Tối 9/11, lễ tưởng nhớ Lam Khiết Anh được tổ chức tại một nhà thờ ở Hong Kong. Trương Vệ Kiện, diễn viên nổi tiếng Đào Đại Vũ, Đặng Tụy Văn hay Lý Lệ Trân có mặt trong dòng người mang hoa tới tưởng nhớ. Xen lẫn tiếng kinh cầu nguyện là tiếng la ó của một nhóm người. Họ là fan của Lam Khiết Anh. Họ đến tiễn biệt cô và kêu gọi đòi công lý.
“Lão đại nào đó hãy ra mặt tạ tội đi”, “Lam Khiết Anh không có được sự công bằng, chúng tôi cần sự thật” là những dòng chữ in trên băng rôn. Trả lời phỏng vấn Apple Daily, một người đàn ông tức giận: “Lão đại cần đền tội, đó là kẻ ai cũng biết là ai”.
Theo Ettoday, vài người nhà của Lam Khiết Anh phải ra mặt mời nhóm khán giả này ra về để lễ tưởng niệm có thể diễn ra thuận lợi. Buổi lễ sau đó có khoảng 300 người bao gồm cả nghệ sĩ và khán giả.
“Sống bị bỏ rơi, chết được thương xót” Trên Ettoday, MC nổi tiếng, ca sĩ hàng đầu Đài Loan thập niên 1980 Tào Tây Bình buông lời chỉ trích: “Giới giải trí đó toàn những người biết diễn xuất. Họ thích diễn xuất cả trong đời thực”.
MC Tào Tây Bình tin rằng nếu showbiz Hong Kong đoàn kết, Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong là tổ chức bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ thì Lam Khiết Anh đã không có cuộc sống bi kịch.
“Cô ấy lúc sống không được quan tâm, ngày mất đi sao lại lắm kẻ diễn trò thương tiếc. Chết rồi còn gì để nói nữa đây. Lam Khiết Anh chết rồi vẫn bị lợi dụng. Họ thi nhau kể về kỷ niệm cũ”, Tào Tây Bình chế nhạo.
Những ngày qua, Lam Khiết Anh được nhiều nghệ sĩ nhắc đến nhiều như một tượng đài thời hoàng kim của đài TVB. Lưu Gia Linh ngậm ngùi cho rằng “Lam Khiết Anh đã chết từ ngày bị cưỡng hiếp”.
Đào Đại Vũ, Cổ Thiên Lạc, Thành Long tán dương những đóng góp trong quá khứ của Lam Khiết Anh. Tại Thượng Hải, Quan Chi Lâm gửi lời chia buồn.
Cô không quên đưa ra phỏng đoán Lam Khiết Anh bị tâm thần nên quẫn trí, có thể tự nghĩ ra câu chuyện bị cưỡng bức năm nào. Phát ngôn của Quan Chi Lâm bị cộng đồng người hâm mộ Lam Khiết Anh phản đối mạnh mẽ.
Có khán giả cho rằng vì chán chường giới nghệ sĩ nên gia đình Lam Khiết Anh cự tuyệt lời giúp đỡ của tổ chức lễ tang từ Cổ Thiên Lạc. Cổ Thiên Lạc là chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong.
“Gia đình không tổ chức tang lễ ồn ào để gây chú ý cho người đang sống. Những người kia có ai thực sự yêu thương cô ấy đâu chứ”, một khán giả trả lời trên On.
Tội ác được bảo vệ ở showbiz Hong Kong
Là một trong những nghệ sĩ tốt nghiệp khóa đào tạo của TVB loại giỏi, Lam Khiết Anh nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công nhờ vẻ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành. Thập niên 1980, cô được nhắc đến là một trong những tuyệt sắc TVB. Chẳng ai ngờ, sau này cái tên của Lam Khiết Anh lại gắn với hai chữ “bà điên”.
Năm 2010, Lam Khiết Anh lần đầu kể về đời mình. Cô cho biết năm xưa khi còn xinh đẹp liên tục bị lừa qua đêm với đại gia. Cô không đồng ý, kết quả đã bị hai người đàn ông có máu mặt hãm hiếp ở Singapore.
“Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tôi thấy trên giường có khá nhiều tiền. Cảm giác hoảng loạn, sợ hãi. Tôi không dám tố cáo, chỉ biết mua thuốc tránh thai uống và khóc triền miên”, cô nói.
Trong cuốn tự truyện viết những năm cuối đời và chưa bao giờ được xuất bản, người ta thấy dòng chữ “Ác giả ác báo, chờ ngày đó” của nữ diễn viên. Hai thập kỷ qua, những kẻ hãm hại cô vẫn chưa được lôi ra ánh sáng.
Còn nhớ vào thập niên 1980 -1990, Hong Kong được coi là Hollywood phương Đông. Tất nhiên, nơi đây cũng là “chốn thiên đường của giới trùm Hương Cảng”.
