Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, thành viên Ủy ban phòng chống cứu hộ cứu nạn tìm kiếm Quốc gia cho biết, sáng 11/3 đã huy động tất cả các lực lượng của quân đội gồm không quân, hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng,... mở rộng vùng tiềm kiếm máy bay của Malaysia mất tích.
Sáng nay tại sân bay quân sự Tân Sơn Nhất sẽ có 4 trực thăng và 2 máy bay CASA 212 bay ra biển để dò lòng biển ở độ sâu 50m".
Như vậy, về phía Việt Nam, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển hoặc xuất quân trong ngày hôm qua tìm kiếm máy bay Boeing của Malaysia mất tích gồm: Hai lượt máy bay AN 26, tổng cộng 5 chiếc, trong đó 2 chiếc làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin cho AN 26 và Mi 171; 2 chiếc thủy phi cơ DHC 6 của Quân chủng Hải quân chở quân y, người nhái;
Hai lượt trực thăng Mi 171 gồm 4 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển, tìm kiếm từ sân bay Cà Mau ra Phú Quốc và khu vực máy bay Boeing mất tích. Trong ngày tăng cường thêm một trực thăng Mi 171 từ sân bay Cần Thơ xuống sân bay Cà Mau;
3 tàu tìm kiếm cứu hộ SAR số hiệu 01, 272 và 413, trong đó tàu SAR 413 cạn nhiên liệu đang chờ tàu HQ 627 của Quân chủng Hải quân tiếp dầu.; 2 chiếc thủy phi cơ DHC 6 của Quân chủng Hải quân; 1 tàu biên phòng của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; 4 tàu hải quân gồm HQ 637, HQ 2003, HQ 627 và HQ 888 và 2 máy bay tuần thám CASA 212 của Cảnh sát biển vào tăng cường từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Tờ Tri thức dẫn lời Thượng tá Nguyễn Hoài Thủy, Phi đội trưởng Phi đội CASA, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, sau hơn 4 giờ bay, hiện hai chiếc CASA đã có mặt để tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ chiếc máy bay của Malaysia được cho là mất tích".
Sở dĩ được mệnh danh là "Mắt thần biển Đông" vì công cụ lợi hại nhất của máy bay tuần thám CASA-212 là hệ thống radar MSS-6000 tối tân, cho phép “tân binh” này bao quát vùng biển, vùng trời trong hải phận của Việt Nam. “Mắt thần” của CASA-212 có thể quan sát mọi phương tiện hoạt động trong bán kính 120 km khi máy bay hoạt động ở độ cao dưới 3 km.
'Mắt thần biển Đông' bay liên tục 8 giờ Theo thượng tá Nguyễn Hoài Thủy, CASA-212 đang được hơn 40 nước khai thác. Trong điều kiện bình thường, CASA-212 có thể bay ở độ cao thấp để quan sát rõ tàu bè đi lại trên biển nhưng khả năng hoạt động của nó ở độ cao tối đa lên đến 7 km. Đây cũng là loại máy bay có khả năng bay liên tục trong 7-8 giờ. Tổ bay CASA-212 gồm 8 nguời, trong đó có 2 phi công và 5 người vận hành hệ thống quan sát, radar MSS-6000. Dù phi đội CASA-212 hiện nay thuộc Trung đoàn Không quân 918 nhưng trong tương lai, những người lính không quân sẽ khoác trên mình màu áo của Cảnh sát Biển để dễ dàng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển. “CASA-212 là máy bay của Cảnh sát Biển Việt Nam, vì thế có đầy đủ tư cách pháp nhân và công cụ để thực hiện các nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền trên biển của ta” - đại tá Lê Kiêm Toàn khẳng định. CASA-212 cũng giúp việc đấu tranh bảo vệ lãnh hải qua đường ngoại giao được hiệu quả hơn vì máy bay này thừa khả năng cung cấp hình ảnh và bằng chứng xác thực khi tàu bè nước ngoài xâm phạm chủ quyền của ta. Bên trong buồng lái hiện đại, điều khiển tự động của CASA-212 Ảnh: Nguyễn Hoài/NLĐ |
Sáng cùng ngày, ông Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, khẳng định thời tiết ngày hôm nay thuận lợi cho việc tìm kiếm.
Hôm nay, Malaysia cũng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm từ mũi phía bắc Sumatra trên bờ biển phía tây bán đảo Malaysia đến Hong Kong.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết, hiện tại Việt Nam đã cấp phép cho bốn quốc gia là Malaysia, Trung Quốc, Singapore và Mỹ tham gia tìm kiếm cứu hộ bao gồm cả máy bay và tàu cứu hộ. Tổng số máy bay và tàu cứu hộ tham gia tìm kiếm là 34 máy bay, 40 tàu cứu hộ các loại, chưa kể các phương tiện của ngư dân.
Ông Tiêu cho biết, hôm nay Việt Nam sẽ điều thêm phương tiện, máy bay và tàu cứu hộ tổ chức tìm kiếm với quy mô rộng hơn. Cũng trong sáng nay, tại Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc sẽ họp toàn bộ các lực lượng và đơn vị tham gia cứu hộ để triển khai các công việc tiếp theo.
Máy bay không lắp hệ thống tự liên lạc
Về chiếc máy bay Boeing 777 mất tích, trao đổi với Tiền phong, ông Đinh Đức Tuấn - Phó Ban An toàn chất lượng và an ninh Tổng công ty Hàng không Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm điều khiển dòng máy bay Boeing cho biết, trên máy bay bị mất tích có trang bị hai thiết bị định vị gồm hệ thống rada và thiết bị định vị toàn cầu (GPS). Tuy nhiên, đến nay, các tín hiệu để định vị không được báo đi từ máy bay bị mất tích. Lý do theo ông Tuấn là các hệ thống này đã bị tắt hoặc phá huỷ.
Về hộp đen máy bay, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay Cục Hàng không cho biết: Hộp đen máy bay không phải là thiết bị phát tín hiệu để định vị. Vì thế, hộp đen máy bay chỉ có thể tìm được khi xác định được khu vực máy bay rơi.
Mới đây, tờ Reuters cũng đưa thêm thông tin, chiếc Boeing 777-200ER được trang bị một hệ thống máy tính có khả năng tự động liên lạc với mặt đất thông qua các tin nhắn có tên gọi kỹ thuật là ACARS. Các tin nhắn này giúp nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất tiến hành các bước cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị cho máy bay sau khi hạ cánh.
Còn trong trường hợp máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines, nhân viên điều tra đã không nhận được tin nhắn ACARS để giúp họ khám phá ra được điều gì đã xảy ra cho chiếc máy bay.
“Không có bất kỳ tin nhắn ACARS nào được truyền đi kể từ sau khi máy bay biến mất”, nguồn tin giấu tên này nói.
Theo quảng cáo của tập đoàn Boeing, ngoài hệ thống gửi tin nhắn tự động ACARS, các hãng hàng không còn có thể mua để trang bị thêm cho máy bay một hệ thống khác có tên gọi là hệ thống Quản lý tình trạng máy bay, vốn có thể cập nhật sự cố theo thời gian thật và cho phép cả Boeing lẫn hãng hàng không cùng kiểm soát chuyến bay.
Nguồn tin của Reuters cho biết có lẽ Malaysia Airlines đã không lắp đặt hệ thống này cho chiếc máy bay bị mất tích.
Bình luận