Sáng 3/3, hơn 300 hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh) đồng loạt đóng quầy, kéo nhau lên trụ sở UBND tỉnh để phản đối việc kí hợp đồng nhưng không ghi cụ thể thời gian gia hạn.
Theo phản ánh của các tiểu thương, vào năm 1999 sau khi chợ Hà Tĩnh bị hỏa hoạn thiêu rụi, tiểu thương đã đóng kinh phí cùng nhà nước xây dựng chợ mới. Đến năm 2001, họ ký hợp đồng mua ki-ốt thời hạn 15 năm với Ban quản lý (BQL) chợ Hà Tĩnh.
Sau khi hết hợp đồng 15 năm, Sở Công thương và UBND thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo BQL chợ chỉ cho tiểu thương tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê ki ốt trong 3 tháng nữa, nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý đối với chợ Hà Tĩnh theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Không đồng tình với chủ trương này, ngày 26/11/2016, hơn 1.000 tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Tĩnh đồng loạt đóng quầy hàng. UBND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã có cuộc đối thoại với các tiểu thương về vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý chợ Hà Tĩnh trực thuộc nhà nước sang mô hình doanh nghiệp và việc ký hợp đồng thuê các ki-ốt.
Tại buổi đối thoại ngày 29/11/2016, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã hứa với các hộ kinh doanh là sẽ tiếp tục ký hợp đồng lâu dài với bà con. Ngoài ra, tỉnh sẽ không thu thêm kinh phí khi sửa lại chợ.
Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2017, vì cho rằng lãnh đạo tỉnh không giữ lời hứa trước đó, kí quyết định cho Ban quản lý chợ Hà Tĩnh gia hạn hợp đồng với các tiểu thương nhưng không ghi rõ cụ thể bao nhiêu năm nên hàng trăm tiểu thương đã kéo nhau lên trụ sở UBND tỉnh để phản đối.
“Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ thì chúng tôi không phản đối. Tuy nhiên, khi gia hạn hợp đồng mà không ghi thời gian cụ thể bao nhiêu năm là hoàn toàn vô lý. Bà con tiểu thương chúng tôi chỉ mong rằng, hợp đồng phải có thời hạn cụ thể”, một tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh nói.
Video: Hàng trăm tiều thương chợ Hà Tĩnh kéo lên trụ sở ủy ban tỉnh
Ngày 3/3, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng BQL chợ Hà Tĩnh cho biết: "Tháng 12/2016, UBND tỉnh ra thông báo sẽ gia hạn hợp đồng cho bà con tiểu thương đến khi UBND thành phố Hà Tĩnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ nhà nước sang doanh nghiệp. Tuy nhiên, do không đồng tình nên bà con đã bãi thị phản đối.
Việc các tiểu thương tiếp tục bãi thị là do bà con không đồng tình với thông báo của UBND tỉnh. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các tiểu thương quay lại buôn bán để chờ đối thoại với UBND tỉnh nhưng họ không đồng ý”.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận