Một xã hội hoài nghi
Chưa vội lên mạng xã hội, nơi mà thông tin chưa được kiểm chứng tràn lan tới mức bội thực, nhìn ngay ra cuộc sống xung quanh, đã thấy nơi đâu cũng là sự hoài nghi, đề phòng.
Ngột ngạt như thể, con người không còn nuôi chút ít niềm tin nào vào đồng loại, vào những điều tốt đẹp, tử tế.
Nhìn hai người phụ nữ bán tăm ở thôn Thái Phù, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị người dân vây đánh đến máu me be bét ngày 22/7 vừa qua, chỉ vì ai đó nghĩ “họ đi bắt cóc trẻ em” khi hỏi một đứa trẻ bố mẹ có nhà không để chào bán tăm, mới thấy cái sự nông cạn, mông muội của không ít dân mình.
“Nghĩ” ai đó làm cái việc tày trời, chứ không phải “nhìn thấy”, “nghe thấy”, hay “biết” họ đã từng có có hành động như vậy. Đơn giản là “nghĩ”, rồi tri hô ầm ĩ, rồi kéo đàn kéo lũ ra vây đánh như cái thời còn sống bầy đàn và bắt được con thú dữ lạc vào cộng đồng người sinh sống.
Ngay cả có “nghĩ”, thì nếu là người tỉnh táo, cũng không thiếu gì cách xác minh cái mình “nghĩ” đúng hay sai, để có cách hành xử cho đúng pháp luật.
Nhìn cảnh hai người phụ nữ yếu ớt, sợ hãi, ra sức giải thích trước một đám đông hung dữ, tay chân hoạt động nhanh hơn não bộ, người viết không khỏi rùng mình, nếu người đứng đó là bản thân mình, không biết sẽ phải làm gì trước những kẻ muốn lao vào ăn tươi nuốt sống bất chấp nguồn cơn kia.
Rõ ràng chừng ấy con người, không ai có ý định tìm hiểu thực hư, càng không có nhu cầu nghe giải thích, bởi cả đám đông vây chật kín, hai người phụ nữ có mọc cánh cũng không chạy thoát (nếu họ làm việc xấu), chứ đừng nói một vài phút nghe giải thích và mời công an đến làm việc.
Cứ phải đánh cho hả dạ đã, cho ra vẻ đạo đức, anh hùng, như thể hai người phụ nữ đã bắt cóc cả một bầy trẻ con chứ không phải có ý định làm gì đó với một cháu bé trong làng như cái sự hoài nghi và “nghĩ” đang tồn tại trong đầu.
Trước đó hai ngày, thì cả một ngôi làng gần nghìn người ở Hải Dương, lao vào đòi đánh hai người đàn ông vào mua gỗ, đập phá, đốt cháy rụi chiếc xe Fortuner, chỉ vì “nghĩ” họ thôi miên, bắt cóc trẻ em.
Hàng nghìn con người, không ai nghĩ đến chuyện xác minh cho ra nguồn gốc của những người đàn ông lạ mặt, nếu như thấy họ có biểu hiện nghi vấn, mà lại chọn cách nguyên thủy nhất, hoang dã nhất.
Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm không nói, nhưng đến hai người đàn ông khỏe mạnh, làm nghề buôn gỗ, còn bất lực trước đám đông mông muội, thì đủ hiểu, cái sự hung hãn, bạo ngược, thiếu học thức, thiếu lý trí của không ít dân mình, đã ở mức độ nào.
Ngày 7/7, ở Bắc Ninh, hai thanh niên đến nộp hồ sơ xin việc tại một gia đình. Nhưng lúc này do chủ nhà đi vắng, nên hai người này đã nhờ cháu bé 7 tuổi đưa đến chỗ gặp được người bố (người nhận hồ sơ). Một số người dân thấy vậy, chưa rõ thực hư đã hô hoán ầm ĩ, lao vào đánh đập, rồi bắt họ giao nộp cho công an, như thể sự việc đã rõ mười mươi.
Cũng trong tháng 7, ở một thôn của thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, xuất hiện hai người đàn ông lạ mặt mà nhiều người dân nghi là bắt cóc trẻ em.
Vậy là như bao làng quê khác, người dân lại tri hô, ngay lập tức hàng trăm người ùa ra, vây quanh, rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay, vừa đánh vừa hả hê như thể đang triệt đi một thứ xấu xa dưới chân mình.
Cứ “người đàn ông lạ mặt”, “người phụ nữ lạ mặt” bước chân vào làng, là ngay lập tức rộ lên những lời rỉ tai “bắt cóc”, “thôi miên” rồi như một ngọn lửa, lan nhanh đến chóng mặt. Người lạ chưa kịp đi từ đầu làng tới cuối làng, dân ở khu vực đó đã kịp hình thành đám đông hành động bản năng nhất, mông muội nhất, thú tính nhất.
Video: Những lượt share câu like vấy máu và đám đông ngu dốt, mông muội
Trò câu like ngu dốt, vấy máu
Còn nhớ những dòng chia sẻ của tài khoản H.Y ở Nghệ An ngày 13/7 vừa qua, với dòng dẫn đầy chất “cảnh sát hình sự”:
“Thông báo các chị em, mình vừa đi xem về, có 1 nam và 1 nữ đã bắt cóc 2 đứa trẻ bỏ vào bao đen và bỏ vào thùng xốp chở đi.
Rất may xe bị thủng xăm và bị người dân phát hiện, bắt được 1 người phụ nữ, còn người đàn ông đã chạy thoát, trong thùng có 2 đứa trẻ con bị cột chặt.
Hiện công an đang tạm giữ người phụ nữ kia để điều tra....”.
Người phụ nữ bắt mà người dân bắt được kia là ai? Là người chuyên đi bán thuốc bắc, vẫn bán dạo khắp các làng quê kiếm sống, vậy mà qua những dòng vô trách nhiệm trên mạng xã hội, đã trở thành người làm hành động ghê tởm là bắt cóc trẻ em cho vào thùng xốp chở đi.
Vụ việc ở Nghệ An hay Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Bình…kể trên, chỉ là vài trong vô số những tin đồn thất thiệt mà các facebooker ngày ngày miệt mài tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội, kèm những lời nhận xét, khẳng định chắc nịch đầy kịch tính.
Mục đích của hành động ấy là gì? Là để đổi lấy hàng nghìn lượt thích, bình luận phẫn nộ, và cũng chừng ấy lượt chia sẻ khắp các diễn đàn, trang cá nhân. Buông ra một thứ vô trách nhiệm, ngồi đếm “like”, “comment”, “follow” trong sự vui sướng, thậm chí sau đó, biến trang cá nhân thành nơi bán hàng online.
Có người gọi việc làm đó là sự “khốn nạn”. Nhưng giết chết một nhân cách, một con người, nhân lên sự hoài nghi, hoang mang sợ hãi, mất lòng tin vào những điều lương thiện, thì gọi đó là sự khốn nạn, e rằng vẫn còn quá nhẹ nhàng.
Phải gọi đó là những lượt share vấy máu của những kẻ ngu dốt nhất, khốn nạn nhất mới đúng. Có khi nào những kẻ đó bàng hoàng nhận ra, máu của người bị đánh đập oan ức kia, là chính người thân, ruột thịt của chính mình?
>>> Đọc thêm: Bị đánh nhập viện vì nghi bắt cóc trẻ em: Xót xa gia cảnh người phụ nữ bán tăm
Bình luận