Năm 1914, Mặt trận phía Tây của Thế chiến I chứng kiến lệnh ngừng bắn tự phát được gọi là Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh. Cho đến bây giờ, đây vẫn là một trong những khoảnh khắc đặc biệt và được nhắc lại nhiều nhất của cuộc đại chiến, hay thậm chí của bất kỳ cuộc xung đột nào trong lịch sử.
Lính súng máy người Anh, Bruce Bairnsfather, sau này trở thành họa sĩ biếm họa nổi tiếng, đã viết về sự kiện này trong hồi ký của mình.
Giống như hầu hết các đồng đội thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Royal Warwickshire, Bairnsfather trải qua đêm trước lễ Giáng Sinh trong giá rét, run rẩy giữa bùn lầy.
Trong nhiều tháng trước đó, Bairnsfather tham gia chiến đấu với quân Đức. Đến thời điểm đó, ở một vùng đất của Bỉ có tên là Bois de Ploegsteert, ông co ro trong chiến hào sâu 0,9 m và hẹp chưa đầy 1 m. Mỗi ngày trôi qua với Bairnsfather như vòng lặp bất tận của nỗi lo sợ, thiếu ngủ, cầm hơi bằng bánh quy khô cứng và những điếu thuốc ướt nhẹp.
“Tôi ở đây, trong cái hố đất kinh khủng này... lạnh lẽo, ẩm ướt và nhầy nhụa”, Bairnsfather viết. “Dường như không có cơ hội nào để rời đi - trừ khi nằm trên xe cứu thương”.
Tiếng hát đêm Giáng sinh
Khoảng 22h, Bairnsfather nhận thấy một tiếng động. “Giữa bóng tối đen kịt, tôi có thể nghe thấy những âm thanh loáng thoáng vang lên bên kia chiến trường", ông nhớ lại.
Bairnsfather quay sang đồng đội trong chiến hào và nói: “Anh có nghe thấy tiếng người Đức ở đằng kia không?”.
"Đúng vậy", người đồng đội trả lời. "Họ làm điều đó một lúc rồi!".
Lính Đức đang hát những bài hát chúc mừng vì đó là đêm Giáng sinh. Trong bóng tối, một số binh sĩ Anh bắt đầu hát lại và ở đầu bên kia, một lính Đức nói to bằng tiếng Anh: "Lại đây!".
Một trong những trung sĩ người Anh thận trọng: “Các anh đi nửa đường bên đó, chúng tôi đi nửa đường bên này”.
Những gì xảy ra tiếp theo khiến cả thế giới sửng sốt và làm nên lịch sử. Những người lính Anh và Đức trèo ra khỏi chiến hào và gặp nhau tại “vùng đất không người”, nơi trước đây hai bên chỉ giao tiếp bằng những làn đạn và tiếng súng liên hồi, hoặc chỉ bước ra đó để "nhặt xác" đồng đội đã hy sinh.
Vào giây phút kỳ lạ đó, “vùng đất không người” chứng kiến những cái bắt tay và lời thăm hỏi ân cần. Những người lính hai bên cùng nhau ngân nga bài hát, chia sẻ thuốc lá và rượu vang, tham gia vào bữa tiệc Giáng sinh tự phát trong đêm lạnh giá.
Bairnsfather không thể tin vào mắt mình. “Không chút hận thù nào ở cả hai bên”.
Không khí an lành không chỉ bao trùm Mặt trận phía Tây mà một số sự kiện tương tự cũng diễn ra ở Mặt trận phía Đông.
Đối với những người tham gia, đây chắc chắn là khoảng nghỉ cứu rỗi tâm hồn sau tháng ngày dài khốn khổ trong các chiến hào ở mặt trận.
Những lời kể
Đến nay, nhiều người vẫn đặt nghi vấn về Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh năm 1914, như tình tiết cụ thể, vị trí bắt đầu sự kiện và làm cách nào khoảng 100.000 binh sĩ của hai bên tham gia vào thỏa thuận đình chiến này.
