• Zalo

Tiết lộ 'bí ẩn' việc tuyên án trong đêm của phiên tòa vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước

Pháp luậtThứ Ba, 22/12/2015 07:00:00 +07:00Google News

Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước chia sẻ về phiên toà xét xử 3 bị cáo vụ thảm sát khiến 6 người trong gia đình tử vong tại Bình Phước.

(VTC News) - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước chia sẻ về phiên toà xét xử 3 bị cáo vụ thảm sát khiến 6 người trong gia đình tử vong tại Bình Phước.

Sau khi bản án xét xử vụ thảm sát kinh hoàng khiến 6 người chết tại Bình Phước tại phiên tòa ngày 17/12 được tuyên, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước.

- Sau khi phiên toà xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước kết thúc, dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn về bản án của bị can Trần Đình Thoại là quá nặng, ông đánh giá thế nào?

Ngay tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đưa ra khái niệm “tự ý loại trừ chấm dứt tội phạm” đối với bị cáo Thoại, tôi đã bác bỏ, tôi khẳng định Thoại không nằm trong khái niệm đó. Khái niệm “tự ý loại trừ chấm dứt tội phạm” nghĩa là tự bị can chấm dứt, dứt khoát hành vi phạm tội đó.

Trong vụ án này, ngày 4/7/2015, bị cáo Thoại đi, bắt đầu thực hiện hành vi tội phạm, gọi điện thoại, nhắn tin cho cháu Vỹ nhưng cháu Vỹ không ra mở cửa. Đó là nguyên nhân khách quan dẫn đến Thoại không thực hiện được hành vi phạm tội nữa, chứ không phải ý Thoại muốn dừng, tự ý loại trừ. Ngày 5/7, Thoại đưa Dương 1 con dao chính là hung khí trong vụ án và Thoại không đi thực hiện nữa.

 Viện trưởng Lê Đức Xuân trả lời phỏng vấn PV VTC News. Ảnh: Vy Hoài

Trong lý luận về tội phạm học, vai trò của người giúp sức nếu anh không ngăn cản, anh không báo cho cơ quan pháp luật, anh không báo cho gia đình bị hại, không có hành động tác động nào để ngăn chặn người thực hành hành vi tội phạm thì người giúp sức đó vẫn là đồng phạm, vẫn chịu hậu quả chung cùng người thực hiện hành vi vi phạm đó. 

Đó là về mặt lý luận, nó được quy định rõ trong Nghị Quyết của Hội đồng thẩm phán, các giáo trình của trường Đại học luật và đó là điều mặc nhiên phải thừa nhận. Ứng với điều đó, có nghĩa, Thoại không được hưởng chế định gì về hành vi phạm tội chưa đạt gì cả. Và cũng có nghĩa, Thoại đã thực hiện hành vi hoàn thành luôn cùng với Dương và Tiến.

- Trong quá trình tranh luận tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Thoại lặp đi lặp lại câu nói cho rằng VKS đã vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội, vi phạm tiến bộ thế giới”?

Lúc anh Nguyễn Hữu Trí (chủ tọa phiên tòa) hỏi có ai tranh luận nữa không, tôi gật đầu ra dấu hiệu muốn tranh luận tiếp với luật sư Hưng nhưng anh Trí lại không hiểu ý, cứ nghĩ là không còn ai tranh luận nữa nên cho nghị án luôn.

Sau khi phiên tòa kết thúc, tôi cũng đã có trao đổi với Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư, tôi có góp ý về việc tranh luận với  luật sư Hưng là cần tôn trọng với nhau trong quá trình tranh luận.

Bản thân luật sư Phạm Quốc Hưng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc mà cả thế giới tôn trọng. Cái đó là anh ta vi phạm chứ không phải các cơ quan pháp luật vi phạm.


Lực lượng chức năng ngồi xung quanh thành vòng tròn bảo vệ các bị cáo

Bởi lẽ, thứ nhất, cả quá trình điều tra, cơ quan điều tra, VKS thậm chí có cả luật sư tham dự ngay trong quá trình điều tra đến giai đoạn truy tố và xét xử, các cơ quan này đều chứng thực hoạt động điều tra, cũng như hoạt động truy tố làm rất chặt chẽ bài bản, thu thập các chứng cứ, các tài liệu để chứng minh tội phạm. 

Thậm chí tại phiên tòa, khi đấu tranh các bị can đều thừa nhận tất cả những hành vi bàn bạc, những phương pháp thủ đoạn thực hiện tội phạm và hậu quả xảy ra, tất cả đều cúi đầu nhận tội.

Những chứng cứ đó là những chứng cứ vật chất, các biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai các bị can lẫn chứng cứ vật chất để chứng minh Thoại là đồng phạm trong vụ án. Các luật sư vẫn cứ quy kết các cơ quan tố tụng vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, điều đó là không đúng, quan điểm của luật sư là không đúng.

Tôi cho rằng vấn đề tranh luận giữa tòa cần phải được tôn trọng lẫn nhau, không nên quy kết những vi phạm, trong khi những việc cơ quan điều tra, VKS, kể cả tòa án nữa, kết luận của từng người là đầy đủ có căn cứ, thậm chí tôi đưa ra xác định rất rõ bao nhiêu bản cung, có 35 bản cung, trong đó có 5 bản tường trình, bị can Tiến và Thoại có tất cả 17 bản cung, trong đó có 3 bản tường trình bị can khai nhận trước cơ quan điều tra, rất rõ ràng về tính đồng phạm trong đó.

Tôi không muốn phiên tòa quá căng thẳng nên cũng không kiến nghị HĐXX cho tiếp tục phiên tranh tụng. Xét thấy quan điểm của luật sư Hưng nói nhiều người thấy là không đúng rồi nên tôi không tranh luận nữa, chứ nếu tôi quyết liệt thì chắc chắn chưa thể nghị án trong ngày đâu.
 Bị cáo Tiến và Dương lãnh án tử hình, Thoại bị tù 16 năm. Ảnh: Phan Cường

- Nhiều người thắc mắc, phiên tòa diễn ra xuyên suốt 12 tiếng đồng hồ trong ngày, thởi điểm tuyên án vào lúc trời đã tối, nhiều người thấm mệt, vì sao HĐXX không để ngày hôm sau xử tiếp?

Phiên tòa xét xử phải thể hiện tính liên tục của nó, ở đây đã thể hiện sự nhiệt tình của HĐXX, cũng như VKS, đặc biệt là các cán bộ chiến sỹ trong đội công tác bảo vệ tòa, họ nhiệt tình và có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân.

Mặc dù, gió bụi thổi, thời tiết nắng nóng chiếu thẳng vào chỗ ngồi HĐXX, cũng như các chiến sỹ công an, VKS, người dân nhưng mọi người vẫn bình tĩnh ngồi phục vụ cho cái chung của vụ án. 
Phiên tòa tuyên án lúc trời đã tối

Thậm chí khi nghị án xong lúc đó trời tối rồi, khoảng 18h30, nếu hoãn phiên tòa thì cũng có thể được nhưng HĐXX tuyên án ngay trong đêm cũng là điều tốt, thể hiện sự  quyết tâm,  đáp ứng về mọi mặt trong vụ án; đáp ứng được ngay tất cả mong muốn của người dân cả nước, chứ không chỉ phiên tòa ngày hôm đó.

HĐXX cũng rất cẩn thận về viết lách rất chặt chẽ, bản tuyên án được viết bằng tay nhận định quan điểm, đánh giá. 


Nếu để sang ngày hôm sau tuyên thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì thêm. Chỉ có tuyên án thôi mà phải kéo theo hàng trăm người phục vụ, các cơ quan thông tin đại chúng báo chí. Tuy có mệt mỏi nhưng tất cả vượt đã qua được vì cái chung.

Phiên tòa xét xử lưu động nếu kéo dài ra ảnh hưởng đến rất nhiều thứ. Trong đó, có ảnh hưởng vấn đề bảo vệ người dân, bảo vệ phiên tòa. Tôi thấy dừng lại như vậy cũng được rồi, chỉ có điều lấn cấn về lời phát biểu của luật sư Hưng, lẽ ra VKS là người kết cuối cùng chốt lại vấn đề. 

- Trước khi phiên tòa diễn ra, ông có bị áp lực, căng thẳng?

Tôi không bị áp lực hay căng thẳng gì cả. Bởi ngay từ đầu tôi cùng anh em kiểm sát viên đã tham gia kiểm sát điều tra từ khi vụ án mới xảy ra, và sau đó tôi chỉ đạo xuyên suốt quá trình điều tra cũng như chỉnh sửa cáo trạng, duyệt cáo trạng, trực tiếp phác thảo dự thảo bản luận tội.

VKS đã chuẩn bị đề cương xét hỏi tại phiên tòa để dự kiến các tình huống tranh tụng với luật sư tại tòa, các căn cứ pháp lý mà luật sư đưa ra, những vấn đề luật sư bị bác, bảo vệ quan điểm của mình. Tóm lại, VKS đã chủ động trên mọi lĩnh vực.

- Ông có nghĩ rằng các bị cáo sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm?

Tôi nghĩ, các tội phạm giết người hầu hết tự họ đều kháng cáo có thể có nhiều lý do. Ở phiên sơ thẩm, quan điểm xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật rồi, còn việc kháng cáo để xét xử phúc thẩm là chuyện rất bình thường, đúng luật.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Lời khai của Trần Đình Thoại trước toà

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn