Theo SCMP, đồng nhân dân tệ ngày 6/11 có lúc giảm hơn 900 điểm cơ bản so với USD, rơi xuống dưới mốc 7,19 trước khi hồi lại một phần.
Ông Nick Marro, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit, cho biết sự bất ổn của các nhà đầu tư quốc tế có khả năng khiến đồng USD mạnh hơn, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Marro cho biết thêm, tác động lạm phát từ các mức thuế thương mại mà ông Trump đề xuất cũng có thể làm phức tạp thêm triển vọng nới lỏng tiền tệ của Mỹ, đặc biệt nếu giá tiêu dùng tăng trở lại trên 3%, điều rất có khả năng xảy ra nếu ông Trump thực hiện các đe dọa chính sách của mình.
"Đồng USD mạnh trong thời gian dài, cùng với lãi suất cao kéo dài ở Mỹ có thể duy trì mức chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn mang tính thích ứng", ông Marro nói.
"Cùng với những rủi ro địa chính trị, không thể không kể đến nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, những yếu tố này sẽ duy trì áp lực mất giá với đồng nhân dân tệ", ông Marro cho hay..
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ can thiệp để kiểm soát mức độ mất giá nhằm ngăn chặn đợt suy giảm mạnh hơn nữa, điều có thể làm xói mòn thêm lòng tin vốn đã yếu ớt của nền kinh tế Trung Quốc, Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc tại Standard Chartered, nhận định.
Ông Ding cho rằng tỷ giá hối đoái giữa USD và nhân dân tệ có khả năng trở thành một trong những con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán Mỹ - Trung về thuế.
Ông Trump từng phàn nàn đồng USD bị định giá quá cao, làm giảm tính cạnh tranh của xuất khẩu Mỹ, đẩy thâm hụt thương mại lên cao và ảnh hưởng đến ngành sản xuất cũng như việc làm của nước này.
"Ông Trump hy vọng đồng USD sẽ không quá mạnh và ảnh hưởng đến tính cạnh tranh bên ngoài, trong khi Trung Quốc không muốn đồng nhân dân tệ quá yếu", ông Ding nói. "Hai bên có thể tìm thấy một điểm giao nhau".
Bình luận