Tuy nhiên, những mô tả về sự kiện xuất hiện trong nhiều cuốn nhật ký và thư từ thời đó.
Lính bắn tỉa người Anh, J. Reading, viết thư về nhà cho vợ mình, kể lại trải nghiệm đón Giáng sinh năm 1914: “Đơn vị anh đóng ở tuyến đầu và anh phải canh phòng trong ngôi nhà đổ nát cho đến 6h30 ngày Giáng Sinh. Sáng sớm hôm đó, quân Đức bắt đầu hát và hô lớn, tất cả đều bằng tiếng Anh rất chuẩn. Họ hét lên: ‘Các anh có phải là Lữ đoàn Súng trường không; các anh có còn rượu không; nếu có, chúng tôi sẽ đi nửa đường và các anh đi nửa đường còn lại’.
Sau đó, họ đi về phía bọn anh. Và các đồng đội của anh ra gặp họ. Anh bắt tay với một vài người và họ tặng bọn anh thuốc lá và xì gà. Hôm đó không có tiếng súng nổ và mọi thứ an lành như giấc mộng”.
Một binh sĩ Anh khác, tên là John Ferguson, hồi tưởng lại: “Chúng tôi cười đùa và trò chuyện với những người mà chỉ vài giờ trước chúng tôi còn đang cố bắn hạ!”.
Võ sĩ người Anh Ernie Williams trong một cuộc phỏng vấn về đã kể lại ký ức tham gia trận bóng đá trên chiến trường: "Quả bóng xuất hiện từ đâu đó, tôi cũng không rõ... Họ dựng tạm hai khung thành, có người người xung phong làm thủ môn và rồi trận bóng sôi nổi diễn ra".
Các nhật ký và thư từ khác miêu tả cảnh quân Đức sử dụng nến để thắp sáng những cây thông xung quanh chiến hào của họ. Một số lính Đức giơ khẩu hiệu "Các anh không bắn, chúng tôi không bắn".
Hồi ký của một lính bộ binh Đức tả lại cảnh binh sĩ Anh dựng một tiệm cắt tóc tạm thời, thu của lính Đức vài điếu thuốc cho mỗi lần cắt. Những câu chuyện khác mô tả cảnh tượng những người lính giúp đối phương an táng thi thể đồng đội đã ngã xuống - vốn nằm lại rất nhiều trên chiến trường.
Trung úy Đức Kurt Zehmisch của Trung đoàn bộ binh Saxons 134 nhớ lại cảm xúc khi đó: “Thật kỳ diệu và thật lạ lùng! Các sĩ quan người Anh cũng có cảm giác tương tự. Giáng sinh, lễ hội an lành đã gắn kết những kẻ thù không đội trời chung thành bạn bè trong một khoảng thời gian”.
Kể lại khoảnh khắc cuối đêm Giáng sinh, một lính súng trường thuộc Lữ đoàn súng trường số 3 của Anh cho biết người lính Đức nói: "Hôm nay chúng ta sống trong hòa bình. Ngày mai bạn chiến đấu vì đất nước của bạn. Tôi chiến đấu vì đất nước của tôi. Chúc may mắn!”.
Trong suốt thời gian còn lại của Thế chiến I - cuộc đại chiến cướp đi sinh mạng của khoảng 15 triệu người - không có Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh nào khác diễn ra. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ ấm áp kỳ lạ vào dịp Giáng sinh năm 1914 nhắc nhở tất cả mọi người rằng chiến tranh không phải do ai ép buộc mà do chính con người gây ra.
Trong nhiều năm sau đó, Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, phim truyền hình, quảng cáo và cả các bài hát nổi tiếng.
Ngày nay, một đài tưởng niệm được dựng lên tại Vườn tưởng niệm quốc gia Anh để tưởng nhớ Thỏa thuận đình chiến Giáng sinh năm 1914.
Bình luận