• Zalo

Tiết lộ lý do Hoa hậu Thế giới bỏ thi bikini

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 18/12/2014 06:53:00 +07:00Google News

Trải qua nhiều lần bị phản đối vì phần thi bikini, tổ chức Hoa hậu Thế giới đang dần tiến tới loại bỏ hẳn phần thi này ra khỏi những phần trình diễn phụ.

Nhiều lần bị phản đối vì phần thi bikini, tổ chức Hoa hậu Thế giới đang dần tiến tới loại bỏ hẳn phần thi này.

Rất nhiều người thắc mắc vì sao năm nay, cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) không có phần thi bikini như 63 năm qua liên tục được duy trì, bởi đó được coi là phần thi quan trọng để tìm cô gái đẹp nhất về hình thể.

Không chỉ loại phần thi này ra khỏi chương trình, các clip, hình ảnh các cô gái mặc trang phục này trong đêm chung kết cũng không được BTC đưa ra, dù phần thi phụ Hoa hậu Bãi biển vẫn được tổ chức với người chiến thắng là Hoa hậu Thụy Điển.


Bà Julia Morley cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2015, phần thi bikini sẽ chính thức bị bỏ. Đó cũng chính là lý do mà năm nay, kịch bản đêm chung kết phần lớn tập trung vào các dự án từ thiện, hoạt động xã hội của các thí sinh.

Song song với đó, cuộc thi sắc đẹp được đánh giá là hấp dẫn nhất thế giới này đã bị chê là khô khan, thiếu hấp dẫn khi loại bỏ phần bikini.
Hoa hậu thế giới
Cuộc thi HHTG có xuất phát điểm từ một buổi trình diễn bikini ngoài trời 
Điều này được coi là khá bất ngờ khi lịch sử của HHTG được xuất phát điểm từ một buổi trình diễn bikini nhằm quảng cáo cho trang phục đồ lót. Sự hấp dẫn của nó đã khiến cho ý tưởng tổ chức một cuộc thi sắc đẹp dành cho phụ nữ ra đời ngay sau đó.

Năm 1951, HHTG chính thức được đưa lên sân khấu lần đầu tiên bởi Eric Morley. Sau khi ông mất, vợ ông - bà Julia Morley là người nắm quyền điều hành cuộc thi cho đến tận bây giờ.


Mặc dù ra đời tại Anh và mang lại không ít danh tiếng nhưng cũng chính tại đất nước này, phong trào phản đối cuộc thi, đặc biệt là phần thi bikini lại gay gắt nhất.

Theo tìm hiểu từ các chuyên gia sắc đẹp, cuối thập niên 1960 đến 1970, phong trào nữ quyền ở châu Âu phát triển đã lên tiếng phản đối các cuộc thi sắc đẹp vì cho rằng nó như một cái chợ gia súc, phô bày thân thể phụ nữ để kiếm tiền và mua vui cho đàn ông.

Các tổ chức nữ quyền còn đưa ra lý do để phản đối vì cuộc thi đã khuyến khích nạn phân biệt giới tính và phẫu thuật thẩm mỹ.

Chỉ vì để đẹp hơn như các cô gái của HHTG mà phụ nữ trở nên áp lực hơn đến mức phải đi phẫu thuật chứ không còn dừng lại ở việc trang điểm và tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên.

Kể từ năm 1969, Hoa hậu Hoàn vũ có thêm phần thi ứng xử, còn HHTG bổ sung phần thi này vào năm 1973, sau khi đối diện với không ít các cuộc biểu tình phản đối của phụ nữ với cuộc thi này. Dù vậy, mỗi khi cuộc thi trở lại Anh, phong trào này vẫn tái diễn.
hoa hậu thế giới
Phong trào phản đối cuộc thi ở nước Anh 
Phong trào phản đối còn lan rộng ra các nước theo đạo Hồi. Năm 2013, cuộc thi được tổ chức tại Indonesia đã vấp phải sự phản đối và bạo động khiến cuộc thi suýt bị hủy bỏ.

Nguyên nhân vì Hội đồng Ulema Indonesia (cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất ở nước này) rất tức giận và họ kêu gọi tẩy chay HHTG tại nước này. Hội đồng Ulema Indonesia chỉ trích cuộc thi 'quảng bá chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa thế tục'.


BTC buộc phải hủy địa điểm tổ chức ở đảo Java (nơi đa số Hồi Giáo) để tới đảo Bali (đa số theo Ấn Giáo thế tục). Ngoài ra, phần thi bikini cũng bị loại ra khỏi cuộc thi.

Thay vào đó, các thí sinh được mặc những trang phục mang tính truyền thống hơn như sarong (loại khăn để quấn quanh người tạo thành váy, áo).

Chính tính chất tổ chức ở nhiều quốc gia cũng khiến cuộc thi đụng chạm với vấn đề phong tục tập quán khác biệt với nơi khai sinh ra nó. Cụ thể là biểu tình rầm rộ của những nhóm Ấn Độ Giáo cực đoan ở Bangalore năm 1996, hay Hồi Giáo cực đoan ở Nigeria 2002 đe dọa khủng bố cuộc thi này vì dám phô bày thân thể phụ nữ trong mảnh áo tắm 2 mảnh.

Vatican từng cấm các nước ngoan đạo gửi thí sinh tham dự hồi thời gian thập niên 1950. Việc dựa vào đặc điểm văn hóa, tôn giáo để trình diễn bikini chính là nhằm dung hòa các giá trị lợi ích của một bộ phận không nhỏ dân số thế giới theo các tôn giáo thủ cựu và phong trào nữ quyền châu Âu.
hoa hậu
Rolene Strauss đăng quang Hoa hậu thế giới hoàn toàn thuyết phục mà không cần trình diễn bikini 
Đây cũng chính là lý do khiến HHTG thay đổi format liên tục và điều đó cũng khiến cho cuộc thi trở nên mới mẻ hơn, tạo được sự thú vị khó đoán.

Chẳng hạn như năm nay, không chỉ loại phần thi bikini trên sóng trực tiếp, BTC còn không tổ chức phần thi trang phục dạ hội mà chú trọng đến các hoạt động mang tính thực chất để tạo ra sự thay đổi về mặt xã hội, con người.


Phần thi Nhân ái năm nay cũng được nhân đôi số điểm và cả 5 thí sinh đều được trao giải thưởng (gồm Ấn Độ, Kenya, Brazil, Indonesia Guyana) chính là minh chứng cho phương châm đang dần thay đổi của HHTG.

Việc lựa chọn top thí sinh cũng không bị ấn định như các cuộc thi ở Việt Nam, năm nào cũng là top 10 rồi từ đó rút xuống top 5 và top 3.

Ở HHTG, mỗi năm đều có sự khác nhau và phần nhiều tùy thuộc vào chất lượng thí sinh. Có năm là top 15 (2004), top 16 (2006), top 31 (2001)...

Theo Giadinh.net

Bình luận
vtcnews.vn