Blaine Gibson, luật sư người Mỹ dành phần lớn thời gian nghỉ hưu của mình tìm kiếm mảnh vỡ trên các bãi biển mà ông cho là MH370 có thể trôi dạt tới sau khi chiếc Boeing 777 mất tích bí ẩn năm 2014.
Gibson cho biết, trong những ngày tìm kiếm đầu tiên, ông nhanh chóng thu được thành quả là 3 mảnh vỡ mà ông tin là của MH370. Cùng với đó là vài chiếc ba lô và 2,3 chiếc ví nhưng tất cả đều trống rỗng. Chỉ duy nhất chiếc mũ bóng chày có chứa thông điệp viết bằng tiếng Malay ở bên trong: "Tới những ai đó có thể liên quan. Bạn thân mến của tôi, gặp tôi ở nhà nghỉ sau nhé".
Cho tới nay, Gibson đã tìm thấy hơn 20 mảnh vỡ nghi của MH370 nhưng vẫn chưa thể xác nhận nó từ đâu trôi tới.
Ông này ám chỉ một số người đang tìm mọi cách để ngăn chặn việc chuyển giao các mảnh vỡ cho chính quyền và lo ngại điều này có thể khiến bí mật liên quan tới chiếc máy bay của Malaysia Airlines sẽ không bao giờ được lý giải.
Vị cựu luật sư Mỹ tiết lộ rằng ông từng bị phỉ báng, rình rập, dọa giết và thậm chí là mưu sát trong quá trình tìm kiếm sự thật.
Cựu phi công William Langewiesche cũng xác nhận thông tin này. Ông khẳng định ông Gibson bắt đầu nhận được những lời dọa giết sau khi tìm thấy những mảnh vỡ đầu tiên.
"Tin nhắn từ một người viết rằng hoặc ông Gibson ngừng tìm kiếm, hoặc ông sẽ rời Madagascar trong một chiếc quan tài. Một người khác cảnh báo ông ấy sẽ chết vì ngộ độc polonium", ông Langewiesche cho hay.
Theo ông này, để tự bảo vệ mình, ông Gibson phải giữ kín các địa điểm tìm kiếm, tránh sử dụng email và hiếm khi nói chuyện qua điện thoại.
"Ông ấy thường xuyên phải đổi thẻ sim. Gibson tin rằng đôi khi mình bị theo dõi và chụp ảnh", ông Langewiesche nói.
Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người.
Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.
Trong báo cáo công bố ngày 30/7/2018 dài 495 trang, các điều tra viên Malaysia cho biết họ vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác máy bay biến mất. Hồi đầu tháng 3, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ cân nhắc mở lại chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines nếu xuất hiện các bằng chứng mới hợp lý.
Bình luận