Quyền lực của các ông trùm là không thể đo đếm, họ dễ dàng thao túng thị trường. Lưu Gia Linh chưa bao giờ quên được ký ức kinh hoàng 28 năm trước.
Một buổi tối tháng 4/1990, cô bị một nhóm người bắt cóc, lột sạch quần áo và quay lại clip đồi bại. Vụ việc sau đó trở nên ầm ĩ khi tờ báo East West mua lại độc quyền hình ảnh và đăng tải rộng rãi trong sự phẫn nộ của dư luận. Tờ báo bị chỉ trích nhưng tội phạm chưa bao giờ bị bắt giữ.
Giới trong nghề cũng đành tặc lưỡi cho qua. Họ nói Lưu Gia Linh nhận hậu quả khi dám làm mếch lòng một trùm xã hội đen, không đồng ý đóng phim có cảnh nóng hay đi tiếp khách. Nàng “A Châu” của Thiên long bát bộ 1997 Lưu Cẩm Linh cũng thân tàn ma dại, sự nghiệp tiêu tan khi thông tin cô bị một ông trùm xã hội đen bỏ thuốc mê, cưỡng hiếp và tống tiền bị phanh phui.
Lưu Cẩm Linh không có phim đóng, mức tiền sinh sống hàng tháng chỉ ngang thù lao của một người giúp việc ở Hong Kong, Lưu Cẩm Linh phải đi bán bảo hiểm kiếm sống.
Ở thời điểm giới giang hồ thâu tóm Hong Kong, không có thế lực nào dám đứng ra bênh vực một diễn viên trẻ, khó đưa những tay anh chị ra ánh sáng.
Khi đế chế phim ảnh Hong Kong giảm nhiệt, ảnh hưởng của những ông lớn đứng trong bóng tối cũng không còn như xưa. Thế là nhiều người nuôi hy vọng tội ác tình dục sẽ không còn tiếp diễn nữa.
Nhưng đến giờ, những kẻ gây ra tội ác cũ vẫn chưa bao giờ bị “sờ gáy”. Theo HKChannel, cảnh sát Hong Kong chưa lập án cưỡng hiếp tại giới showbiz trong hàng chục năm qua. Khó khăn với họ là bằng chứng.
Tăng Chí Vỹ, nghệ sĩ lớn có quan hệ rộng với giới xã hội đen, đối diện cáo buộc cưỡng hiếp Lam Khiết Anh mạnh miệng: “Clip ghi âm tố giác tôi là sự dàn dựng. Có bằng chứng hay không? Tôi là kẻ hiếp dâm hay không hãy để cảnh sát làm việc”.
Kỷ nguyên showbiz Hong Kong đã sụp đổ
Trong buổi trò chuyện với On, nam diễn viên Huỳnh Thu Sinh buông lời thất vọng với showbiz Hong Kong hơn 10 năm nay. “Thời kỳ hoàng kim đã qua rồi. Giờ chẳng còn ai để ý đến phim ảnh, âm nhạc ở Hong Kong nữa. Các bạn trẻ đóng phim vì sinh nhai không phải đam mê”, ông nói.
QQ viết: “Một tháng với sự ra đi của Kim Dung, nhà sản xuất Trâu Văn Hoài, tài tử gạo cội Nhạc Hoa, mỹ nhân một thời Lam Khiết Anh. Họ là những gương mặt làm nên danh tiếng showbiz Hong Kong. Thời đại của showbiz Hong Kong thực sự lùi vào quá khứ”.
Tờ QQ có lý do để đưa ra nhận xét khắc nghiệt như vậy. Nhắc đến ngành giải trí Hoa ngữ, hàng chục năm qua người ta nói đến những tượng đài như Thành Long, Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Trương Quốc Vinh, Mai Diễm Phương. Nhưng phần lớn trong số họ hoặc đã qua đời hoặc đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp.
Đài TVB danh tiếng một thời đã phải cắt giảm chi phí, chấp nhận cảnh nghệ sĩ dứt áo ra đi. Đài ATV cũng trở thành quá khứ khi sụp đổ vào năm 2015. Từ những năm 1990 với con số 200 phim làm ra mỗi năm, đến năm 2004 chỉ còn 70 phim. Theo báo cáo mới trong năm 2016, Hong Kong trung bình ra mắt 30 phim. Đáng nói, không tác phẩm nào tạo được tiếng vang.
20 năm qua, Hong Kong có thêm một số phim điện ảnh gây chú ý như Tuyệt đỉnh Kung Fu, Mười năm, Tâm trạng khi yêu, Diệp Vấn, phim truyền hình có thể kể đến Thâm cung nội chiến. Nhưng ngần đó là chưa đủ với một nơi từng là đế chế điện ảnh châu Á.
Đạo diễn trẻ Hoàng Tiến trăn trở về tương lai điện ảnh xứ Cảng thơm. “Đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ Hong Kong đang ở đâu trong bản đồ điện ảnh? Đã đến lúc chúng ta cần phải tìm lại chính mình”, anh trăn trở.
Bình luận