• Zalo

Tìm HLV ngoại cho tuyển Việt Nam: Đẳng cấp châu Âu chưa chắc là lựa chọn tốt

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 02/04/2024 16:58:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Những huấn luyện viên nổi tiếng thế giới, kinh nghiệm phong phú ở các nền bóng đá phát triển chưa chắc là lựa chọn tốt cho đội tuyển Việt Nam.

Vị trí huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt sau khi ông Philippe Troussier rời đi. Không chỉ người hâm mộ chú ý mà những nhà môi giới, các huấn luyện viên cũng nhắm đến chiếc ghế đang bỏ trống.

Như thường lệ, dư luận sớm đồn đại về những tên tuổi lớn. Tuy nhiên, sẽ không bất ngờ nếu người được chọn không phải ứng viên nổi tiếng nhất với kinh nghiệm phong phú ở các nền bóng đá lớn.

Đẳng cấp World Cup vẫn chật vật ở châu Á

Trận cầu giữa Trung Quốc và Philippines ở Asian Cup 2019 từng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông thế giới không phải bởi tầm cỡ của hai đội tuyển.

Bóng đá châu Á từng chuộng các siêu HLV trên băng ghế chỉ đạo. Thời đại ấy đã qua rồi. Ảnh: Minh Chiến.

Bóng đá châu Á từng chuộng các siêu HLV trên băng ghế chỉ đạo. Thời đại ấy đã qua rồi. Ảnh: Minh Chiến.

Cuộc đối đầu ấy được quan tâm bởi nó chứng kiến sự xuất hiện của hai HLV siêu sao là Marcello Lippi bên phía Trung Quốc và Sven-Goran Eriksson của Philippines. Người này là nhà vô địch thế giới, người kia từng dẫn dắt “Thế hệ vàng” tuyển Anh. Sân khấu xứng đáng với họ lẽ ra phải được đặt ở World Cup.

Trên đất UAE năm ấy, cả một bầu trời sao huấn luyện đã xuất hiện. Họ là Alberto Zaccheroni với UAE, Milovan Rajevac cùng Thái Lan, Paulo Bento (Hàn Quốc), Carlos Queiroz (Iran), Hector Cuper (Uzbekistan)...

Tất cả đều ở trình độ World Cup, đều ở đẳng cấp Champions League. Đó là thời đại mà bóng đá châu Á tin rằng năng lực của các HLV ngoại hạng là đủ để nâng tầm đội tuyển.

Nhưng năm ấy, không ai trong số họ lên ngôi vương. Và 5 năm sau, chẳng ai còn tại vị.

Thực tế cho thấy rất nhiều người trong số họ thể hiện không như kỳ vọng, nhiều người thất bại trong việc nâng tầm đội tuyển, nhiều người khác thậm chí mâu thuẫn, tỏ ra không phù hợp với không khí bóng đá châu Á và bị sa thải (Milovan Rajevac).

Từ đó tới nay, chuyển dịch cực lớn trên băng ghế huấn luyện các đội tuyển châu Á đã diễn ra. Top 6 đội mạnh nhất châu Á hiện tại có tới 4 HLV nội. Đội châu Á hay nhất ở World Cup lúc này cũng được dẫn dắt bởi một HLV nội (Hajime Moriyasu).

Sau một thời gian dài hướng về châu Âu cả ở cấp CLB lẫn đội tuyển, các đội bóng châu Á giờ đang trao nhiều niềm tin cho những ông thầy châu Á.

HLV châu Á mới phù hợp với tuyển Việt Nam?

Có lý do cho sự thay đổi lớn ấy. Thứ nhất, các HLV ngôi sao chưa thể hiện như kỳ vọng. Thứ hai, mức lương cao của họ là trở ngại. Thứ ba, quan trọng hơn cả, sự phát triển vượt bậc của bóng đá châu Á những năm qua đang giúp giới HLV châu Á tiến gần đến đẳng cấp thế giới.

