Sau khi tiến hành tháo dỡ xe tại chỗ đối với chiếc xe Honda Air Blade BKS 99B1-02969 bốc cháy tại thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh, đại diện đại lý Honda đã phát hiện nhiều rác thải, dấu chân chuột trên ắc quy và dấu vết chuột cắn tại vị trí ống dẫn xăng. Phía đại lý Honda đã tiến hành lập biên bản và kết luận chuột là tác nhân gây chập điện dẫn tới cháy chiếc xe kể trên.
Ngày 7/1, phóng viên VnMedia đã có mặt tại Head Honda Thắng Lợi, đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội để tìm hiểu về chiếc Honda Air Blade BKS 99B1-02969 bốc cháy tại Trường THCS Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh sáng 5/1/2012.
Ông Đỗ Xuân Hưng, kỹ thuật viên trưởng của Head Honda Thắng Lợi, đã dẫn chúng tôi xem chiếc Air Blade kể trên và cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, khoảng hơn 10h sáng ngày 5/1/2012 ông và một kỹ thuật viên khác đã đến hiện trường vụ cháy xe Air Blade để kiểm tra và tiếp nhận xe.
Ông Hưng đã đưa xe lên vỉa hè gần trường THCS Đồng Nguyên để kiểm tra. Sau khi tiến hành tháo dỡ xe tại chỗ, đội ngũ kỹ thuật của Honda Thắng Lợi đã phát hiện nhiều rác thải, dấu chân chuột trên ắc quy và dấu vết chuột cắn tại vị trí ống dẫn xăng. Ông Hưng cũng đã tiến hành lập biên bản và kết luận chuột là tác nhân gây chập điện dẫn tới cháy chiếc xe kể trên.
Theo ông Hưng, ở những xe tay ga sử dụng hệ thống phun xăng điện tử, đường ống dẫn xăng được hoạt động bởi một bơm trong bình xăng. Nhiều trường hợp chuột trú ngụ trong xe và cắn một lỗ nhỏ ở ống dẫn xăng nhưng cũng đủ để xăng chảy thành từng giọt.
“Khi người sử dụng bật máy, xăng sẽ được phun ra từ lỗ hổng này với áp lực lớn dưới dạng sương. Do xe ga lại được quây vỏ kín nên lớp sương này sẽ dần dần dày đặc, sau đó gặp tia lửa điện hoặc sức nóng từ bô xe nên sẽ gây ra hiện tượng bốc cháy.” – ông Đỗ Xuân Hưng chia sẻ với phóng viên VnMedia. Cũng theo ông Hưng, các loại xe số cũng có thể bị chuột cắn vào những bộ phận điện như ắc quy, dây đề và làm trơ phần lõi đồng, dẫn tới chập cháy xe.
Theo thợ sửa xe máy lâu năm, nguyên nhân dẫn đến cháy xe còn từ tay nghề và cách sửa chữa xe của người thợ không theo đúng tiêu chuẩn quy định. Cụ thể, nếu người thợ sửa thực hiện các thao tác buộc, nối hoặc đặt vị trí các đầu dây không đúng quy định sẽ dễ dẫn tới chập cháy. Ngay cả những đầu dây thừa có thể vòng xuống khu vực có nhiệt độ cao cũng có thể gây hiện tượng cháy dây và dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc.
Ngoài ra một nguyên nhân khác được kể đến là người sử dụng lắp đặt thêm các thiết bị không đồng bộ với xe, dẫn tới một số thiết bị, dây diện hoạt động quá tải, nóng lên và gây cháy. Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống chống trộm và thiết bị tiết kiệm xăng trên xe. Trong điều kiện bình thường, các thiết bị này luôn trong tình trạng phóng điện chờ dẫn nên thường bị nóng và dễ phát cháy ngay cả trong lúc xe không chạy. Còn nếu hệ thống này được lắp không đúng tiêu chuẩn hoặc chất lượng của thiết bị không tốt thì khi xe đỗ, thiết bị chống trộm được kích hoạt sẽ gây ra hiện tượng chạm dây và tạo ra tia lửa điện. Ắc quy cũng có thể là tác nhân gây chập cháy
Để hạn chế cháy xe trong các trường hợp này, ông Hưng cho rằng cần tuân thủ quy trình kiểm tra bảo dưỡng xe, kiểm tra kỹ trước khi vận hành từ khu vực khoang máy, hệ thống điện, mùi xăng rò rỉ, xịt dầu chống côn trùng vào các khu vực chuột có thể trú ngụ. Cũng theo ông Hưng, nếu thấy xe có dấu hiệu bất thường, người sử dụng nên mang xe đến các cửa hàng dịch vụ chính hãng để được kiểm tra và sửa chữa đúng theo quy định.
Cận cảnh chiếc Honda Air Blade BKS 99B1-02969 bị cháy:
Lương Đàm/ VnMedia
Bình luận