• Zalo

Tiếng Việt lớp 1 đánh đố học sinh

Giáo dụcThứ Hai, 28/11/2011 03:23:00 +07:00Google News

Trẻ vừa vào lớp một đã phải làm quen và học những từ rất khó bởi nhà soạn sách dường như quên mất tâm lý lứa tuổi.

Nỗi đau đầu lớn nhất của nhiều bậc cha mẹ ở thành phố là nếu không cho con đi học thêm, rất khó học tốt được môn Tiếng Việt 1. Trẻ vừa vào lớp một đã phải làm quen và học những từ rất khó bởi nhà soạn sách dường như quên mất tâm lý lứa tuổi.

Bìa sách Tiếng Việt lớp 1

Qua nửa học kỳ một, bác Trần Toàn (quận 5, TP.HCM) một cán bộ về hưu than thở: "Tôi đã cho cháu đi học thêm tuần ba buổi cô giáo của cháu ở lớp, lại học ở trường điểm ở quận, vậy mà hai ông cháu hàng ngày vẫn "đánh vật" với môn tiếng Việt. Có lẽ phải thuê gia sư mất".

Theo lý giải của bác Toàn, có những từ trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 mà ông không sao diễn tả cho cháu hiểu được. Nếu chỉ đọc như một con vẹt thì cháu sẽ chóng quên. Bác thắc mắc, tại sao khi dạy ghép vần, các nhà sư phạm không chọn những từ dễ hiểu, gần gũi trong cuộc sống và dễ hình dung.

Bác bức xúc:  ở bài 11 ôn tập, có từ "vơ cỏ", làm sao trẻ con thành phố có thể hiểu nghĩa từ này là gì? Tiếp đến bài 21 có từ "xe chỉ", từ này phải ở thời các cụ, còn nghề dệt vải thì mới hiểu được, còn bây giờ, sao không lấy những từ ngữ thường dùng nhất trong đời sống hàng ngày?

Chị Thu Hà, Quận 1, cũng liệt kê một loạt từ mà chị cho rằng, các nhà soạn sách đã không hề chú ý đến việc ở tuổi bỡ ngỡ đến trường, các cháu không thể hiểu được: từ "phố xá" bài 22, đây là một từ khá trừu tượng, ngay cả với em ở thành phố, nói gì đến nông thôn và miền núi, giá như người ta thay bằng từ "phố cổ" còn đỡ tức!

"Liệu các nhà soạn sách có thể thay giùm chúng tôi những từ như "ý nghĩ" (bài 27), "xưa kia" (bài 30), "trỉa đỗ" (bài 31), "lau sậy" (bài 39), "kêu gọi" (bài 40), "mưu trí" (bài 42)"vun xới" (bài 48), "vườn ươm", "cháy đượm" (bài 66)...bằng những từ đơn giản và dễ hiểu hơn không?", chị Hà cho biết.

Một số tính từ khó hiểu mà nên dành cho học sinh lớp 2 trở lên như "mơn mởn" (bài 46), "yên vui" (bài 49), "cuồn cuộn" (bài 51), "phẳng lặng" (bài 53), "đông nghịt" (bài 73), "bát ngát" (bài 75), "chênh chếch" (bài 82). Các nhà giáo dục có thể nghĩ được những tính từ mà trẻ con 6 tuổi hình dung dễ dàng hơn không?

Có cần thiết có những câu văn vẻ và quá dài cho trẻ ngay trong học kỳ đầu của lớp 1?

Theo chị Hà, cho bé đọc một câu dài quá 5 chữ ngay từ những bài đầu lớp 1 là quá sức. Vừa vào lớp 1, bé đột ngột chuyển từ việc chơi sang học một lúc quá nhiều môn, tập viết, tập đọc, làm toán mà khối lượng học tập lớn như vậy thì không tránh khỏi gia đình phải cho con đi học thêm thì mới theo kịp được bạn bè.

Chả trách, người ta đã phải cho con đi học chữ từ bậc mẫu giáo.

"Chẳng hạn như bài 18, các cháu lớp một đã gặp ngay một câu dài ngoằng: "bò bê có cỏ, bò bê no nê", đó là chưa kể, khó mà giải thích cho các con từ "no nê" là gì. Bài 14 cũng tương tự: "dì na đi đò, bé và mẹ đi bộ", là một câu phức vì có dấu phảy, tại sao không là một câu đơn cho dễ dàng cho các con?"

"Có những câu rất hay như "Gà mẹ dẫn đàn con ra bãi cỏ...", rất dễ hình dung với trẻ thì các nhà soạn sách lại đưa vào ít, họ lại đưa vào bài những câu văn vẻ dài dòng: "Mùa thu, bầu trời như cao hơn. Trên giàn thiên lí, lũ chuồn chuồn ngẩn ngơ bay lượn".

Xin hỏi các nhà giáo dục, sao không làm câu văn gọn gàng hơn, sao lại làm trí tưởng tượng của các em quá sức thế?", anh Xuân Trường, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Chị Thu Hà cho biết, năm nay TP.HCM đang triển khai giáo trình tiếng Anh tăng cường có tên "Family and friends" của nhà xuất bản Oxford, dành cho trẻ học từ lớp 1. Khi dạy con học, chị nhận ra, nhà viết sách chỉ dùng những từ rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày, khối lượng vốn từ không nhiều và rất dễ hình dung.

Đó là chưa kể, các bài học đều có một bài hát, hoặc đọc từ theo nhạc (gọi là "chant") để bớt nhàm chán. "Có lẽ trong tương lai, chúng ta cũng cần có audio kèm theo sách tiếng Việt để bài học sinh động hơn, hấp dẫn trẻ con hơn", chị Hà nói.

Bút Gỗ/VNN

Bình luận
vtcnews.vn