Nhận thấy nhu cầu vay vốn mua sắm, trả nợ, làm ăn... của nhiều cá nhân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, “tín dụng đen” với phương thức vay dễ dàng nhưng lãi suất “cắt cổ” bùng nổ khắp nơi.
Vay dễ, trả khó
Những ngày này, thông báo mời chào vay vốn được dán khắp nơi, tại nhiều địa điểm công cộng, bảng tin tổ dân phố, trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động... với những lời quảng cáo cho vay rất hấp dẫn, như “Lãi suất thấp nhất, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh trong vòng 2-3 ngày, hạn mức cho vay cao...”.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, họ tự giới thiệu là những “ông lớn” như: Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi chính phủ... nhưng không hề có tên tuổi ngân hàng, địa chỉ cụ thể, trừ số điện thoại.
Liên hệ với thuê bao 0946.813... trên tờ quảng cáo: “Ngân hàng cho vay tín chấp tới 400 triệu/người, không tài sản đảm bảo, lãi suất 1,2%/tháng”, tôi được chỉ tới đường Láng (Hà Nội) để trao đổi cụ thể.
Tìm đến địa chỉ đã cho, thì đây chỉ là một tiệm cầm đồ. Chủ tiệm liến thoắng: “Em chỉ cần để lại CMND hoặc GPLX rồi ký vào giấy vay, sẽ có tiền ngay. Lãi suất tùy số tiền, thời gian vay, chỉ chênh chút xíu so với ngân hàng, từ 4-7 nghìn đồng/ngày”.“Tín dụng đen” công khai quảng cáo trên đường
Nhẩm tính, với mức lãi suất từ 4-7 nghìn đồng cho số tiền vay 1 triệu đồng/ngày, tương đương mức lãi suất 0,4-0,7%/ngày, thì lãi suất theo năm sẽ lên tới 144-252%/năm.
Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay mới thấy nhiều ràng buộc sẽ “ập” đến. Anh Lê Tuấn (Dịch Vọng, Cầu Giấy) kể, anh đã vay 100 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, tức mỗi ngày anh phải trả 500 nghìn đồng.
Hết một tháng kể từ ngày vay, anh Tuấn mang 15 triệu đồng đến trả lãi thì được chủ nợ thông báo trong suốt 30 ngày qua, anh không trả lãi hàng ngày nên sau mỗi ngày, số tiền nợ gốc của anh lại được cộng thêm 500 nghìn đồng để tính lãi. Cứ như vậy, sau một tháng vay, số tiền nợ cả gốc và lãi của anh được chủ nợ tính lên đến gần 130 triệu đồng.
“Quá hoảng với cách tính này, ngày nào tôi cũng phải bố trí đem tiền lãi đến gửi, cứ ngày nào có việc bận không đến được là lãi lại chồng lãi, đúng là dễ vay, khó trả”, anh Tuấn nói.
Rủi ro rình rập
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng “chợ đen” chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động... Họ ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay, hầu như không đọc kỹ và hiểu hết các điều khoản quy định trong giấy vay, cũng như không tính trước số tiền phải trả lãi khi các chủ cho vay khôn khéo chuyển từ cách tính phần trăm sang con số cụ thể. Do đó, họ rất dễ bị thiệt thòi khi đặt bút ký vào giấy vay. Còn bên cho vay, do hợp đồng là giấy viết tay, không đảm bảo pháp lý và thu hồi nợ, nên cũng dễ gặp rủi ro lớn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các mức lãi suất cho vay hiện nay trên thị trường tín dụng “đen” phải bị coi là hành vi cho vay nặng lãi vì quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”. Do đó, nếu áp dụng theo Luật Dân sự thì hợp đồng vay/mượn tiền trong trường hợp vay tín dụng “đen” như hiện nay sẽ vô hiệu một phần (phần lãi suất).
“Hiện các ngân hàng đều có gói tín dụng cho cá nhân vay tiêu dùng, gói này lãi suất cao hơn bình thường, nhưng thấp hơn nhiều so với lãi suất “tín dụng đen”, lại có các điều khoản quy định rõ ràng, không gây mập mờ, bắt bí... nên người có nhu cầu vay nên tiếp cận những gói vay chính thống này”, ông Hiếu khuyến cáo.
Theo Báo Giao thông
Bình luận