Phóng sự - Khám phá

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Anh hùng Đề Thám bị sát hại ở đâu?

Thứ Sáu, 11/11/2022 14:03:00 +07:00

(VTC News) - Cái chết của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám cho đến nay vẫn là một ẩn số và có rất nhiều giả thuyết xung quanh việc này.

Cho đến nay, về cái chết của Đề Thám, tồn tại bốn giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất cho rằng Đề Thám bị hai tên tay sai của tướng thổ phỉ người Tàu là Lương Tam Kỳ đến trá hàng rồi giết ở địa điểm có tên là Hố Lẩy, trong rừng Tổ Cú, cách chợ Gồ 2 km. Sau đó, chúng cắt đầu ông đem nộp cho quân Pháp.

Lại có giả thuyết cho rằng cái đầu bị đem bêu ở Nhã Nam, Cao Thượng (Bắc Giang) không phải là của Đề Thám, mà là của một sư ông có ngoại hình khá giống với “hùm xám Yên Thế”. Còn Đề Thám thì đã bỏ trốn dưới một vỏ bọc khác, đến sống ở nhà một người quen và rồi chết vì già yếu ở đây.

Một giả thuyết khác cũng nói người bị cắt đầu đem bêu là sư ông chùa Lèo, còn Đề Thám thì bị đánh thuốc mê, vài ngày sau thì chết và được đem chôn. Cái đầu của sư ông được đem bêu là nhằm cố tình để nhân dân thấy đó không phải là Đề Thám, không tin rằng Đề Thám đã chết, để khỏi “làm loạn”.

Đề Thám không chết năm 1913?

Một giả thuyết xuất hiện sau này lại nói không phải Hoàng Hoa Thám bị chặt đầu vào năm 1913. Ba cái đầu bị mang ra bêu ở chợ chính là đầu của ba tên phản bội đã chỉ điểm những nơi cất giấu lương thực và khí giới của nghĩa quân. Đề Thám đã tương kế tựu kế, đánh lừa quân Pháp lấy thưởng.

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Anh hùng Đề Thám bị sát hại ở đâu? - 1

Chân dung Đề Thám

Sau đó, ông đổi thành họ Nguyễn và chuyển sang một tỉnh khác hoạt động. Tại đây ông mua 7 căn nhà gồm 6 căn 2 tầng và 1 căn 3 tầng ở gần chợ để các nghĩa binh đóng giả là lao công ở. Ông còn mua rất nhiều đất vườn và ruộng để lấy lương thực nuôi nghĩa binh và mua cả khí giới.

Ông định sẽ cùng cụ Phan Bội Châu tiếp tục khởi nghĩa. Chính vì vậy Đề Thám thường sang Trung Quốc gặp cụ Phan để tìm mua khí giới. Trong một lần từ Trung Quốc trở về Việt Nam, ông bị quân Pháp phục kích. Đây là trận chiến đấu cuối cùng của ông và ông đã hi sinh tại biên giới Việt - Trung.

Tuy nhiên, có vẻ đa số trong giới sử học chấp nhận giả thuyết thứ nhất, cụ thể là công nhận sự kiện Hố Lẩy, trong đó có TS Khổng Đức Thiêm và GS sử học Đinh Xuân Lâm, một trong “tứ trụ” (Lâm - Lê - Tấn - Vượng) của ngành sử Việt.

Tháng 3/2014, trong một lần trả lời phỏng vấn nhân dịp ra mắt cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836 - 1913,  TS Khổng Đức Thiêm nói ông “chấp nhận Sự kiện Hố Lẩy”. Còn GS Đinh Xuân Lâm và các tác giả cuốn Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế (xuất bản năm 1958) sau khi nhắc lại việc “ba người Khách” (người Trung Quốc) mà Lương Tam Kỳ cho đến ám hại Đề Thám, viết tiếp:

“Đêm ấy, chúng xô lại chỗ Đề Thám nằm để cướp súng, và trong lúc bấy giờ, một tên trong bọn là tên Bảy đã dùng cuốc bổ vào đầu Đề Thám kết liễu đời người anh hùng sau hơn hai chục năm vật lộn với giặc. Đó là đêm mồng 9/2/1913, tức ngày mồng 4 tháng Giêng năm Duy Tân thứ hai.

Giết xong Đề Thám, chúng vùi xác xuống Hố Lẩy trong rừng Tổ Cú cách chợ Gồ 2 cây số”.

Trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số ra tháng 2/1983, GS Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Phan Quang công bố bài viết Xung quanh cái chết của Đề Thám khẳng định, “chúng ta đã có thể đi tới những kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: ngày, tháng Đề Thám bị sát hại, lí lịch bọn tay sai sát hại Đề Thám, vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết hại Đề Thám, kế hoạch hành động của chúng”…

Người anh hùng bị sát hại trên núi Sáng?

Rất nhiều sách vở viết rằng Đề Thám bị giết gần chợ Gồ (Yên Thế, Bắc Giang). Nhưng đối với một số bà con vùng Lãng Công, Đồng Quế nói riêng và khu vực hai huyện Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nói chung, núi Sáng mới là nơi anh hùng Đề Thám bị sát hại.

Và theo người dân khu vực núi Sáng, một thủ hạ của Đề Thám, bị ép buộc do vợ con đã nằm trong tay giặc Pháp, đã xuống tay sát hại ông lúc “hùm xám Yên Thế đang say thuốc phiện”.

Thầy giáo Trần Thanh Hùng, 50 tuổi, giáo viên trường tiểu học Cao Phong (Sông Lô) nói đã nghe những câu chuyện về cái chết của Đề Thám ở núi Sáng từ lâu. “Rất nhiều người trong vùng nói Đề Thám đã bị thủ hạ phản nghịch giết chết”, thầy Hùng nói.

Anh Vũ Xuân Hoàng, cán bộ Công ty thủy nông Lập Thạch, nói từ bé anh đã nghe ông nội, năm nay đã ngoài 90 tuổi, kể về chuyện Đề Thám trên núi Sáng. “Ông nội tôi kể rằng khi ấy tên thủ hạ của Đề Thám, vì vợ con bị Pháp bắt, bị đe dọa, đã tìm cách ra tay sát hại ông lấy đầu nộp cho Pháp”.

Nhiều người già ở Lãng Công, Đồng Quế còn kể rằng trong cái hang mà thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế trú ngụ, chỉ có ông và hai thủ hạ thân tín được ra vào, những người khác ở vòng ngoài bảo vệ.

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Anh hùng Đề Thám bị sát hại ở đâu? - 2

Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế

Chính vì thế khi tên thủ hạ ra tay, không một ai hay biết. Dân gian truyền miệng nhau rằng để thuận lợi, tên thủ hạ đã cố tình tiêm thuốc phiện để Đề Thám ngủ thật say rồi ra tay giết hại ông.

“Tôi được kể rằng sau khi phát hiện thủ lĩnh Đề Thám bị giết, nghĩa quân đã đổ đất đá lấp kín hang. Nhưng ngày xưa, thỉnh thoảng người ta vẫn tìm thấy bạc nén và tiền Đông Dương ở khu vực hang Đề Thám”, anh Hoàng nói.

Câu chuyện truyền miệng của bà con ở Sông Lô, Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc cũng được TS Khổng Đức Thiêm ghi nhận trong cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836 - 1913, mặc dù có một vài chi tiết hơi khác. Cụ thể như sau:

… “Vũ Kim Biên trong bài viết “về chiến thắng núi Sáng và những ngày cuối cùng của thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám” còn cho biết: “Về cái chết của Đề Thám, trong một số cuốn sách, giáo trình đều cho biết ông bị một tên nội phản, tay sai của Lương Tam Kỳ giết hại.

Trong đợt sưu tầm tài liệu Đề Thám tại các làng như làng Cường, Đồng Quế, Vân Trục, Nhạo Sơn, Tam Sơn (huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc-PV) vừa qua, nhân dân địa phương đã cung cấp cho chúng tôi biết một số chi tiết như sau: Ma Văn Sơn vốn có sức khỏe lạ thường, giỏi võ nghệ, là con nuôi của Lương Tam Kỳ (Kỳ đã từng chống Pháp, sau у làm tay sai cho địch) nên cũng quen biết Đề Thám và được ông rất tin cẩn.

Trong thời gian này Đề Thám đang phải nương náu trong nhân dân để tránh sự truy lùng của Pháp và tìm cơ hội xây dựng lại phong trào kháng chiến (sau trận núi Sáng). Có lần ông đang ở Thanh La, Kim Trận (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) thì Sơn mang thủ hạ đến thăm. Đến nơi Sơn cho thủ hạ của hắn cùng với nghĩa quân Đề Thám canh gác ở bên ngoài; Sơn và Đề Thám vào trong nhà hút thuốc phiện. Sơn bày mưu tiêm thuốc phiện cho Đề Thám hút thật say, bất ngờ đập chết ông, chặt lấy thủ cấp giấu kín trong áo, mang ra ngoài mà những người gác cổng không biết. Sơn nộp thủ cấp của Đề Thám cho Pháp và được địch tặng thưởng rất hậu.

Một nguồn tài liệu dân gian khác cho biết: Lê Văn Phúc và Ma Văn Sơn là con nuôi của Lương Tam Kỳ, được Kỳ giao nhiệm vụ tìm cách ám hại Đề Thám. Hai tên này đã giả danh mang lương thực của Lương Tam Kỳ gửi giúp Đề Thám trong những ngày ông đang phải gian nan, nguy khốn ở Thanh La, Kim Trận rồi bày mưu tiêm thuốc phiện cho Đề Thám hút thật say, chặt đầu ông nộp cho Pháp. Ma Văn Sơn và Lê Văn Phúc được Pháp trọng thưởng. Phúc được làm tổng đốc, Sơn trở thành sĩ quan”.

Còn nữa.

>>>Tìm lại dấu thiêng 'Hùm xám': Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám

Nguyễn Xuân Thủy(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn