Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố tăng lãi suất USD, giá USD leo thang và đạt "đỉnh" cao nhất của 14 năm. Đồng USD tăng mạnh gây áp lực lên nhiều thị trường, trong đó, nơi gánh chịu áp lực nặng nề nhất lầ thị trường kim loại quý.
Giá USD leo thang nhấn chìm thị trường vàng. Giá vàng hôm qua giảm “lao dốc” thẳng đứng và giảm 1,2%. Đà giảm mạnh của kim loại quý này được kỳ vọng sẽ tạo cầu bắt đáy, từ đó giúp thị trường phục hồi.
Thế nhưng, giá vàng hôm nay 16/12 tiếp tục rơi tự do. Chốt phiên tại thị trường Mỹ, giá vàng giao tháng 2 giảm 14,3 USD/ounce, tương ứng gần 3% xuống 1.128,3 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá vàng gần chạm 1.120 USD/ounce.
Ở mức giá 1.128,3 USD/ounce, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 30,8 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây của giá vàng thế giới. Do thị trường vàng trong nước đang đóng cửa nên giá vàng SJC chưa phản ứng kịp với đà giảm mạnh này. Vì vậy, chênh lệch giữa 2 mức giá tăng lên 5 triệu đồng/lượng.
Georgette Boele, nhà phân tích tại ABN Amro nhận xét: “FED mạnh tay hơn dự kiến. Điều đó khiến cho đồng đô la tái khởi động đà tăng. Với việc sản lượng tăng tại Mỹ và đồng USD tăng, đây là sự kết hợp tồi tệ nhất với vàng”.
Tuy nhiên, vàng không phải “nạn nhân” duy nhất của đồng bạc xanh. Kim loại bạc thậm chí còn gánh chịu áp lực nặng nề hơn nhiều. Giá bạc giao tháng 3 giao dịch ở mức 15,985 USD/ounce, giảm 7,18% chỉ trong 1 ngày.
Sau 2 phiên “rơi tự do” của thị trường kim loại quý, giá vàng đã “bốc hơi” hơn 30 USD/ounce. Nhưng đó chưa phải điểm dừng cuối của vàng. Theo các chuyên gia, kim loại quý này nhiều khả năng vẫn tiếp tục mất điểm trong các phiên tới đây.
Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường tại IG Markets cho biết ông đang chờ đợi các diễn biến của vàng tại ngưỡng 1.122 USD/ounce. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ, giá vàng có thể giằng co ở ngưỡng hỗ trợ 1.106 USD/ounce.
Ole Hansen, Chủ tịch nghiên cứu kim loại quý tại Saxo Bank nhận định giá vàng có thể rơi xuống ngưỡng quan trọng 1.125 USD/ounce trong tương lai gần. Nếu không giữ được ngưỡng này, giá vàng sẽ rơi xuống vùng thấp nhất của tháng 12.
George Gero, Giám đốc tại RBC Wealth Management phân tích kỹ hơn các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường kim loại quý. George Gero cho biết hiện tại, thị trường kim loại quý không chỉ gánh chịu áp lực từ FED tăng lãi suất USD mà còn chịu áp lực từ việc hạn chế mua sắm vàng vật chất của Ấn Độ. Điều đáng nói, đây là thời điểm quan trọng trong mùa mua sắm và Ấn Độ là một trong hai nước tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới.
George Gero cho biết thêm, trên thị trường tương lai, sau khi thông tin về lãi suất được công bố, áp lực bán ra đã tăng lên 400.000 ounce. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá vàng đi xuống trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến áp lực bán ra trong 3 hoặc 4 tuần nữa” - George Gero khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã có đà giảm theo tháng mạnh nhất kể từ giữa năm 2013. So với ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng đã giảm khoảng 10%.
Đà giảm của giá vàng được dự báo trước nên các quỹ đã ồ ạt bán ra, gây thêm áp lực cho thị trường kim loại. Hiện tại, lượng nắm giữ của SPDR Gold Shares, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới đã giảm 10% kể từ giữa tháng 11. Trong ngày thứ năm, lượng nắm giữ giảm xuống còn 6,8 tấn.
Nhà phân tích Daniel Hynes của ANZ nhận định hoạt động bán tháo vàng của các quỹ là kết quả của việc nhà đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường vàng. Nhu cầu vàng vật chất ảm đạm tại Trung Quốc và Ấn Độ đã không giúp gì cho vàng.
Nhu cầu vàng vật chất tại Ấn Độ giảm sút mạnh sau sự cố đổi tiền của nước này trong vài tuần trở lại đây. Trong khi đó, các nhà giao dịch Trung Quốc nói rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạn chế nhập khẩu vàng vào thị trường vàng lớn nhất thế giới.
Bình luận