Minh kể lại: "16h30 ngày 23/9, em nhận được cuộc gọi báo rằng mẹ em bị tai nạn nặng lắm. Lúc đó, chân tay em rụng rời, tim đập hoảng hốt, em cố nói mà không ra tiếng, chỉ còn nhớ cảm giác đầu óc quay cuồng choáng váng.
Em cố hết sức để trấn tĩnh và nghĩ xem mình nên làm gì, nhưng mọi dòng suy nghĩ cứ rối loạn trong đầu, còn em cố gỡ mãi không được. Nghĩ không nổi, em vội lao về với mẹ. Mẹ em nằm đó, người trắng bệch, chi chít vết thương, vết máu và hàng chục loại ống cắm trên người.
Mắt em nhòa đi vì lo lắng và sợ hãi. Em chỉ sợ mẹ em không qua khỏi. Nếu như thế thật, chắc em không sống nổi nữa, mẹ em là chỗ dựa tinh thần, là động lực sống cho em và cả nhà bao nhiêu năm nay rồi".
Theo chân của Minh, tôi đến gặp chị Vũ Thị Hường (trú tại thôn Cẩm La, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) - mẹ của Minh, đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.
Chị Hường được đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng đa chấn thương rất nặng, hôn mê sâu, chấn thương cột sống lưng và gãy một loạt xương sườn sau khi ngã từ giàn giáo cao khoảng 10m xuống đất.
BS Đỗ Danh Quỳnh, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực 1 - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Bệnh nhân Hường được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng hôn mê; không tự thở được, phải thở qua ống nội khí quản; mạch, huyết áp bất ổn, phải sử dụng thuốc trợ tim.
Do ngã từ trên cao xuống, nên bệnh nhân gãy một loạt xương sườn ở cả 2 bên, gây suy thở, chấn thương cột sống thắt lưng, liệt cả 2 chân, chấn thương rất nặng nề nhiều cơ quan”.
Cũng theo BS Quỳnh, để giữ lại mạng sống, chị Hường phải trải qua 2 ca phẫu thuật lớn là phẫu thuật dẫn lưu màng phổi và phẫu thuật chấn thương phần ngực, cố định cột sống.
“Đến thời điểm hiện tại, sau 20 ngày nằm viện điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo hơn, nhưng chỉ giao tiếp được theo lệnh. Bệnh nhân gãy nhiều xương sườn nên vẫn bị tràn máu, tràn khí màng phổi 2 bên. Người bệnh vẫn chưa bỏ được máy thở. Cột sống bệnh nhân bị chấn thương nặng nên có nguy cơ liệt hoàn toàn hai chân, phải ngồi xe lăn đến hết cuộc đời.
Nguy hiểm hơn cả, bệnh nhân Hường bị nhiễm một loại vi khuẩn đa kháng (kháng với nhiều loại kháng sinh) nên phải sử dụng những loại kháng sinh rất mạnh. Việc điều trị cho bệnh nhân sẽ còn kéo dài, chi phí điều trị rất cao", bác sĩ Quỳnh cho biết thêm.
Được biết, gia đình chị Hường thuộc diện rất khó khăn. Vợ chồng chị có 2 người con là Minh và một đứa con đang học lớp 6. Chồng chị là anh Hoàng Văn Thụ (46 tuổi) bị nhiễm độc chì nặng sau một thời gian làm thuê trong nhà máy sản xuất cao su. Anh Thụ còn bị bệnh thiếu máu cơ tim hành hạ, dằn vặt nhiều năm nay do không có tiền chạy chữa.
Chị Hường là trụ cột trong nhà. Để chăm lo cho các con và phụ giúp người chồng ốm yếu, chị đi phụ xây kiếm thêm thu nhập rồi gặp nạn.
Mọi việc bây giờ trông cậy vào Minh. Chàng trai 22 tuổi, thương bố mẹ, thương em đã rời nhà đi làm xa xứ để phụ giúp kinh tế của gia đình.
Minh khóc kể lại: "20 ngày mẹ nằm viện với em dài dằng dặc như 2 năm trời. Em nghỉ việc chạy về đây chăm mẹ. Bố em bị nhiễm độc chì nặng lắm, do độc nên xương giòn bị gãy xương liên tục. Chân bố em vừa gẫy liên tiếp 2 lần mới lành lại, nhưng từ ngày mẹ em nằm đấy, ông lại vào Nam, lao ra đường lăn lộn phụ giúp người trần xốp để kiếm thêm vài đồng.
Bố mẹ, người Bắc - người Nam lo cho nhau. Nhà em giờ vay mượn khắp nơi, nhưng sắp không cầm cự được nữa rồi.
Tiền chữa bệnh cho mẹ em tốn hàng trăm triệu đồng, mà sắp tới mẹ vẫn phải dùng thuốc, vẫn phải nằm điều trị dài ngày, rồi sau này lành lại còn phục hồi chức năng, không biết xoay ở đâu ra. Người thân, người quen mình vay mượn nhiều quá rồi, bây giờ có thương chắc họ cũng không thể cho mình vay thêm được nữa".
Bác sĩ Đỗ Danh Quỳnh – người trực tiếp điều trị cho chị Hường cho biết, sắp tới chị sẽ được hỗ trợ nhằm cai máy thở để có thể về chăm sóc ở nhà. Nhưng do nhập viện trái tuyến, chị Hường sẽ phải tốn rất nhiều tiền đến khi hồi phục được sức khỏe.
Riêng tiền phẫu thuật chấn thương cột sống đã tốn khoảng 70 – 80 triệu đồng, cộng thêm chi phí thở máy và chi phí kháng sinh đặc hiệu để điều trị viêm phổi cũng tiêu tốn tổng cộng hơn một trăm triệu đồng.
Thêm nữa, bệnh nhân bị chấn thương ở cột sống nên phải hỗ trợ hồi phục chức năng ở tủy sống, đồng thời hỗ trợ cho di chứng của bệnh nhân ở chân, chi phí sẽ khá tốn kém.
"Đây thực sự là một gánh nặng tài chính rất lớn", bác sĩ Quỳnh chia sẻ.
"Để có tiền lo cứu mẹ, em và bố phải vay mượn khắp nơi họ hàng, làng xóm 150 triệu đồng. Đến nay, lo ăn ở đi lại và trả tiền viện phí, số tiền này đã cạn, sắp tới khi những đồng tiền cuối cùng trong túi hết, em không biết có thể vay đâu thêm được nữa.
Người thân, người làng mọi người thương, nhưng ai cũng phải sống, phải chăm lo cho gia đình mình, người quê nghèo lấy đâu ra nhiều tiền giúp mình mãi được.
Số nợ này chắc phải để em sau này đi làm kiếm tiền trả nợ dần cho mọi người, bây giờ em chỉ mong có người thương giúp đỡ mẹ con em. Em mong mẹ nhanh khỏe lại, được về nhà với em”, Minh vừa nói, vừa đưa mắt nhìn mẹ đang nằm rơi nước mắt trên giường bệnh.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin liên hệ:
Em Hoàng Văn Minh – Con trai bệnh nhân Vũ Thị Hường
Địa chỉ: Thôn Cẩm La, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Số điện thoại: 0388694941
Hoặc Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Phòng 248 nhà C3
Điện thoại: 024.32668625, liên hệ số máy lẻ 585
Tài khoản Quỹ từ thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:
Tên tài khoản: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Số tài khoản USD: 12210370016823
Số tài khoản VNĐ: 12210000024248
Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Thành
Nội dung: Ủng hộ MS 642 hoặc Ủng hộ bệnh nhân Vũ Thị Hường
Video: Giàn giáo 10m đổ sập, 3 công nhân thoát chết thần kỳ
Bình luận