xảy ra, công an huyện, xã có lên làm việc nhưng tôi thấy không ai xử lý về việc đền bù hay bắt chúng", bà Phụng cho hay. 

40131331_2252146321685425_3640855557914492928_n-1505142-1906407 4

Cơ sở cho vay trả góp hằng ngày với lãi suất cao ở huyện Tây Sơn - Bình Định.  

Tương tự như bà Phụng, bà Thanh (trú xã Tây Phú) cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hằng ngày bà mưu sinh bằng việc ra chợ mua bán hoa quả nên mỗi khi cần tiền để lấy hàng thì đi vay tại chỗ T. Nghĩa. 

"Tôi vay bên T. Nghĩa với số tiền đủ để mua hàng, nhưng lãi suất ở đó quá cắt cổ. Tôi buôn bán nhỏ nên nhiều khi đành chấp nhận để lấy tiền mua hàng để bán. Tuy nhiên, hằng ngày nếu không ra tiền kịp cho chủ nợ thì bị nhiều người xăm trổ vào nhà cắt ổ khóa, có khi dùng ổ khóa khác để không cho tôi vào nhà. Buôn bán thì lúc được lúc không, do vậy có lúc trễ hẹn thì nhóm người này đe dọa, có khi tôi không dám về nhà vì những người này dọa sẽ cắt cổ và giết chết tôi", bà Thanh nói. 

Theo điều tra của phóng viên, trên khu vực huyện Tây Sơn có nhiều nhóm, tổ chức cho vay tiền mặt với lãi suất cao và chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe để làm hợp đồng vay tiền... Đặc biệt, trong đó có cơ sở cho vay T. Nghĩa, dán quảng cáo tờ rơi khắp các bức tường, trụ điện, chốt giao thông... làm ảnh hưởng đến cảnh quang đô thị ở huyện này nhưng vẫn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý. 

40332143_573619813036212_4983564103894171648_n 3

Bản quảng cáo của cơ sở cho vay T. Nghĩa dán khắp mọi nơi ở huyện Tây Sơn. 

Nhóm cho vay nặng lãi lách luật bằng cách thỏa thuận cho vay với lãi suất không cao hơn so với quy định của Nhà nước, nhưng bản hợp đồng vay tiền không giao lại cho người đi vay. Cứ đến hẹn, bọn chúng cho người tiếp cận người vay để lấy nợ. Thậm chí, khi người vay đủ tiền trả, bọn chúng không cho người vay gặp chủ nợ để trả cả lãi và gốc nhằm kéo dài thời gian để thu lãi bất chính.

Ngoài ra, còn có những trường hợp trong dân bức bách cần tiền, thậm chí thua tiền cờ bạc, sẽ được vay với lãi suất từ 15-30% mỗi tháng. Tình trạng dồn "lãi mẹ đẻ lãi con" khiến cho người vay nợ điêu đứng. Các băng nhóm cho vay này sử dụng một đội quân đòi nợ hầm hố có tiền án tiền sự, nhân thân phức tạp. Khi tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” dồn quá cao, người đi vay không còn khả năng trả nợ, sẽ bị bọn chúng ép bán nhà trả nợ; nếu không sẽ bị hành hung, làm nhục hoặc bắt cóc người thân.

Liên quan đến vụ việc, ngày 26/8, trả lời VTC News, ông Bùi Văn Mỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, tình trạng người dân thiếu tiền phải đi vay ở ngoài rất nhiều. Do đó, trong cuộc họp UBND huyện vừa qua, đơn vị cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ việc này. 

"Chúng tôi yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra và tuyên truyền để người dân biết hơn về việc nhóm người lạ cho vay tiền với lãi suất cao. UBND huyện cũng đã đề nghị báo đài, thông tin đến người dân có nhu cầu vay mượn tiền thì hãy tới những nơi có pháp lý, lãi suất theo quy định nhà nước nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cơ quan công an phải kiểm tra để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, không thể để việc con nợ bị chủ nợ đe dọa, đập phá tài sản và gây nguy hiểm đến tính mạng", ông Mỹ khẳng định. 

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn