• Zalo

Tìm người mang thai hộ 'chui', gặp ngay kẻ lừa đảo

Thời sựChủ Nhật, 27/09/2015 07:56:00 +07:00Google News

Rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn quá mong con, họ đã tìm người mang thai hộ “chui” để rồi trở thành đối tượng của những kẻ lừa đảo.

Rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng không thuộc diện chỉ định mà luật Mang thai hộ cho phép. Quá mong con, họ đã tìm người mang thai hộ “chui” để rồi trở thành đối tượng của những kẻ lừa đảo.

Bí quá làm liều
Từ khi luật Mang thai hộ có hiệu lực tới nay, Bệnh viện Từ Dũ mới chỉ tiếp nhận được 18 bộ hồ sơ mang thai hộ, chuyển phôi được cho 4 trường hợp và 2 trường hợp có con.
Con số trên quả là quá khiêm tốn so với nhu cầu nhờ người mang thai hộ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Muốn có con nhưng không thuộc diện luật chỉ định, bế tắc, họ liều lĩnh tìm đến các dịch vụ mang thai hộ trôi nổi trên mạng.
Một phụ nữ tên Hà (nickname đã được thay đổi) chia sẻ trên một diễn đàn rằng chị không thể mang thai. Chị đã tìm hiểu vấn đề mang thai hộ mấy năm nay, từng vào cả Bệnh viện Từ Dũ và Viện C nhưng ở đó họ không làm.
 Nhiều cặp hiếm muộn liều lĩnh tìm người mang thai hộ trên mạng
Nhiều cặp hiếm muộn liều lĩnh tìm người mang thai hộ trên mạng 

Chị Hà và chồng lên mạng thấy vẫn có người thực hiện mang thai hộ được ở trong nước và không hiểu họ làm bằng cách nào.
Tuy đã có luật Mang thai hộ, nhưng theo chị chẳng biết bao giờ mới lượt (bởi việc xét duyệt hồ sơ vô cùng chặt chẽ).
“Hiện giờ vợ chồng mình đã ly thân trước áp lực của gia đình chồng, hôn nhân của mình đang bên bờ vực thẳm. Mình cũng liên hệ với một dịch vụ nhận mang thai hộ trên mạng, họ nói có cách nhưng cảm thấy rất bất an. Ai giúp mình với, gấp lắm rồi!”, người phụ nữ khẩn thiết kêu cứu.
Một cặp vợ chồng khác cũng ẩn danh dưới một nickname, rao trên mạng xã hội rằng ở Hà Nội, kết hôn được 5 năm nhưng vẫn chưa có em bé.
“Mình cần tìm người giúp mang thai hộ (theo phương pháp hỗ trợ sinh sản), mức giá hỗ trợ là 150 -180 triệu đồng (chưa bao gồm ăn ở, chi phí đi lại).Yêu cầu: người mang thai hộ tuổi từ 20 - 30, sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm”, chị thẳng thắn đề nghị.
Ngoài các cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng không thuộc diện chỉ định của luật mang thai hộ, còn có người đồng tính tìm kiếm cơ hội có con.
Một nickname tự nhận là người đồng tính nói: “Tôi cần tìm người mang thai hộ. Tôi là người đồng tính nên không thể lấy vợ sinh con”.
Nickname này còn kể đã từng đi nhờ đẻ thuê, nhưng khi nghĩ đến nguy cơ bị đòi lại con và uy hiếp để kiếm thêm tiền nên thôi. Thậm chí người này còn nhờ được người cho phôi nhưng không biết các bước để thực hiện việc này. Vì thế anh chia sẻ lên mạng xã hội để tìm đối tác giúp đỡ và tư vấn.
Rủi ro đầy rẫy
Theo lời kể của một phụ nữ hiếm muộn tên Mai, chị này đã bị một công ty môi giới mang thai hộ trên mạng lừa.
“Tôi gọi điện cho công ty trên thì được nhân viên hẹn gặp ở quán cà phê để nói chuyện. Tiếp xúc với tôi là 2 cô gái, họ cho biết muốn tìm người mang thai hộ thì phải có những thủ tục và điều kiện gì. Lúc kêu tính tiền, 2 cô gái này ngồi im nên tôi phải trả. Các cô ấy còn yêu cầu tôi phải trả 200 ngàn đồng phí dịch vụ tư vấn”, chị Mai thuật lại câu chuyện.
Thậm chí, các thành viên trên các diễn đàn về hiếm muộn còn phát hiện ra một số nickname rao nhận mang thai hộ. Khi các cặp vợ chồng gọi điện thì bị yêu cầu chuyển trước cho ít tiền vì con đang ốm nặng, hoặc mẹ bị tai biến.
Không chỉ các cặp vợ chồng hiếm muộn bị lừa, mà một số chị em thực sự túng thiếu muốn nhận mang thai hộ cũng gặp rất nhiều rủi ro.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn trở thành miếng mồi của các đối lượng lừa gạt.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn trở thành miếng mồi của các đối lượng lừa gạt. 

Một phụ nữ tên Xuân cảnh báo trên trang facebook cá nhân. Kể từ khi Xuân để thông tin cá nhân và số điện thoại nhận mang thai hộ thì lọc ra được 3 trường hợp có vẻ nghiêm túc.
Trong 3 tin nhắn nói trên, tin nhắn làm chị Xuân chú ý nhất được viết bởi người đàn ông. Theo nội dung tin nhắn, anh này khẩn thiết mong chờ một đứa con từ rất lâu và mong chị có thể giúp.
Khi chị Xuân gọi lại, hỏi anh này và vợ đã có phôi chưa, nếu tiến hành sẽ ký hợp đồng, tham vấn luật sư thế nào thì mới… ngã ngửa.
“Hắn ta đề nghị “làm trực tiếp cho tiện”, bảo tôi cứ tới nhà hắn ở đến khi nào có thai và em bé sinh ra được 2 tháng. Mỗi tháng hắn sẽ chu cấp 4 triệu đồng, kèm thêm một khoản khi mọi việc xong xuôi. Về luật sư hắn nói không cần vì ngại lằng nhằng”, chị Xuân kể.
Chị Xuân chua chát kết luận: “Không có luật sư thì ai sẽ bảo vệ tôi khi một mình bụng mang dạ chửa tại nơi xa lạ? Cảm thấy tôi không phải con mồi dễ xơi nên hắn không trả lời nữa. Rõ ràng vẫn còn những kẻ lợi dụng người muốn mang thai hộ, nghĩ họ là những kẻ ít học, dễ dàng sập bẫy!”
Nhu cầu mang thai, có con là vô cùng chính đáng, thế nhưng mọi người cũng cần phải cân nhắc, suy xét thấu đáo, bởi khi làm “chui” có nghĩa là phải gánh chịu rủi ro, thậm chí mất cả chì lẫn chài. Đó còn chưa kể các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe, những phát sinh tranh chấp sau này.
Video 2 ca mang thai hộ thành công 

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn