(VTC News) – Nếu các nhà làm phim hời hợt khi đưa những tác phẩm điện ảnh như thế này cho tuổi teen, thì cũng đừng trách các em đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Thời gian gần đây, trong cuộc đua nhằm chiếm lĩnh thị trường của phim Việt, bên cạnh những cố gắng đáng khích lệ, cũng không ít lần khán giả đã phải “kêu trời” về tư duy làm phim đang ngày càng bị tầm thường hóa, cũng như kiến thức tổng hợp “có hạn” của những người biên kịch. Mới đây, BBT VTC News nhận được chia sẻ của một độc giả, tuy chỉ là quan điểm cá nhân, nhưng cũng hàm chứa những điều đáng để tất cả chúng ta suy ngẫm… Dưới đây là nội dung bức thư tác giả gửi đến.
Kính thưa Ban Biên tập! Tôi được biết rằng, hiện nay, báo điện tử vtc.vn đang là một trong những tờ báo có uy tín, ảnh hưởng lớn trong việc định hướng dư luận đặc biệt là định hướng cho giới trẻ. Chính vì thế, tôi mạn phép xin gửi tới Ban Biên tập một phản hồi của tôi về một bộ phim dành cho tuổi thiếu niên đang được phát sóng trên VTV3. Mong Ban Biên tập lưu tâm, xem xét và cho đăng tải hoặc viết bài phản ánh về vấn đề này nhằm góp phần loại bỏ bớt những "hạt sạn" văn hóa trong phim giành cho giới trẻ hiện nay. Xin trân trọng cám ơn!
Bộ tứ 10A8 – Vô tình hay cố ý xúc phạm tiếng miền Trung?
Là một khán giả không quá trung thành với phim Việt, đặc biệt là các phim dành cho tuổi teen, nhưng những lúc rảnh rỗi, tôi cũng giành vài phút để xem “Bộ tứ 10A8” trên VTV3, coi đó như những phút ngắn ngủi để giải trí.
Tối hôm 30/8/2010, tôi có xem một đoạn phim trong “Bộ tứ 10A8” và bị sốc, liền đó là phẫn nộ về một cảnh trong phim.
Poster "Bộ tứ 10A8" - bộ phim dành cho tuổi teen
Khỏi phải nói thêm thì chúng ta cũng đều biết những bình luận xuôi chiều lẫn trái chiều quanh các bộ phim về tuổi teen hiện nay, trong đó có phim “Bộ tứ 10A8”. Tôi cũng không định "bới lông tìm vết” bằng việc phân tích lại ngôn ngữ, trang phục, phong cách hành xử của các nhân vật chính trong phim. Tuy nhiên, tập phim mà tôi xem tối hôm đó có nhân vật một thầy giáo dạy thể dục, người miền Trung. Và theo như cách diễn xuất, lời nói mà diễn viên thể hiện, theo tôi, đạo diễn đang muốn diễn tả một người Nghệ An.
Sẽ không có gì đáng nói nếu những lời nói của nhân vật này không được nhắc đi nhắc lại, nhấn nhá vào những từ có dấu sắc mà vốn dĩ dân miền Trung thường nói rất nặng. Với cách diễn tả đó, tiếng miền Trung nghe rất “buồn cười” nếu không muốn nói là bị bôi bác đến mức quá lố với những câu như: “Hôm nay, chúng ta thi môn chạy tiệp sức” (chạy tiếp sức), “Cạc em trật tự!” (các em trật tự), “Sao em lại đạnh mọng (đánh móng) chân màu đỏ như thệ này (thế này), cùng màu với giày như thệ này (thế này)?”... và rất nhiều những câu tương tự...
Tuy nhiên, điều đáng nói là cách mà nhà làm phim đặt dấu cũng hoàn toàn không đúng như phát âm phương ngữ miền Trung, cái này các chuyên gia ngôn ngữ có thể thẩm định nếu cần. Tôi rất bất bình về cách đem phương ngữ (mà lại dùng sai lệch) ra để chế giễu như thế!
Tôi cũng không hiểu khi xem phim này, các khán giả người miền Trung sẽ cảm thấy thế nào (chắc họ vừa buồn cười, vừa tủi phận - như chính tôi và chồng tôi), còn những người vùng khác chắc sẽ cười phá lên vì cách bôi bác đó. Và không thiếu các khán giả tuổi teen ở thủ đô, không hiếm người là con cháu của những ông đồ xứ Nghệ, các em nghĩ gì về điều này? Có cảm thấy chạnh lòng khi tiếng nói của ông cha bị đem ra làm trò cười?
Tôi có thể là một người quá nhạy cảm. Nhưng rõ ràng, đấy là cách chọc cười không đáng được có ở một bộ phim công chiếu cho đông đảo bạn trẻ. Trên màn ảnh Việt Nam hiện nay không thiếu những cảnh chọc cười kiểu này. Tiếng nói của dân Bắc không ít lần cũng bị đem ra làm trò cười. Điển hình là câu "Ba Vi có con bo vang", hay chữ “l” và “n” được phát âm nhầm lẫn của nhiều vùng nông thôn phía Bắc được cố tình đem gán cho các nhân vật nhà quê, ngớ ngẩn trên phim... Vùng đất Hà Tây có nhiều vùng nông thôn nghèo khó nhưng cũng là đất trăm nghề, văn hiến, những con người ở đó không phải không có cảm xúc gì khi các nhà biên kịch cứ đưa cái câu: "Ba Vi có con bo vang" lên màn ảnh...
Lẽ dĩ nhiên, phản ánh cuộc sống là chức năng của điện ảnh. Tuy nhiên, không thiếu cách để diễn ra sự phong phú của tiếng nói mọi miền trên đất nước ta. Nếu các nhà làm phim hời hợt khi đưa những tác phẩm điện ảnh như thế này cho tuổi teen, thì cũng đừng trách các em đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Lê Diệu Linh
Bình luận