"Đây là phát hiện đầu tiên ở cấp độ hợp chất hóa học cho thấy khả năng hỗ trợ chữa lành vết thương, bên cạnh những thay đổi về biểu hiện gene trên da", trưởng nhóm nghiên cứu Sachiko Koyama từ Đại học Indiana, Mỹ nhấn mạnh. "Cách biểu hiện gen thay đổi cho thấy vết thương không chỉ mau lành mà còn hình thành ít sẹo và có nhiều khả năng phục hồi hoàn toàn hơn".
Beta-carophyllene có thể được tìm thấy trong tinh dầu chiết xuất từ cây oải hương, hoàng lan, hương thảo, cũng như một số loài thảo mộc và gia vị khác như hạt tiêu đen. Nghiên cứu cho thấy hợp chất hóa học này không chỉ kích hoạt thụ thể khứu giác mà còn hoạt hóa các Cannabinoid loại 2 (CB2) - thụ thể trong hệ miễn dịch có vai trò chống viêm.
"Quá trình lành vết thương trải qua bốn giai đoạn, bắt đầu từ cầm máu, tiếp đến là viêm, tăng sinh tế bào và cuối cùng là giai đoạn sửa chữa. Nếu giai đoạn viêm bị ức chế, quá trình sẽ được đẩy nhanh, kích thích sự chuyển đổi sớm hơn từ giai đoạn viêm đến giai đoạn tiếp theo", Koyama giải thích.
Mặc dù nghiên cứu cho kết quả đầy hứa hẹn, Koyama cảnh báo mọi người không nên tự ý điều trị vết thương bằng bất kỳ loại tinh dầu nào, vì thí nghiệm chỉ áp dụng cho một hợp chất hóa học đặc biệt với độ tinh khiết cao và được pha loãng ở nồng độ cụ thể.
"Ngay cả khi bạn sử dụng tinh dầu oải hương, các điều kiện như nơi trồng, thời điểm thu hoạch, hay cách nó được lưu trữ sẽ tạo ra sự khác biệt trong thành phần hóa học", Koyama nói thêm.
Các nhà khoa học cho biết họ cần thêm thời gian nghiên cứu và thử nghiệm trước khi bắt đầu sử dụng lâm sàng. Tuy nhiên, kết quả ban đầu là rất hứa hẹn và hy vọng trong tương lai gần, chúng ta có thể điều trị vết thương ngoài da bằng các loại thuốc điều chế từ hợp chất hóa học có trong tinh dầu.
Bình luận