• Zalo

Tiếng gào thét trong phòng đẻ

Sức khỏeThứ Tư, 19/02/2014 06:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thỉnh thoảng, tiếng gào thét vọng ra, rồi tiếng khóc vì sung sướng nhưng cũng có tiếng khóc nghẹn ngào khổ đau.

 

 

Khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là nơi mà niềm vui với tiếng reo sung sướng đi liền với nỗi buồn cùng tiếng khóc nghẹn ngào.

Những tiếng gào… sung sướng

Nếu sản phụ nhập viện cấp cứu vì sắp sinh hoặc dọa đẻ sớm sẽ được đưa lên khoa đẻ để được chăm sóc.

Phía ngoài khoa đẻ, bệnh viện Phụ sản TW, sáng ra đã la liệt người ngồi, nằm chờ các bé sinh. Cảnh tượng vừa nhếch nhác nhưng cũng rất ấm cúng.

 

 Nằm, ngồi chờ sản phụ bên hành lang khoa đẻ. Ảnh: Nguyễn Tâm

 

Thôi thì, mỗi người mỗi cảnh, người ở Hà Nội hay dù ở các tỉnh xa đều phải chuẩn bị đủ: làn đựng cặp lồng, thức ăn, chăn chiếu, phích, làn đồ cho em bé... để cháu bé sinh ra thì mọi thứ đều sẵn sàng.

 

Bên phòng này, sản phụ được bác sỹ thăm khám, điều dưỡng lắp máy monitor theo dõi tim thai và mức co tử cung.

Phòng bên kia, là những sản phụ đã lên bàn đẻ. Chốc chốc, tiếng gào lại vang lên, nhưng ấy là cái gào của sự sung sướng trước một sinh linh sắp chào đời.

Chị Thao, một phụ nữ 45 tuổi (Nam Định) lần đầu có con bảo: ‘Lắm lúc nghĩ thấy buồn cười, vào khoa Đẻ cứ như vào trại thương điên ấy nhỉ. Chỉ khác là ở đây mang lại niềm hạnh phúc. Tiếng gào thét kinh quá, chắc là đau lắm’.

Trong phòng đẻ hôm 15/2, một sản phụ 28 tuổi được tiêm thuốc để giữ thai vì thai đang dọa sinh non khi mới 30 tuần. Người mẹ ấy mong chờ con được ở trong bụng thêm ngày nào, tốt ngày ấy.

Thỉnh thoảng có tiếng trẻ khóc oe oe vang lên ở phòng bên chị lại ngân ngấn nước mắt nghĩ đến con mình. Chị càng có thêm hy vọng để trông chờ.

Gần trưa, người nhà được yêu cầu ra ngoài hành lang đợi, 2 cánh cửa thông ra hành lang bị đóng chặt. Chốc chốc, sản phụ nặc nè bê bụng ra lấy đồ người nhà gửi, lúc thì hộp sữa, lúc thì chai nước.

Bà Thắm (Nam Định) ra chăm em gái là chị Thao, mới mang bầu được 30 tuần nhưng vì chảy nước ối nên gia đình thuê xe chở lên bệnh viện phụ sản TW cấp cứu.

Bà cho biết, lúc đi trên đường, lái xe có giới thiệu cho tôi 1 người quen chuyên dẫn sản phụ vào đẻ. Người đó sẽ sắp xếp để chị Thao được chăm sóc tốt.

Tin lời, bà Thắm đã thuê người đàn ông đó đến để ‘dẫn đường’. Bà Thắm ‘nhờ’ mà không hề hỏi giá trước, nên khi chị Thao đã vào trong phòng chờ sinh rồi, bà Thắm lại băn khoăn không biết người đó sẽ hét giá bao nhiêu?

Lúc phóng viên có mặt ở khoa đẻ, người đàn ông này chốc chốc lại điện thoại để nhờ giúp… và tỏ ra rất hiểu biết về việc sinh nở.

Không chỉ chị Thắm, nhiều sản phụ đều tìm cho mình người ‘dẫn dắt’. Người may mắn có người thân, quen nếu không vớ lấy một người nào đó mà mình được giới thiệu.

 

 Người nhà sản phụ tìm chỗ nằm ở sân viện sau khi được yêu cầu ra khỏi hành lang khoa đẻ. Ảnh: Nguyễn Tâm.

 

Không chỉ chị Thắm mà chị Nhàn (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng sắp sinh và tìm được một điều dưỡng sẽ dẫn chị đi khám, thử máu… Nhưng chị sẽ phải trả một khoản phí khá cao.

 

Vì vậy, các bà mẹ định tìm người hỗ trợ mà người đó không quen biết từ trước nên hỏi rõ chi phí để khỏi ‘giật mình’.

Nơi tình yêu thương vẫn đầy

13h30 phút, tại hành lang khoa đẻ, một anh bảo vệ ra nói: “Các bác vui lòng dọn đồ xuống sân ạ”. Một câu nói khiến phóng viên khá ngạc nhiên. Phải chăng, văn hóa ở bệnh viện công của Việt Nam đã được cải thiện?

 

 Cùng nhau ngồi chung chiếu, đắp chung chăn, mời nhau ăn suất cơm, cái bánh. Ảnh: N. Tâm

 

Cũng chính anh bảo vệ này, trước đó, thỉnh thoảng lại chạy ra hỏi: “Có người nhà chị .... đâu không? Chị ấy cần uống nước...”

 

Không chỉ anh bảo vệ, một chị điều dưỡng trông xinh xắn, trắng trẻo cầm khóa cửa nói năng quá nhẹ nhàng: “Có người nhà Hương không ạ?”...

Bà Hoa (Bắc Giang) đi trông con dâu đẻ nói: Chị ấy là tử tế nhất nhỉ. Họ phải khóa vậy, chứ đông người thế này vào trong đó thì làm sao sạch sẽ được.

Phóng viên ngồi canh bà Thắm và bà Hoa, cả người đều trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng. Em bà Thắm đã nhiều tuổi, lại sinh lần đầu. Còn con dâu bà Hoa thì thai mới có 32 tuần, bị rỉ ối, con trai bà thì sở TP. HCM đang trên đường về.

Cả 2 người ấy đều có một tâm trạng không yên. Bà Thắm bảo: “Em nó mà may mắn thì giữ được cháu bé, không thì chúng tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần rồi. Bác sỹ nói thai còn nhỏ nên không biết thế nào”.

Còn bà Hoa tâm sự: “Nhà chồng nó ở Sóc Sơn, nó đang ở nhà tôi chơi, thế mà hôm qua bỗng nhiên bị chảy máu, rỉ ối. Tôi lo lắm, cái thai mới 32 tuần thì còn bé quá”.

Trong thời gian chờ trực ở khoa đẻ, thỉnh thoảng, lại có tiếng nói vọng ra: “Chồng nhà Hương đâu, sinh rồi nhé, con nặng 3,4 kg”.

Người chồng vội vã đứng dậy theo chân điều dưỡng vào phía trong. Nhiều tiếng nói với theo “Chúc mừng nhé”; “Sướng thế”.

Nhưng không phải ai cũng vui mừng, hạnh phúc như vậy. Ngày hôm trước, chị H. phấn khởi nằm chờ sinh ở khoa đẻ. Chị mang thai 36 tuần với thai đôi 1 trai, 1 gái. Ai hỏi xong cũng mừng cho chị một lúc có cả nếp cả tẻ.

Vậy mà tảng sáng hôm sau, chị vào phòng đẻ ra, trên tay đeo 1 vòng đỏ, một vòng xanh (vòng có mã số mẹ và con trùng nhau). Nhưng chị lại khóc. Mẹ chị thấy con khóc thì cũng vỡ òa ngấn lệ bảo: Nín đi con.

Càng dỗ con, bà càng khóc to. Đến nỗi, điều dưỡng ra bảo: Bà có nín khóc thì con bà mới nín được chứ. Thế mà, 2 mẹ con lại ôm nhau khóc không thôi.

Chẳng hiểu có đứa nào trong 2 đứa bé mới sinh con chị H. gặp vấn đề gì, nhưng nhìn người bà, người mẹ ấy khóc thì linh cảm là lành ít dữ nhiều.

Sự đồng cảm, chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ khiến ngày giá lạnh thêm ấm áp.

Ở cái hành lang bé hoen hoẻn này, có cái chiếu trải ra ngồi hay nằm là quý. Người không có chiếu còn được mời: “Bác ngồi xuống đây đỡ mỏi chân”.

Thế là, cùng trên 1 cái chiếu ấy, người quê, người tỉnh cùng đắp chung 1 chăn. Họ có miếng xôi, suất cơm lại mời nhau cùng ăn qua bữa.

Những lúc phải xuống sân, trời lạnh căm căm, họ cùng trải chiếu và nằm cạnh nhau trong cái chăn cũ mèm.

Đồ đạc thì nhiều, nhưng họ biết cách đùm bọc nhau. Người này bận, người kia trông giúp. Người này không mua được đồ ăn hay nước nóng, người bên cạnh sẽ mua hộ.

Ở cái nơi mà ‘như chạy loạn’ theo lời một người nhà bệnh nhân nói thì vẫn còn đó những tình người ấm áp lắm.

Một bác sỹ trực ở khoa đẻ ngày 16/2  chia sẻ: “Mọi người  cứ nghĩ đến phong bì, phải cảm ơn nhưng là bác sỹ thì dù có phong bì hay không chúng tôi vẫn phải chăm sóc sản phụ khi họ đến viện.

Tôi chăm sóc họ và nghĩ đến việc các con tôi sẽ được thừa hưởng cái phúc từ những điều mà mẹ nó đã làm”.

Và chị, đã giúp đỡ rất nhiều người bằng tấm lòng của một bác sỹ cũng có 2 con nhỏ.

 

Bình luận