Thắng lợi liên tiếp của các đại diện châu Á ở World Cup, trình độ ngày càng cao từ J1 League, J League 1 hay giải Saudi Arabia, việc cầu thủ châu Á ồ ạt sang châu Âu đồng thời nâng cao chất lượng giới huấn viên châu Á. Bây giờ, chẳng cần đi đâu xa, các nền bóng đá có thể tìm HLV giỏi ngay từ nội bộ.

Đó chính là cách làm của tuyển Hàn Quốc khi tuyển HLV tạm quyền thời gian qua. Tất cả ứng viên của họ đều là người Hàn, hầu hết làm việc tại K League 1. Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc thậm chí còn khó khăn khi chẳng thể thuyết phục các CLB trong nước nhả người.

Ông Troussier và người trước đó là Falko Goetz đều thất bại vì cả yếu tố chuyên môn lẫn văn hóa. Ảnh: Minh Chiến.

Ông Troussier và người trước đó là Falko Goetz đều thất bại vì cả yếu tố chuyên môn lẫn văn hóa. Ảnh: Minh Chiến.

So với HLV châu Á, các ông thầy châu Á đang ngày một có giá. Xu thế phẳng trong thể thao giúp họ đồng thời tiếp cận những kiến thức bóng đá tiên tiến nhất, người HLV cấp CLB ở Nhật Bản thậm chí có thể gây bất ngờ cho đồng nghiệp châu Âu. Đó là chưa kể sự đồng điệu về lối sống và văn hóa, đủ giúp họ thích nghi được ở hầu hết các nước châu Á, đặc biệt là vùng Đông, Đông Nam và Nam Á.

Sự phù hợp ấy cũng là tiêu chí được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhấn mạnh trong cuộc tìm kiếm HLV ngoại. Chia sẻ với VTC News, Phó chủ tịch chuyên môn VFF đề cao yếu tố “hiểu được văn hóa và bóng đá Việt Nam, biết chấp nhận sự khác biệt”.

Trong thời đại truyền thông lên ngôi, khi cái tôi của từng cầu thủ ngày càng trở thành vấn đề, sự am hiểu về văn hóa đang dần trở nên quan trọng không kém yếu tố chuyên môn.

Có ngạc nhiên không khi HLV trưởng tuyển Thái (Masatada Ishii) hiện là một người Nhật và cũng có nửa thập kỷ làm việc ở Thai League? Hay chính Shin Tae-yong cũng đã đến Indonesia từ 2019 và vài năm sau mới đạt được thành công.

Tất cả cho thấy xu thế mới trong cuộc tìm kiếm HLV tuyển Việt Nam lần này. Lãnh đạo VFF không nói thẳng, nhưng những ai chú ý tới đội tuyển hẳn đã nhận ra tỷ lệ đáng kể hồ sơ gửi tới Việt Nam đang thuộc về các HLV Đông Á. Không phải ai trong số đó cũng có một bản CV ấn tượng, nhưng khả năng hòa hợp rõ ràng là ưu điểm.

Tiền lệ cũng chứng minh Đông Nam Á nói chung và tuyển Việt Nam nói riêng vốn không chuộng HLV tên tuổi. Những huyền thoại của AFF Cup như Kiatisuk Senamuang, Radojko Avramovic hay Alexandre Polking đều chỉ là HLV tầm khu vực.

Ba huấn luyện viên thành công nhất của tuyển Việt Nam Alfred Riedl, Henrique Calisto, Park Hang-seo đều có sự nghiệp khiêm tốn trước khi tới dải đất hình chữ S (Riedl có một năm dẫn dắt tuyển Áo nhưng thất bại).

Trong quá trình làm việc, dấu ấn đặc biệt của họ đều là sự hòa hợp. Khi chia tay, họ đều có những liên hệ sâu đậm và gắn bó nhiều năm cùng Việt Nam.

Chiều ngược lại, hai tên tuổi lớn nhất từng tới Việt Nam là Philippe Troussier và Falko Goetz (2011) đều ra đi sau chỉ một năm, di sản là thất bại trên sân cỏ những nhiều mâu thuẫn không đáng với giới chức cùng người hâm mộ.

Chừng đó đủ chứng minh với tuyển Việt Nam, CV đẹp, đẳng cấp châu Âu chưa chắc đã đồng nghĩa thành công.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn