Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính về thuế

Kinh tếThứ Hai, 03/11/2014 03:10:00 +07:00

Việc áp dụng thông tư số 119/TTBTC về sửa đổi, bổ sung nội dung và mẫu biểu của 7 thông tư đã đạt được hiệu quả tốt khi các thủ tục hành chính về thuế đang được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.


Việc áp dụng thông tư số 119/TTBTC về sửa đổi, bổ sung nội dung và mẫu biểu của 7 thông tư đã đạt được hiệu quả tốt khi các thủ tục hành chính về thuế đang được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.

Thông tư số 119/TTBTC về sửa đổi, bổ sung nội dung và mẫu biểu của 7 thông tư nhằm cải cách, đơn giản thủ tục hành chính (TTHC) về thuế đã đi vào cuộc sống được hơn hai tháng. Cho tới nay, Thông tư đã bước đầu đáp ứng được kỳ vọng cắt giảm các quy trình, thủ tục kê khai, nộp thuế không cần thiết với ghi nhận: các TTHC về thuế đang được điều chỉnh theo hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế.

Thông thoáng kê khai

Đã gần 10 giờ sáng của ngày cao điểm nộp hồ sơ kê khai thuế theo thông lệ, nhưng các phòng giao dịch một cửa của Cục Thuế tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng... có rất ít người tới giao dịch. Đây là những địa điểm mà mới chỉ vài tháng trước luôn đông nghẹt người tới giao dịch.
Cục Thuế tỉnh Kiên Giang triển khai cho doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, giúp người nộp thuế giảm chi phí, giảm thời gian, thủ tục giấy tờ. Ảnh: VĂN ANH  

Tuy nhiên, từ hai tháng nay, cảnh chen lấn, tập trung đông đúc không còn nữa. Lý do đơn giản là đã có hơn 80% số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cà Mau và TP Sóc Trăng đã kê khai thuế qua mạng, nhờ đó DN không tốn thời gian giao dịch, thủ tục kê khai cũng giảm hơn nhiều.


Ngoài việc tự cắt giảm những TTHC thuế trong thẩm quyền của mình, Tổng cục Thuế đang tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa một số Luật Thuế và Luật Quản lý thuế theo hướng, bỏ các quy định không cần thiết để đơn giản hóa quá trình thực thi TTHC thuế. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, nếu những đề nghị này được Quốc hội thông qua, sẽ tiếp tục cắt giảm được thêm 80 giờ nộp thuế/năm cho các DN. 
Chị Diệp Thị Mỹ Son, Kế toán trưởng Công ty quốc tế Satraco (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, kể từ khi ngành thuế mới chỉ vận động DN áp dụng kê khai thuế điện tử, DN đã quyết định áp dụng ngay hình thức kê khai này. Ngày đầu kê khai điện tử, tuy DN phải mua chữ ký số của các DN chuyên ngành khác đắt hơn bây giờ khá nhiều, nhưng thật sự là rất tiện cho chúng tôi khi không phải lui tới cơ quan thuế nhiều lần, tốn công sức lẫn thời gian, tiền bạc. Các nội dung kê khai cũng giảm nhiều, thí dụ việc sửa tên chỉ tiêu, bỏ bớt các cột không cần thiết, như ký hiệu mẫu, hóa đơn, mặt hàng, bãi bỏ bớt các bảng kê trong hồ sơ khai thuế GTGT...

Cùng quan điểm này, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau) Dương Văn Thịnh cho biết, là DN chuyên nhận làm dịch vụ kế toán, kê khai nộp thuế cho gần 100 DN vừa và nhỏ trên địa bàn, hơn ai hết chúng tôi nhận thức được sự quan trọng cũng như tác dụng của Thông tư 119.

"Theo ước tính của tôi, Thông tư 119 bước đầu đã giúp giảm được hơn 25% khối lượng công việc về kế toán thuế. Bản thân mô hình dịch vụ, đại lý thuế như của chúng tôi cũng được ngành thuế khuyến khích phát triển để giảm bớt chi phí cho các DN, trong khi lại bảo đảm được tính chuyên nghiệp, chính xác trong kê khai nộp thuế. Nhất là việc bỏ mức khống chế một tỷ đồng về tài sản cố định, máy móc, thiết bị... đầu tư, mua sắm của DN, hợp tác xã mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; hay quy định không cần phải đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế tài khoản tiền vay tại các tổ chức tín dụng dùng để thanh toán cho nhà cung cấp... rất được DN đồng tình", Giám đốc Dương Văn Thịnh cho biết.


Siết chặt khâu hậu kiểm

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, nếu thực hiện tốt Thông tư 119 sẽ cắt giảm được hơn 200 giờ nộp thuế cho DN.Một cuộc khảo sát một nghìn DN mới đây cho thấy, hơn 67% số DN đã công nhận những dấu hiệu tích cực về TTHC thuế sau khi Thông tư 119 được ban hành.

Tuy nhiên, cũng vẫn còn gần 30% số DN chưa thật sự hài lòng với cải cách thuế thời gian qua, nhất là về thủ tục in ấn, phát hành và mua hóa đơn. Nhiều DN còn lo ngại, sau khi thông thoáng ở khâu kê khai nộp thuế, ngành thuế sẽ "làm căng" khâu hậu kiểm. Việc thanh, kiểm tra thuế có thể khiến DN tốn nhiều công sức, tiền bạc và gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hoạt động kinh doanh của họ.


Thực tế qua hơn hai tháng triển khai Thông tư 119 cũng cho thấy, vẫn còn không ít DN nghi ngại về mục tiêu đầy tham vọng mà ngành thuế đang theo đuổi. Trong khi đó, nhiều cán bộ thuế lo lắng những thông thoáng có thể tạo ra những lỗ hổng, gây bỏ sót các khoản thu hay tạo điều kiện cho tình trạng gian lận, trốn lậu thuế có điều kiện phát triển.

Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) Hoàng Thị Lan Anh cho biết, "Cắt giảm TTHC thuế là tạo thuận lợi cho DN chứ không phải cho cơ quan thuế. Và khi cắt giảm TTHC thuế cho người nộp thuế thì đồng thời cơ quan thuế cũng sẽ phải tăng cường công tác hậu kiểm và kiểm tra quản lý theo đánh giá rủi ro. Cơ quan thuế sẽ phải xây dựng hệ thống các cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế theo hướng tập trung vào chất lượng hơn, vào thông tin có thể chia sẻ, trao đổi giữa các cơ quan thuế với nhau và giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước khác".


Sau những nỗ lực của ngành thuế, phần lớn DN khi được hỏi ý kiến vẫn mong muốn các TTHC thuế sẽ được đơn giản hóa hơn nữa. Ngoài ra, các DN hy vọng, cơ quan thuế sẽ tăng cường tập huấn, tuyên truyền về thuế và pháp luật thuế cho cộng đồng DN.

Cục trưởng Cục Thuế Cà Mau Phạm Khắc Ghi cho biết, nếu công tác tuyên truyền, tập huấn được làm tốt thì sẽ đỡ hơn rất nhiều cho việc trả lời thắc mắc, hỏi đáp chính sách. "Tuy vậy, thật sự chúng tôi là những người làm quản lý thuế trực tiếp, rất mong tránh được tình trạng quy định thay đổi quá nhanh, chưa kịp phổ biến hết quy định này đã bị thay bằng quy định khác, rất khó bảo đảm rằng công tác phổ biến cũng như áp dụng quy định mới đạt được hiệu quả cao như kỳ vọng", Cục trưởng Phạm Khắc Ghi khẳng định.


Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giảm TTHC về thuế cho người nộp thuế, ngày 10-10 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 151 hướng dẫn thi hành Nghị định số 91 ngày 1-10-2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11 tới và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập DN từ năm 2014. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, việc thực hiện Thông tư 151 góp phần giảm thêm được 88,36 giờ nộp thuế cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan nghiên cứu, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ để chuyển đổi dần từ quản lý dựa trên hóa đơn sang theo đối tượng, theo đánh giá rủi ro; nhất là với thuế GTGT, công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế phải dựa trên việc ghi chép, sổ sách kế toán của DN để đơn giản hóa TTHC nhưng vẫn phòng ngừa, chống thất thu, chống gian lận về khấu trừ, hoàn thuế khi bỏ quy định DN gửi bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra cho cơ quan thuế vào ngày 1-7-2015.

Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế và hải quan để có các giải pháp nhằm giảm tiếp số giờ thực hiện TTHC ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN 6 theo mục tiêu Nghị quyết số 19/2014 của Chính phủ đã đề ra.



Theo Nhân dân
Bình luận
vtcnews.vn