• Zalo

Tiết lộ vị thuốc mang tên loài chó trong Đông y

Sức khỏeThứ Bảy, 17/02/2018 07:13:00 +07:00Google News

Cây chó đẻ, cây óc chó, cẩu tích… là những vị thuốc mang tên loài chó có nhiều tác dụng trong Đông y và thường xuyên sử dụng chữa bệnh.

PV báo điện tử VTC News trò chuyện với Bác sĩ Đông y Trần Thịnh, công tác tại Viện Y học Cổ truyền Quân đội về công dụng của cây chó đẻ, cây óc chó, cẩu tích và một số vị thuốc có tên loài chó trong Đông y.

Bác sĩ Trần Thịnh cho biết: “Cây chó đẻ là một vị thuốc thông dụng, sử dụng phổ biến trong dân gian. Công dụng chính của vị thuốc có tên loài chó này là khả năng thanh nhiệt giải độc”.

cay-cho-de

Cây chó đẻ sau khi được phơi khô và cắt khúc. 

Cây chó đẻ có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tốn ứ, thông huyết, điều kinh, thanh càn, hạ nhiệt… Vị thuốc này thường được dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, đau thận, bệnh về đường tiết niệu, đường ruột, ngoài da.

Để điều trị viêm gan, xơ gan, Đông y khuyên dùng cây chó đẻ phối hợp với nhân trần, vỏ bưởi phơi khô, hậu phác, thổ thục linh. Sau đó, ta dùng các vị thuốc này sắc nước, uống hàng ngày. Uống liền khoảng 3 – 5 tháng sẽ có hiệu quả tốt.

cay-oc-cho

Cây óc chó có nhiều công dụng: bồi dưỡng cơ thể, trừ ho đờm, hen suyễn... 

Với cây óc chó, bác sĩ cho biết: "Rễ của cây óc chó đồng bằng có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, tác dụng khử phong thấp, mạnh gân cốt, khử ứ tắc, tiêu thũng, sinh tân. Với loại cây óc chó to mọc ở rừng thường có vị ngọt, hơi chát, tính ấm".

Công dụng của cây óc chó thường dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể, trừ ho đờm, lao lực quá độ sinh ho, hen suyễn, lưng đau mỏi gối, chân yếu, làm thuốc dưỡng da, đen tóc, lợi tiểu, trừ trĩ. Lá óc chó còn sử dụng làm mỹ phẩm cho da, làm săn da, sát khuẩn, khử lọc máu. Dầu óc chó dùng chữa phòng lở chàm và nhuộm đen tóc.

Bác sĩ Trần Thịnh cũng đưa ra vài phương thuốc chữa trị từ cây óc chó: “Dùng cây óc chó chữa vết thương đau nhức bằng cách lấy nhân hạt óc chó giã nhỏ hòa với rượu uống, kết hợp lấy lá óc chó tươi hay vỏ quả giã nát đắp bên ngoài vết thương.

Ngoài ra, chữa người già hen suyễn, đái ra cát sỏi bằng cách giã hạt óc chó nấu cháo ăn nhiều lần.

Chữa bỏng, lở chàm, nhuộm đen tóc: Lấy dầu óc chó bôi ngoài, hay chải tóc.

Chữa thận lạnh, đau buốt ngang lưng, rũ mỏi, liệt dương, đái són, đái nhiều, vãi đái, tiết tinh: Nhân hạt óc chó (hồ đào nhục) 12g, ba kích 10g, nhân quả rể (ích trí nhân) 8g, ô dược 8g, cẩu tích 8g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần”.

cay-cau-tich 3

Cây cẩu tích hay còn gọi là cây lông cu ly. 

Cuối cùng là vị thuốc có tên cẩu tích.

"Cẩu tích, là loại cây khá quen thuộc thường được sử dụng nhiều trong chữa bệnh và sơ cứu vết thương. Cẩu tích còn có tên kim mao cẩu tích, cây lông cu ly, tên khoa học Cibotium barometz”, bác sĩ Thịnh nói.

Vị thuốc này thường được dùng phần thân rễ, cạo bỏ lông thái mỏng. Cẩu tích có vị đắng nhẹ, ngọt, tính ấm. Cẩu tích có tác dụng bổ can thận, trừ chứng đi tiểu són, di tinh, bạch đới, mạnh gân xương, trừ phong thấp.

Cẩu tích thường được phối hợp các vị thuốc bổ dương, mạnh gân xương để tăng cường tác dụng bổ can thận,  mạnh gân xương.

Ngoài ra, vị thuốc cẩu tích còn có thể phối hợp các vị thuốc bổ dương như: Dâm dương hoắc, ba kích, nhục thung dung… để tăng cường tác dụng bổ dương chữa bệnh di tinh, liệt dương, yếu sinh lý ở nam giới.

Video: Siêu khuẩn kháng thuốc có thể giết 10 triệu người/ năm

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn