Thắt ruột tiếng rên
Trong căn phòng 603, khoa Bệnh máu trẻ em, viện Huyết học và Truyền máu TW, người cha tần tảo ấy cứ đều tay quạt cho con vừa ngủ vừa truyền hóa chất.
Cháu bé trai đầu trọc lốc, bé tẹo teo. Ai ngờ cháu đã 6 tuổi. Cháu đang nằm đó, mắt lim dim nửa ngủ nửa tỉnh. Thỉnh thoảng, cháu lại rên lên khe khẽ từng hồi. Tiếng rên như làm thắt lòng thắt ruột những người nghe thấy.Bụng Hương dần trướng lên vì lá lách to. Trong khi ngủ, chốc chốc cháu lại rên lên khe khẽ. (Ảnh: N Tâm)
Cứ mỗi lần cháu rên, bố cháu lại nhanh tay quạt. Có lẽ cháu đau, hay cháu quá mệt vì dòng hóa chất đang dần chảy vào người cháu. Nó khiến cháu mệt mỏi, suy kiệt, tóc rụng hết nhưng cũng chính nhờ nó mà cháu qua được từng cơn bạo bệnh.
Cháu tên là Lường Quốc Hương (sinh năm 2007, người dân tộc Thái, quê ở Thân Thuộc, Tân Uyên, Lai Châu). Nhìn cháu, tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến những đứa trẻ cùng tuổi khác. Chúng cao lớn, nghịch ngợm, chạy nhảy tung tăng trong sân trường. Chúng đi học, chúng vui đùa, rồi đi dã ngoại.
Còn Hường, cháu phải lặng lẽ nằm đây với đống dây truyền, với những bịch máu đỏ. Cháu bị suy dinh dưỡng, nặng chỉ 14,5 kg, đôi chân còi cọc, bé tí. Chỉ có cái bụng là to, trướng lên. Tôi nhẹ nhàng sờ vào cháu, bụng cứng lắm, còn tay thì nhẽo nhèo.
Vào tháng 5 vừa rồi, cháu bỗng nhiên sốt liên miên. Bác sỹ khám, siêu âm bảo phải truyền máu cho cháu vì cháu suy dinh dưỡng quá. 6 tuổi mà nặng như đứa trẻ 3,5 tuổi.
Chữa mãi, cháu vẫn liên tục bị sốt, gia đình chuyển cháu lên bệnh viện tuyến trên. Và đến viện Huyết học Truyền máu TW, sau khi làm các xét nghiệm, bác sỹ cho biết cháu bị lá lách to, sưng phồng. Cháu bị ung thư máu thể Lơ xê mi cấp.
Nghe tin con bị ung thư máu, người bố chết lặng. Con đi viện, anh một mình đèo đẽo chăm con. Sự đau xót ấy không nói nên lời. Người cha chỉ biết nuốt nước mắt để chăm con mà thôi.
Cháu nhập viện, truyền hóa chất đợt 1, đỡ sốt rồi. Bố yên tâm hơn nhưng trong lòng vẫn cánh cánh nỗi lo khôn cùng.
Đến 8/10, theo lịch hẹn, anh Nghĩa lại cho con lên Hà Nội để truyền hóa chất đợt 2. Lần này cháu mệt lắm, hay khóc hơn, cứ thở dốc và quấy nhiều.
Người cha hết bế rồi lại ôm con vỗ về. Đôi bàn tay chỉ biết cày cuốc, giờ nhẹ nhàng xoa lưng an ủi: “Con nín đi”. Người cha ấy không dám rời con 1 bước. Anh cứ ngồi đó, kiên trì quạt tay cho con yên giấc ngủ.
Xin ăn từng bữa
Bố cháu Hương là Lường Văn Nghĩa, anh nói tiếng Kinh còn không sõi, kể về con anh mà tôi thấy quặn lòng…
Khi sinh ra, cháu bé nhỏ nhưng cũng đủ tay đủ chân. Gia đình mừng lắm vì Hương là con trai duy nhất. Trên cháu có 3 chị gái. Chị cả năm nay đã 14 tuổi nhưng không được học hành gì. Hai chị nữa là sinh đôi hiện đang học lớp 5. Đến năm 2007, vợ chồng anh Nghĩa sinh được cháu Hương.Khi tỉnh dậy, cu cậu cũng kháu lắm, nheo nheo mắt cười. Giá như cháu có cuộc sống như bao bạn cùng trang lứa. (Ảnh: N Tâm)
Gia cảnh nghèo khó, vợ chồng anh Nghĩa chỉ có sào ruộng để làm. Những lúc có người thuê làm gạch thì cũng chỉ được 75 ngàn đồng/ngày. Năm 2003, anh ra ở riêng, rồi bố mẹ mất, anh nuôi ông nội. Cụ năm nay đã 95 tuổi nên chả đỡ đần gì được vợ chồng anh. Nghèo càng thêm nghèo, đứa đầu đẻ ra vì không có tiền mà không được học.
Giờ đây, đến đứa thứ 4 lại bị bệnh, gia đình vô cùng túng quẫn. Đợt 1 cháu vào điều trị, anh Nghĩa vay của người họ hàng 7 triệu, chịu lãi 350 ngàn đồng/tháng. Lần đó, tiền đi lại, ăn uống đã hết rồi.
Tiền thuốc truyền cho con lên tới 112 triệu đồng, nhưng gia đình anh là hộ nghèo nên được nhà nước chi trả nhiều. Anh chỉ phải đóng 1, 5 triệu đồng. Nhưng tiền ở viện, tiền ăn hàng ngày 2 bố con thì vẫn phải bỏ ra ăn.
Lần này lên Hà Nội, chạy vạy mãi anh cũng vay được 2 triệu đồng. Nhưng 2 triệu thì bõ bèn gì với 2 người sống ở đất Hà Nội cơ chứ? Bóp mồm, bóp miệng nhưng rồi tiền cũng hết. Bố con anh ở viện đã gần 1 tháng rồi.
Mỗi ngày, 2 bố con ăn hết 100 ngàn đồng. Gần đây, tiền hết, anh không biết xoay xở ra sao. Khi hết tiền, bố lại bế con lững thững ra ngoài viện. Nhiều người gặp thương lắm. Anh Nghĩa kể: “Ở quán tôi và con hay ra ăn, họ cũng quyên góp tặng bố con tôi hơn 1 triệu đồng. Nhưng giờ hết rồi. Giờ phải xin ăn từng bữa”.
Trước đó, gặp tôi ở hành lang, chị Nguyễn Thị Hương, Y tá trưởng của khoa bảo: Khổ thân bố con cu Hường lắm, nghe nói phải lần ăn từng bữa. Các bác sỹ, điều dưỡng, người cùng khoa thấy vậy cũng thương tình. Mỗi người ủng hộ cho bố con Hường để có đồ ăn hàng ngày.
Có chị vào trông bệnh nhi, thấy thương nên cũng rút túi biếu bố con 100.000 đồng dù chị cũng không giàu có gì. Anh cảm động lắm nhưng cũng chả nhớ tên ai đã tặng mình tiền. Chỉ biết mang ơn mà không biết nói gì.
Tôi hỏi: “Giờ trong túi anh còn đồng nào không?”. “Chỉ còn 100.000 đồng được cho thôi”. Ngậm ngùi thay cho hoàn cảnh của anh.
Anh kể: “Nhà khó khăn, có ít gà, vịt thì hôm kia vừa nghe vợ tôi điện thoại nói bị ăn trộm mất rồi. Giờ, tôi phải xin bác sỹ cho xuất viện thôi. Thuốc thì nhà nước cho nhưng tiền ăn hàng ngày giờ cũng không có.
Nhưng các bác sỹ bảo tôi. Cứ lấy tiền đi đường ra mua đồ ăn, còn tiền xe cộ, các bác ấy sẽ lo cho. Họ bảo tôi cứ để con ở lại điều trị, xin ăn được bữa nào tốt bữa ấy. Tôi chả biết làm sao nữa, có lẽ phải đưa con về nhà, đắp và uống thuốc lá thôi. Cháu sống ngày nào hay ngày ấy”. Người cha đau đớn bảo.
Hiện nay, nếu được điều trị, cháu Hưong có cơ hội kéo dài cuộc sống nhưng vì không còn đồng nào để ăn hàng ngày nên người bố này dự định đành đưa con về nhà chờ chết.
Quý độc giả, quý ân nhân có lòng hảo tâm, xin giúp đỡ hoàn cảnh trên và gửi về Báo điện tử VTC News
Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.
Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Lường Quốc Hương. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chúng tôi chuyển đến bệnh nhân.
Nguyễn Tâm
Bình luận