Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết, trong ngày 2/8 đã thực hiện thành công 2 ca ghép giác mạc cho các bệnh nhân, với nguồn giác mạc từ một người cho tim ngừng đập.
Đáng chú ý, một trong hai trường hợp đã được phối hợp lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhân trong cùng một lần phẫu thuật. Đây cũng được xem là một trong những ca đầu tiên tại khu vực phía Nam thực hiện kỹ thuật này.
Bệnh nhân là bà T.T.T. (63 tuổi, ngụ TP.HCM), cho biết mắt trái bị sẹo giác mạc đã hơn 10 năm, sau biến chứng của bệnh viêm loét giác mạc. 3 năm trước, bệnh nhân đã được ghép giác mạc một lần nhưng chỉ một thời gian sau thì chứng viêm loét giác mạc tái phát, gây đau nhức và mất hoàn toàn thị lực.
Ngày 18/7, bệnh nhân đến khám tại phòng khám Mắt của BV Chợ Rẫy và được chẩn đoán mắt phải bị đục thủy tinh thể tiến triển (thị lực: 4/10), mắt trái mang sẹo giác mạc kèm đục thủy tinh thể trắng.
Bà T. được phẫu thuật ngay khi được chọn nhận giác mạc. Quá trình phẫu thuật ghép giác mạc, bệnh nhân được thực hiện lấy thủy tinh thể đục và sau đó đặt thủy tinh thể nhân tạo vào mắt.
Hậu phẫu ngày thứ tư thị lực đạt 1/10, đến ngày thứ 12 tăng thành 2/10. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện.
Trường hợp thứ hai là chị B.T.M.H. (48 tuổi, quê Ninh Thuận). 15 năm trước chị H. bị nhặm mắt trái, dẫn đến viêm loét giác mạc. Đã điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi, theo thời gian vết loét bị sẹo hóa, thỉnh thoảng có những đợt viêm tái phát. Dần dần mắt bệnh nhân mờ hẳn, chỉ thấy được bóng bàn tay và gần như không cảm nhận được ánh sáng. 15 năm sống trong cảnh mất đi một bên mắt, mọi sinh hoạt của chị gặp rất nhiều khó khăn.
"Những khi trái gió trở trời, mắt trái của tôi rất đau đớn. Hơn một tuần nay sau khi được ghép giác mạc, mắt trái của tôi nhìn rất rõ. Tôi xin chân thành cảm ơn người đã cho mình một bên ánh sáng" - chị H. xúc động chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Văn Hồng, Trưởng khoa Mắt của BV cho biết, khi nhập viện mắt trái bệnh nhân H. bị sẹo giác mạc gần như toàn bộ, đục thủy tinh thể cực sau.
Sau 4 ngày phẫu thuật, thị lực bệnh nhân bắt đầu cải thiện, đến ngày thứ 8 hậu phẫu thì thị lực đạt 1/10. Hiện bệnh nhân vẫn còn nằm tại khoa để theo dõi.
Bác sĩ Hồng nhận định, việc phẫu thuật lấy thủy tinh thể cùng lúc trong phẫu thuật ghép giác mạc là một kỹ thuật khó vì khi đó nhãn cầu là nhãn cầu hở. Do đó cần sự phối hợp tốt giữa bác sĩ gây mê và phẫu thuật viên.
“Phẫu thuật phối hợp vừa ghép giác mạc vừa lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo sẽ giúp cho bệnh nhân không trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và mang lại thị lực tốt nhất cho bệnh nhân” – bác sĩ Hồng nói.
Các bệnh lý của giác mạc dẫn tới sẹo giác mạc làm mất đi độ trong suốt, do đó ánh sáng không thể xuyên qua, khiến khả năng nhìn thấy của người bệnh giảm hoặc mất thị lực Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất để giảm tỷ lệ mù lòa do bệnh lý sẹo giác mạc.
Bình luận