• Zalo

Tiêu hủy đàn chó ở Cà Mau: Vật nuôi có lây COVID-19 cho người không?

Tin tứcChủ Nhật, 10/10/2021 19:20:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Câu chuyện 15 chú chó theo chủ từ Long An về Cà Mau rồi bị tiêu hủy khi chủ mắc COVID-19 đang được dư luận quan tâm, vậy vật nuôi có lây COVID-19 cho người?

Hình ảnh vợ chồng anh Phạm Văn H. (49 tuổi) chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc về quê tránh dịch được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên, từ khuya 9/10, cộng đồng mạng "sôi sục", chia sẻ chóng mặt thông tin những chú chó này bị tiêu hủy khi về đến Cà Mau do chủ dương tính với SARS-CoV-2.

Đàn chó bị tiêu hủy khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu chó mèo có lây virus SARS-CoV-2 và lây cho người hay không?

Giải đáp vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có nghiên cứu nào nói virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang động vật hay ngược lại. 

Theo BS Khanh, về mặt lý thuyết, dòng virus ở người và ở động vật rất khác nhau. Thụ thể trên tế bào người và động vật cũng khác nhau rất xa. Virus ở người không thể nhiễm cho động vật và virus ở động vật không lây sang người được vì khi virus của người “nhảy sang” động vật gặp thụ thể khác không bám lại được sẽ bị đẩy ra.

“Do đó động vật (chó mèo) không thể mắc bệnh (COVID-19) và lây bệnh cho người được”, BS Khanh nói. 

Tiêu hủy đàn chó ở Cà Mau: Vật nuôi có lây COVID-19 cho người không? - 1

BS Trương Hữu Khanh. 

Bản thân virus SARS-CoV-2 ban đầu cũng rất khó lây cho người. Theo thời gian, loại virus này tiến hóa qua nhiều lần tới khi rất thuần với con người mới có thể lây từ người sang người và chỉ trong tế bào người mới phân hóa thành nhiều biến thể để lây lan thành dịch.

Tuy nhiên, theo BS Khanh, vật nuôi có thể là vật chủ trung gian mang virus. Nếu virus dính trên lông hoặc nếu chó, mèo liếm phải thức ăn hay dịch tiết hô hấp có chứa virus SARS-CoV-2 mà sau đó chúng ta ôm và để chúng liếm lên mũi, miệng ngay lúc đó thì có thể có khả năng bị nhiễm virus. 

Do đó, có thể tắm rửa sạch sẽ cho chó, mèo trước khi tiếp xúc. Nếu nuôi trong nhà, không nên cho chó, mèo ra ngoài khi dịch bệnh đang phức tạp, vì không kiểm soát được chúng tiếp xúc với những gì, có thể mang virus gây bệnh cho người nếu ta tiếp xúc chúng ngay.

Dùng găng tay, đeo khẩu trang tắm rửa, vệ sinh cho chúng trước khi tiếp xúc (ôm ấp) nếu chúng ra ngoài. Vật nuôi như chó, mèo chỉ có nguy cơ mang virus SARS-CoV-2 cho người thông qua lông của chúng nếu không được tắm rửa kỹ. Chúng tương tự bàn tay của con người chạm vào virus và đưa lên mặt, mũi, miệng…”, BS Khanh nói.

TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay, thực tế hiện nay, COVID-19 chỉ lây trực tiếp qua đường hô hấp giữa người và người, không thể lây từ động vật.

Cho tới hiện nay, chưa ghi nhận người có thể lây nhiễm COVID-19 cho động vật hay không và ngược lại. Về việc lây nhiễm COVID-19, BS Châu cho rằng phải xem xét kỹ yếu tố dịch tễ. 

"Phải xem kỹ mình đã từng tiếp xúc với một người nhiễm COVID-19 hay không qua đường hô hấp, hoặc dùng tay tiếp xúc dịch tiết đường hô hấp trên vật dụng của người bị nhiễm rồi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng của mình thì mới nhiễm bệnh. Không thể có trường hợp các động vật gì đó (chó, mèo) mà mắc COVID-19 lây cho người này, người khác", BS Châu nói. 

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn