• Zalo

Tìm ra nguyên nhân 47 học sinh ngộ độc

Giáo dụcThứ Năm, 10/10/2013 02:58:00 +07:00Google News

Đầu tuần vừa qua, Sở Y tế Hà Giang đã chính thức kết luận nguyên nhân nhập viện của 47 học sinh bán trú

Đầu tuần vừa qua, Sở Y tế Hà Giang đã chính thức kết luận nguyên nhân nhập viện của 47 học sinh bán trú thuộc hai trường Tiểu học Cốc Pài và THCS xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, Hà Giang ngày 20/9.

Việc hàng loạt học sinh của hai trường Tả Nhìu, Cốc Pài nhập viện đã tạo nên cú sốc không chỉ với ngành Y tế, mà còn với ngành Giáo dục và cả chính quyền địa phương. Trước đó khoảng một tháng, 22 học sinh trường Bản Ngò cũng đã phải vào viện sau bữa ăn tập thể.

Khu vực bếp ăn tập thể trong các trường phổ thông Dân tộc bán trú ở Hà Giang chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, ảnh chụp tại trường Tả Nhìu ngày 1-10.
Khu vực bếp ăn tập thể trong các trường phổ thông Dân tộc bán trú ở Hà Giang chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, ảnh chụp tại trường Tả Nhìu ngày 1/10.  
Do đó, theo các giáo viên của hai trường, ngay sau khi phát hiện một số học sinh có triệu chứng lạ như buồn nôn, đau bụng quanh rốn, nhà trường đã huy động toàn bộ phương tiện của thày cô, trung tâm y tế huyện, đưa toàn bộ học sinh về bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện. Lãnh đạo huyện cũng đã đến viện túc trực suốt đêm cùng các thày cô, y bác sĩ.

Việc vẫn chưa dừng lại, khi sáng hôm sau, người dân địa phương phát hiện hai học sinh trường THCS Tả Nhìu bị ngất, nằm ở vệ đường, các bác sĩ phải bấm huyệt mới tỉnh lại được.

Theo thống kê của bệnh viện, trong đêm 20/9, từ sự lo lắng của thày cô, BV đã tiếp nhận gần 100 học sinh có bệnh và cả không có bệnh.

Qua sàng lọc, bệnh viện giữ lại 47 em để theo dõi. Số học sinh này đã ra viện vào hôm sau, khi BV chỉ mới truyền dịch thông thường, chứ chưa cho thuốc uống, điều này có nghĩa, các em đã... tự khỏi.

Ngay sau khi có thông tin về việc hàng loạt học sinh ở Xín Mần nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế Hà Giang đã vào cuộc.

Theo đó, trong mẫu thịt lợn nấu chín của trường Tả Nhìu, Cốc Pài có ba loại vi sinh vật có thể gây ngộ độc với hàm lượng đều cao trên mức cho phép.

Sau khi đối chiếu các biểu hiện lâm sàng, Hội đồng y khoa Sở Y tế Hà Giang xác định nguyên nhân chính gây ngộ độc cho học sinh là nội độc tố của khuẩn tụ cầu vàng có trong thịt lợn nấu chín và đưa ra cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với toàn bộ 448 bếp ăn tập thể có trong các trường bán trú trên địa bàn.

Trong đó lưu ý đến việc thực hiện nghiêm túc thông tư liên bộ Y tế - Giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn cho học sinh các trường bán trú.
Nội độc tố của khuẩn tụ cầu vàng đã gây ra hai vụ ngộ độc ở trường Tiểu học Thị trấn Cốc Pài và THCS Tả Nhìu.
Nội độc tố của khuẩn tụ cầu vàng đã gây ra hai vụ ngộ độc ở trường Tiểu học Thị trấn Cốc Pài và THCS Tả Nhìu. 
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên NDĐT và ngay với cả những người làm công tác giáo dục ở tỉnh Hà Giang thì việc bảo đảm các tiêu chí vệ sinh ở các bếp ăn tập thể trong các trường bán trú là rất nan giải.

Dẫn chứng là, thời gian gần đây, mặc dù học sinh được quan tâm nhiều hơn, nhưng bếp, nhà ăn học sinh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chung quy cũng do nguồn ngân sách eo hẹp.

Vì vậy, ngoài một vài bếp ăn tập thể ở khu vực thành phố được đầu tư tương đối bài bản, thì ở các huyện, xã, nhất là vùng sâu, vùng xa bếp ăn học sinh vẫn đang trong tình trạng tạm bợ, không bảo đảm vệ sinh.

Cá biệt, có những nơi cấp dưỡng phải chế biến thực phẩm trên thềm xi măng, bếp đặt cạnh khu nuôi gà vịt và học sinh phải chia ca để ăn vì nhà ăn quá chật, không đủ chỗ cho tất cả cùng ngồi.

Ngoài cơ sở vật chất, việc tuyển chọn người đứng bếp ở miền núi từng được một số lãnh đạo các trường ví "còn khó hơn lên trời".

Bởi mỗi suất hợp đồng cấp dưỡng, theo quyết định 85/2010 TTg chỉ được chi trả một triệu đồng. Với mức chi trả này, rất khó thuê người có chuyên môn, hoặc ít ra là người có những tiêu chí phù hợp.

Vì khó tìm nên nhiều trường đã phải hợp đồng với người địa phương, vốn là đối tượng đang được tập trung tuyên truyền thay đổi lối sống để bảo đảm vệ sinh.

Bên cạnh đó, việc tìm đầu mối cung cấp thực phẩm bảo đảm ở khu vực miền núi cũng rất nan giải, mà nguyên nhân là chế độ ăn của học sinh chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp cung ứng. Vì vậy, không còn cách nào khác, nhà trường phải mua thực phẩm ở chợ phiên, cất giữ cho học sinh ăn dần, mà không rõ nguồn thực phẩm lấy từ đâu, bảo đảm hay không.

Để thực phẩm không còn là mối lo cho những bếp ăn tập thể ở trường học, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Giang đề nghị tỉnh, huyện quan tâm hơn nữa đến khu vực bếp ăn cho học sinh. Đồng thời xem xét hỗ trợ chế độ để có thể tuyển nhân viên phục vụ, cấp dưỡng phù hợp với công việc.

 Ngành Y tế cũng cần lên sẵn kịch bản đối phó với những vụ ngộ độc tập thể, tránh xảy ra tình trạng lúng túng như vừa qua.

Nội độc tố của khuẩn tụ cầu vàng đã gây ra hai vụ ngộ độc ở trường Tiểu học Thị trấn Cốc Pài và THCS Tả Nhìu.


Theo Nhân dân điện tử

Bình luận
vtcnews.vn