BBT báo trân trọng giới thiệu những cảm nhận của nhà khoa học, nhà văn Trần Gia Ninh trong lần đầu đứng trên đỉnh non thiêng của tổ quốc.
Chuyến lên Fansipan, nóc nhà Đông Dương rất thú vị. Đi cáp treo lên đến độ cao 2.850 m và phải leo núi thêm gần 300 m nữa (hơn 600 bậc, bằng cao ốc 100 tầng) mới lên đến đỉnh. Đoạn leo núi này là thử thách lớn nhất, ai không leo lên được thì ở lại, tại ga cáp treo có khu mua sắm rất hoành tráng, có khu vui chơi rộng đep mênh mông, có khu vực tâm linh với đền đài uy nghi hùng vĩ bằng đá và gỗ quý, không hề buồn chán tí nào.
Tôi đã từng có dịp đi nhiều cáp treo hùng vĩ như khu trượt tuyết ASPEN ở Colorado, Núi Alpes ở Áo....nhưng phải công nhận cáp treo Fansipan là kỳ vĩ nhất. So về quy mô, cáp treo Bà Nà, Yên Tử… cũng rất khiêm tốn, khó sánh được với Fansipan.
Ngồi trong cabin cáp treo
Cáp treo này không phải bắc từ chân lên tới đỉnh của một ngọn núi, mà là bắc ngang qua thung lũng Mường Hoa, từ sườn dãy núi bên này sang đỉnh núi bên kia, dài hơn 6 km. Các kỹ sư Đức và Áo hiện vẫn đang túc trực làm việc với chủ đầu tư Sun Group để đảm bảo tuyến cáp hoạt động trơn tru, thuận lợi và an toàn.
Nhìn công trình mà ngẫm, quả thật là không thể tưởng tượng nổi làm cách nào người ta có thể vận chuyển hàng vạn tấn thiết bị, vật liệu lên được tới đỉnh núi như vậy. Ngồi trong cabin, nếu quan sát kỹ, du khách vẫn có thể thấy dấu vết của tuyến cáp phụ ngày xưa dùng để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng lên đỉnh. Trước khi có tuyến cáp này, trong suốt nhiều tháng trời, chủ đầu tư và nhà thầu buộc phải sử dụng hoàn toàn sức người.
Người mở núi, người băng rừng, người gùi, thồ, vác trên vai từng bao vật liệu lên đỉnh…, trong cả những ngày nắng cháy da, mưa rát mặt, lũ rừng và tuyết rơi, băng kết dày trên đỉnh khiến thịt da hoàn toàn mất cảm giác. Tưởng tượng thôi cũng đã thấy sợ rồi!
Từ cáp treo nhìn xuống thung lũng Mường Hoa
Chỉ sau một năm khai trương, từ năm thứ hai trở đi, ai cũng lên được đến đỉnh Fansipan mà không phải trèo 600 bậc nữa, vì khu du lịch đã hoàn thiện xong một đường tàu hỏa mini leo núi. Khu trưng bày các sản vật bản địa và đồ lưu niệm ở ga cáp treo hai đầu đều rộng lớn và hoành tráng hơn cả Tràng Tiền Plaza toàn bằng đá nguyên khối. Khu tâm linh hiển hiện hùng vĩ trên đỉnh trời với những công trình mang dáng dấp những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam, tiệp trong dáng núi, hòa quyện trong mây như vốn đã tồn tại ở đó từ bao giờ.
600 bậc đá tự nhiên nguyên khối dẫn lên núi có màu trắng xanh rất đẹp. Càng nhìn ngắm và trải nghiệm công trình, tôi càng cảm thấy khâm phục tài năng con người, đặc biệt là tầm cao mỹ thuật và tầm nhìn xa của chủ đầu tư cùng nhóm kiến trúc sư đã kiến tạo nên công trình 4 ngàn tỷ này.
Lên đỉnh
Điều đặc biệt nhất trên đỉnh Fansipan chắc chắn là khí hậu. Bước ra khỏi cabin cáp treo là gió lạnh thấu xương, thổi mạnh đến mức ngiêng ngả người. Mọi du khách đều phải mặc thật ấm, đội mũ ,choàng khăn kín mặt mới chống chọi được với thời tiết nơi đây trong những ngày đầu năm mới.
Siêu thị đã có bán sẵn áo ấm, khăn mũ, khẩu trang.. cho những khách quên mang đồ giữ ấm cơ thể. Thế nhưng càng leo lên cao, gió càng bớt dần, thời tiết ấm áp hẳn lên. Khi lên đến đỉnh, gió lặng, tiết trời dịu mát như mùa thu Hà Nội, phải bỏ hết khăn áo ra mà chạy nhảy hò hét, vui đáo để!
Trên đỉnh Fansipan, tôi đã thấy trọn toàn cảnh núi rừng, làng mạc, sông suối bên dưới, cảm xúc rõ nhất là niềm tự hào vì đất nước có thêm một công trình kỳ vĩ, giúp những người lớn tuổi như mình, như đám bạn già, hay như cả anh bạn trẻ cùng đoàn đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo có cơ hội thăm thú nóc nhà Đông Dương, để được ngắm thật kỹ tổ quốc, quê hương từ góc nhìn tròn vẹn nhất.
Những người lên Fansipan sau này sẽ còn may mắn hơn nữa, khi cảnh quan trên đỉnh đã hoàn thiện,, rất nhiều loài hoa lạ và đẹp đã được trồng thành công trên sườn núi gió. Quần thể văn hóa tâm linh hùng vỹ đã chính thức mở cửa để du khách về trẩy Hội xuân mở cổng trời, lễ Phật cầu an trong năm mới. Với khối óc và bàn tay con người, rồi đây, Sa Pa sẽ thực sự thức giấc trên chính khối đá hoa cương khổng lồ, tích tụ tinh hoa của đất, của nước, của linh khí triệu năm mang tên Fansipan này đây…
Tác giả Trần Gia Ninh là bút danh của Nhà Vật Lý thực nghiệm, Tiến sỹ khoa học Trần Xuân Hoài, quê gốc Hà Tĩnh, từng là Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH Viện Vật lý Ứng dụng thuộc viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Ông nhận bằng Tiến sỹ và Tiến sỹ khoa học của Đại học Berlin mang tên Humboldt, đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy với tư cách là Giáo sư mời ở nhiều phòng thí nghiệm quốc gia và Đại học lớn tại các nước châu Âu, Mỹ. Với gần trăm công trình, sách, sáng chế, thiết kế… viết bằng tiếng nước ngoài, ông đã xác lập tên tuổi trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Những năm gần đây, người yêu lịch sử, văn hóa Việt Nam biết đến tác giả Trần Gia Ninh qua nhiều tác phẩm như tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Hành trình số phận: Dân tộc – Đất nước – Con người… Lạm bàn các vấn đề về lịch sử, văn hóa, xã hội dưới con mắt tinh tường và khách quan của người làm khoa học, Trần Gia Ninh đã khiến nhiều người bị thuyết phục, rồi yêu mến.
Bình luận