(VTC News) - Sẽ khó tìm ra được người thay thế Lý Nhã Kỳ ở cương vị Đại sứ Du lịch Việt Nam. Bởi chức danh này sinh ra là để dành cho cô. Nếu cô không tự rút lui sẽ không có đối thủ nào có thể cạnh tranh nổi.
Tìm Đại sứ mới chỉ là động tác giả?
Chức danh Đại sứ Du lịch Việt Nam đã để trống từ tháng 9/2012 khi Lý Nhã Kỳ hết nhiệm kỳ. Nhưng cho đến giờ câu chuyện tìm tân Đại sứ vẫn không có gì tiến triển. Nguyên nhân vì đâu ư?
Đầu tiên, là những khó khăn trong việc tìm ra ứng viên đáp ứng được tiêu chí lựa chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2014. Mặc dù tiêu chuẩn lựa chọn Đại sứ chỉ bao gồm 8 điểm khá đơn giản và đã được ghi rất chi tiết cụ thể. Nhưng để thành Đại sứ, không chỉ cứ đạt 8 tiêu chí trên là được.
Bởi mọi tiêu chí trên đều không có ý nghĩa gì hết nếu người ứng cử không thể vượt được qua khó khăn về tài chính. Trên thực tế, Lý Nhã Kỳ cũng chính vì là người khắc phục được khó khăn này để đi đến thành công rực rỡ cho nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch vừa qua của cô.
Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế của Bộ VHTTDL, Lý Nhã Kỳ đã chi rất nhiều tiền cho các hoạt động quảng bá vịnh Hạ Long. Thậm chí để quảng bá và kêu gọi bầu chọn cho di sản này trong cuộc đua 7 kỳ quan hiên nhiên Thế giới mới tại Hồng Kông hồi năm 2012, cô đã chi toàn bộ tiền tổ chức hội thảo, việc lẽ ra Bộ VHTTDL phải là đơn vị đứng ra chủ chi.Sẽ rất khó kiếm được một người hội tụ đủ những ưu điểm mà Lý Nhã Kỳ đang có.
Sự mạnh tay trong việc đầu tư của Lý Nhã Kỳ cho công tác quảng bá du lịch Việt Nam suốt năm 2012 giúp cô có được niềm tin tuyệt đối từ phía Cục hợp tác Quốc tế - Bộ VHTTDL. Về phía công chúng. Sau những hoài nghi, những màn “ném đá” tập thể hồi đầu, người ta đã bắt đầu phải cúi đầu bái phục sự hy sinh về cả tiền bạc lẫn thời gian mà Lý Nhã Kỳ đã bỏ ra cho cương vị Đại sứ Du lịch.
Sẽ rất khó kiếm được một người hội tụ đủ những ưu điểm mà Lý Nhã Kỳ đang có. Trong những gương mặt mà Cục hợp tác Quốc tế đưa ra “làm thí dụ” chỉ có một ứng viên xem ra có thể cạnh tranh với Lý Nhã Kỳ đó là Hoa khôi Thể thao Thu Hương.
Nói vậy là bởi cũng như Lý Nhã Kỳ, Thu Hương hiện đang là doanh nhân. Ở vị trí này, Thu Hương có thể sẽ đủ tiềm lực kinh tế để chi cho công tác quảng bá du lịch nước nhà như Lý Nhã Kỳ.
Thế nhưng, câu chuyện tìm kiếm Đại sứ Du lịch mới còn khá mơ hồ. Bởi theo như chỉ đạo của Bộ VHTTDL thì nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ Du lịch trong nhiệm kỳ tới là quảng bá cho Tràng An - Ninh Bình ứng cử Di sản thế giới; chiến lược du lịch biển đảo...
Và mới nhất ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế, đơn vị được giao trọng trách tìm kiếm Đại sứ Du lịch đã chia sẻ: “Chúng tôi sẽ có tập huấn cho Lý Nhã Kỳ về hồ sơ giá trị của di sản này. Dự kiến tập huấn sẽ kéo dài trong vài ngày. Là người thông minh, cô ấy sẽ nắm được”. Bản thân ông Tình cũng cho biết Cục này đã có kế hoạch để Lý Nhã Kỳ tham gia giới thiệu và vận động cho Tràng An (Ninh Bình) trở thành di sản văn hóa thế giới.
Vậy thì liệu những ứng viên có ý định ứng cử vào chức danh Đại sứ Du lịch liệu có còn cơ hội?
Có Đại sứ Du lịch thì làm được gì?
Nhìn vào những hoạt động của nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch đầu tiên do Lý Nhã Kỳ đảm nhận có thể thấy chính Đại sứ và Cục hợp tác Quốc tế - Bộ VHTTDL vẫn còn đang khá lúng túng trong việc phân định chức năng và nhiệm vụ của Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Ở nhiều quốc gia, chỉ bổ nhiệm Đại sứ Du lịch cho hai trường hợp sau. Thứ nhất để quảng bá du lịch nước đó ra thế giới. Thứ hai là để quảng bá ngành du lịch với chính dân chúng trong nước. Nhưng công việc của Đại sứ Du lịch Việt Nam thì hoàn toàn khác.
Hầu hết các hoạt động mà Lý Nhã Kỳ tham gia chỉ tập trung vào các chuyến công du nằm trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài do Cục hợp tác Quốc tế làm. Nôm na là theo Cục này đến các Hội chợ du lịch trong khu vực và thế giới.
Công việc mà Lý Nhã Kỳ đã làm có phần giống với việc của “một cô trợ lý” cho Cục hợp tác Quốc tế hơn là công việc của một Đại sứ Du lịch. Cô chi tiền ra làm hội thảo thay Cục. Cô làm phiên dịch, trò chuyện với quan khách.
Chính những việc không tên trên đã khiến người ta nghĩ Lý Nhã Kỳ giống như một "bình hoa di động” bên cạnh các lãnh đạo ngành du lịch hơn là làm Đại sứ Du lịch. Cô không có hoạt động quảng bá du lịch ra nước ngoài nào. Ngoại trừ hoạt động huy động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long tại Hồng Kông.Lý Nhã Kỳ không có hoạt động quảng bá du lịch ra nước ngoài nào. Ngoại trừ hoạt động huy động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long tại Hồng Kông.
Ở các Hội chợ du lịch khu vực và quốc tế ấy, chưa có bằng chứng nào cho thấy tiếng nói của Lý Nhã Kỳ ở đó có sức ảnh hưởng lớn đáng kể nào đó.
Về quảng bá trong nước, các hoạt động của Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ cũng không có gì hơn. Cô tham gia duy nhất hoạt động vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long. Hầu như công chúng không nhìn thấy rõ sức mạnh quảng bá du lịch nước nhà ở Lý Nhã Kỳ.
Người ta khó có thể đo đếm được xem Lý Nhã Kỳ đã dùng sức ảnh hưởng và sự nổi tiếng của mình để quảng bá cho các di sản hay cho ngành du lịch nước nhà đến được bao nhiêu người dân. Nhưng có lẽ sức ảnh hưởng này là không nhiều.
Tất nhiên, về cá nhân Lý Nhã Kỳ, không có một lời chê trách nào dành cho cô cả. Bởi cô đã làm quá tốt nhiệm vụ mà ngành Du lịch đặt ra cho mình.
Nhưng với những câu chuyện nói ở trên, công chúng hy vọng trong nhiệm kỳ Đại sứ Du lịch Việt Nam 2013 - 2014 tới đây, phía Cục hợp tác Quốc tế sẽ đưa ra một chiến lược hoạt động hữu ích hơn cho tân Đại sứ. Tránh biến Đại sứ thành “bình hoa di động”. Vậy đỡ uổng công lập nên chức danh này.
Chu Ngũ Nương
Bình luận