Phóng sự - Khám phá

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám

Thứ Năm, 10/11/2022 12:38:00 +07:00

(VTC News) - Ở giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang có một dãy núi, tương truyền là nơi nghĩa quân của Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) hoạt động trong một thời gian dài.

Theo cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836-1913 do TS  sử học Khổng Đức Thiêm biên soạn, NXB Tri Thức ấn hành, Hoàng Hoa Thám sinh năm 1836, nguyên quán làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sinh trưởng ở nông thôn nhưng gia đình đã mấy đời thoát li nông nghiệp. Ông nội và phụ thân của ông nguyên gốc họ Đoàn. Hoàng Hoa Thám đã lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế chiến đấu chống giặc Pháp từ năm 1884 đến 1913, lấy đồn Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang làm đại bản doanh.

Lập căn cứ trên núi 

Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hà thành (1908), nghĩa quân chịu nhiều tổn thất nặng nề. Đề Thám cùng một số nghĩa quân thân tín phải rút khỏi Yên Thế chuyển về hoạt động ở Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tuyên Quang…

Núi Sáng, hay Sáng Sơn thuộc hai huyện Sông Lô và Lập Thạch (Vĩnh Phúc), cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên chừng 30 km về phía tây bắc. Sáng Sơn nằm sát Tam Đảo, nối tiếp núi Lịch (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đỉnh núi Sáng, cao 640 m so với mặt nước biển, hợp với hàng chục ngọn núi to nhỏ khác thành một dãy dài gọi là dãy Sáng Sơn.

Theo nhiều tài liệu, dãy núi Sáng là nơi trú ẩn của Đề Thám khi bị quân Pháp bao vây, truy bắt. Tại đây đã diễn ra giao tranh giữa nghĩa quân và quân Pháp. Quân của Đề Thám đã có trận thắng lẫy lừng, gây cho đối phương tổn thất to lớn và buộc người Pháp, dù không hề muốn, phải công nhận tài năng quân sự của ông.

Hiện tại, thỉnh thoảng có báo, đài nhắc đến núi Sáng với ý nghĩa một địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, với các địa danh: hồ Bò Lạc, thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, thác Bay, hang Đề Thám…

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám - 1

Núi Sáng, thác Bay

Nhưng người dân các xã Đồng Quế, Lãng Công của huyện Sông Lô còn truyền tai nhau câu chuyện về cái chết của thủ lĩnh nghĩa quân Đề Thám. Họ nói ông bị giết tại đây, trong một cái hang trên núi Sáng, khi đang say thuốc phiện.

Họ cũng nói không phải hai kẻ tay sai của tướng thổ phỉ Lương Tam Kỳ (người Tàu) đến trá hàng rồi giết ông như một số tài liệu kết luận, mà người giết ông là một thủ hạ phản nghịch. Vợ con người này bị Pháp bắt giam để gây sức ép, và anh ta đã buộc phải xuống tay giết Đề Thám.

Tất nhiên, những câu chuyện này vẫn chỉ để tham khảo và xung quanh cái chết của người anh hùng Hoàng Hoa Thám cho đến nay vẫn tồn tại biết bao câu hỏi, bao bí ẩn chưa được giải mã.

Nhưng ít nhất cũng đã có một số nhà khoa học lịch sử ghi nhận câu chuyện của bà con vùng Sông Lô, Lập Thạch để thêm một giả thuyết về cái chết của “con hùm xám Yên Thế”.

Câu chuyện cũng cho thấy địa danh núi Sáng có tầm quan trọng về mặt lịch sử và là nơi đáng để các nhà sử học và công chúng bỏ công tìm tòi, phát hiện, làm rõ thêm cuộc đời bi tráng của người anh hùng Hoàng Hoa Thám.

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám - 2

Bìa cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836-1913

Về giai đoạn Đề Thám hoạt động ở núi Sáng, cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836 - 1913 có đoạn: “Lúc này bên cạnh Đề Thám, có bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám-PV), Cả Dinh (con nuôi Đề Thám-PV) và một số thủ lĩnh địa phương như Cai Sơn (Cai Gà), Đốc Đanh (Đinh) cùng 40 nghĩa quân. Đầu tháng 8/1909, Đề Thám và nghĩa quân về đến núi Sáng, lúc đầu định xây dựng căn cứ trên bãi Chợ Trời bằng phẳng đầy lau sậy, sau đó chuyển sang Bách Bung”.  Theo cuốn sách, tại đây, Đề Thám cho dựng tạm một số căn nhà lợp lá ẩn trong những lùm cây rậm rạp để chứa lương thực, thực phẩm “do nhân dân Quang Sơn, Đồng Quế, Lãng Công, Đậu Mĩ ,Vân Trục (các địa danh thuộc huyện Lập Thạch và Sông Lô, Vĩnh Phúc-PV) ủng hộ. Ngày ngày, nghĩa quân đi lấy bương vầu để chuẩn bị cho việc nấu ăn dã chiến (cơm lam), đi ra các vùng xung quanh để nghe tin tức và canh gác”. Núi Sáng nằm trên địa bàn thượng du huyện Lập Thạch cũ, khi xưa là tỉnh Vĩnh Yên. Phía đông là dãy Tam Đảo, từ chân núi Sáng đến chân núi Tam Đảo cách nhau 20 km, có dòng sông Phó Đáy chảy ở giữa. Phía tây là sông Lô, cách 7 km. Phía nam là dãy đồi núi thấp thuộc huyện Lập Thạch. Phía bắc là các dãy núi Bầu, Thét, Lịch.

Dãy núi Sáng có hình vòng cung, xây lưng về tây nam. Hệ thống núi Sáng có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau được nhân dân đặt cho các địa danh là: bù Cai Nho, bù Bà Tiếp, bù Xã Đạt, bù Quả Lang, bù Thần, bù Ao Hàm, bù Núi Chùa, bù Cây Bưởi…

Đỉnh cao nhất của núi Sáng là Chợ Trời, có bãi cỏ tranh và sim mua xanh tốt rộng vài héc-ta, khá bằng phẳng. Tại quần thể núi trong lõm vòng cung đông bắc có một bãi đất bằng gọi là Hắc Lao hay Bách Bung. Đi vòng quanh núi Sáng theo đường mòn hết 2 ngày, chừng 80 km.

Dân cư ở quanh vùng núi Sáng gồm có người Kinh, người Sán Dìu, người Cao Lan, sống trên địa bàn các xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Vân Trục, Đồng Quế, Lãng Công (huyện Sông Lô và Lập Thạch, Vĩnh Phúc); Sơn Nam, Đại Phú, Phú Lương, Tam Đa (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang).

Tác giả Khổng Đức Thiêm, theo những tài liệu dân gian sưu tầm được, xác định rằng Hoàng Hoa Thám đã xây dựng căn cứ nghĩa quân ở núi Sáng từ vài năm trước chứ không phải đến giai đoạn tháng 8/1909 mới thành lập và hoạt động được một thời gian ngắn cho đến khi trận núi Sáng diễn ra (ngày 5/10/1909) như một số tác giả đã trình bày.

Trận núi Sáng

Cuốn sách Hoàng Hoa Thám 1836 - 1913 tường thuật trận đánh trên núi Sáng giữa nghĩa quân Đề Thám và quân Pháp như sau:

… “Biết chắc chắn Đề Thám đang cố thủ trên núi Sáng, thiếu tá Bonifacy mang binh đoàn của mình chiếm lĩnh phía đông và phía bắc dãy núi, đóng đại bản doanh ở Đồng Quế, rải quân khắp một vùng Quế Nham, Lãng Sơn, Phan Lương, Mãn Hóa để chặn con đường sang núi Báo và núi Lịch. Lê Hoan đóng ở Khoan Lữ, phía nam ngọn núi để chặn con đường rút chạy sang sông Hồng. Đồng thời, Bonifacy còn điều thêm một đơn vị hỗn hợp gồm lê dương, khố đỏ đang đóng giữ vùng Tú Lệ trên sông Hồng. Đơn vị khố xanh ở đây có nhiệm vụ chốt giữ các con đường phía tây núi Sáng.

Đêm 4/10/1909, có sự dẫn đường của tri huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) Ma Văn Sơn và tri huyện Lập Thạch (Vĩnh Yên) Trần Quang Chiểu, toán trinh sát của trung úy Salen đã đến gần được các vị trí của nghĩa quân. Đến 11 giờ 30 ngày 5/10, có toán trinh sát của Salen làm hướng đạo, quân Pháp chuẩn bị tấn công.

Lúc ấy, Đề Thám và nghĩa quân đã sẵn sàng chờ địch. Họ bố trí quân trong bốn chiến hào được che kín mây gai và dây leo chằng chịt, lau sậy mọc cao dày. Các hào này nằm ngay cạnh một khe nước nhỏ, có thể chống lại các cuộc tập kích từ mọi phía và chủ yếu là hướng tây bắc, nơi kẻ địch có thể theo lòng khe ngược lên.

Quân Pháp đóng cách nghĩa quân chừng 400 m. Chúng dự định cho một phần tư lực lượng tiến theo lòng khe, còn lại sẽ theo phía đông và nam tiến lên. Lúc 1 giờ 45 trận đánh bắt đầu. Quân Pháp phải cúi rạp người xuống để trườn bò qua một đám dây leo chằng chịt. Chờ cho giặc còn cách chừng 30 m, nghĩa quân mới nổ súng, bắn những phát đạn chính xác và gây thương vong nặng nề cho quân giặc. Kẻ thù đã phải kêu lên: “Mỗi thước đất giành được trên trận địa đều phải trả một giá đắt”.

Tìm lại dấu thiêng ‘Hùm xám’: Núi Sáng và bí ẩn cái chết của anh hùng Đề Thám - 3

Đề Thám và con cháu

Nghĩa quân còn nã hỏa lực dày đặc dồn dập về phía trận địa pháo của địch. Nhờ có pháo binh, lính bộ binh và lính khố đỏ địch đã chiếm được chiến hào thứ nhất của nghĩa quân, và đến 5 giờ 30 chiếm được chiến hào thứ hai, sau một trận đấu súng ác liệt. Nghĩa quân lui dần lên chiến hào đào cạnh lòng khe, tiếp tục chiến đấu đến tận 7 giờ 30 khiến cho quân Pháp “nhiều binh lính bị thương, bị giết giữa rừng không sao tìm ra được. Bóng đêm dày đặc, cộng với trời bắt đầu đổ mưa, làm cho những người bị thương càng lên cơn sốt và đau đớn thêm”.

Quân Pháp bị tiêu diệt trong trận này 32 lính, trong đó có trung úy Gressin và 22 lính Âu. Phía nghĩa quân bị thương và hi sinh 7 người. Đến 3 giờ đêm hôm đó, họ rút khỏi núi Sáng.

Từ trận núi Vệ Linh đến trận núi Sáng, chỉ vẻn vẹn 3 tháng, trong thời gian ngắn ngủi ấy, Đề Thám và những người bạn chiến đấu của ông đã khiến cho kẻ thù phải hoảng loạn, kinh hoàng”. (Còn nữa)

Nguyễn Xuân Thủy(Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn