Chung kết Thần tượng Bolero 2018 vừa kết thúc với ngôi vị Quán quân thuộc về học trò của HLV Ngọc Sơn – Duy Cường. Có dịp gặp gỡ sau đêm thi, danh ca Ngọc Sơn được dịp chia sẻ những điều thú vị với VTC News.
- HLV Ngọc Sơn nghĩ thế nào về chiến thắng này của học trò mình?
Duy Cường cố gắng hết sức mình và được mọi người yêu thương, Bản thân tôi từng là một người vượt lên từ khó khăn, tình cảm dồn vào giọng hát nên không phải cứ bật ra tiếng hát là chuyên nghiệp ngay nhưng sẽ có cái tình trong đấy.
Bolero cần nhất là có cái tình từ trải nghiệm cuộc sống, từ khó khăn gian khổ lên. Duy Cường lên đến được tiến sĩ triết học là một niềm hãnh diện của gia đình nên khi Cường hát nhạc Bolero - thể loại nhạc đặc trưng cho tình cảm của người Việt Nam rất tình cảm.
Ngay từ lần đầu tiên nghe Cường hát, tôi thấy xúc động, tôi biết nhân tố như Cường khi được rèn luyện sẽ trở thành một viên ngọc sáng, cống hiến cho khán giả.
- Anh có lo ngại cho học trò trước đêm chung kết khi có một đối thủ “nặng kí” là học trò của Như Quỳnh?
Tôi có lo ngại chứ, nói chung tôi yêu thương tất cả các bạn, ai cũng là học trò hết bởi chúng tôi đều chung một “mái nhà” Bolero. Tuy nhiên, Duy Cường có thời gian gắn bó với tôi nhiều hơn vì là học trò riêng. Cậu ấy ngoan lắm, biết yêu thương kính trọng cha mẹ, tôn sư trọng đạo và biết đối nhân xử thế.
Cũng may mắn, trong cuộc đời tôi cầu mong tìm được một người có trình độ hiểu biết, có thêm trí tuệ, hành trang cho người ca sĩ. Hai thầy trò luôn cố gắng hết sức mình, cúi “tấm thân nhỏ bé” để đáp lại tấm lòng yêu thương của đại gia đình.
- Anh có nghĩ yếu tố ngoại hình củaDuy Cường tác động đến kết quả cuối cùng của cuộc thi hay không?
Tôi không biết thế nào là đẹp. Người mẫu dù cao hay thấp vẫn có nét đẹp của họ. Đẹp trong nghệ thuật, trong âm nhạc là tình cảm con người trong cái hồn mình toát ra, được khán giả yêu thương.
Ngày xưa, tôi cao nhưng ốm và đen, có thể nói là không có ngoại hình nhưng vẫn được khán giả yêu thương, họ cho rằng cái đẹp của tôi là tình cảm lồng trong bài hát khi thể hiện.
Cái đẹp trong Duy Cường cũng vậy, là ở sự phấn đấu rèn luyện. Duy Cường có lợi thế là học từ trường đời, từ khó khăn vươn lên nên được mọi người thương. Đó là vốn sống rất tốt cho cậu ấy và ảnh hưởng tốt đến dòng nhạc Bolero – một sự gian truân làm cho con người vươn lên có một hình ảnh đẹp.
- Trong những năm gần đây, có nhiều cuộc thi nhưng đầu ra thí sinh không có bệ đỡ vững chắc. Anh có nhận thấy tình trạng này không và có phương hướng gì để giúp cho học trò của mình có đường đi tốt hơn ?
Học trò quá lợi thế khi có cách ngân giọng giống tôi.
Ngọc Sơn
Học trò của tôi trong cuộc thi năm ngoái là Hồ Phương Liên, bây giờ có rất nhiều show diễn bởi em ấy hát bằng trái tim. Tài sản quý nhất của con người là trí lực, trí tuệ và sức mạnh.
Trí lực đó phải được rèn và tôi luyện bằng chính mình. Sự lao động của mình rèn cho mình cái đẹp toả ra để mọi người yêu mến. Bản thân tôi và học trò đều cống hiến hết mình cho xã hội và được nhiều người yêu mến khi đi hát và Duy Cường cũng vậy.
Chắc chắn đây chỉ là bước đầu thôi, sau đó sẽ bừng sáng lên nữa đem tự hào đến cho quê hương rằng có một tiến sĩ triết học rất giỏi, sống đạo đức lại hát Bolero rất hay.
- Giọng hát của Cường có những khoảng ngân rất giống anh, điều này là lợi thế hay hạn chế của bạn sau này?
Quá lợi thế bởi tôi được đào tạo trong Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, học cùng với các giáo sư. Từ bên ngoài được nhiều người yêu mến, từ chính quy, tôi dạy cho học trò mình hát hay.
Duy Cường không giống giọng tôi, người ca sĩ cần có chất riêng và cậu ấy rất có chất riêng, chỉ cần cất giọng lên là biết Duy Cường ngay vì cách hát bài bản và có trình độ âm nhạc. Cách dạy của tôi tự nhiên nhưng đi sâu vào lòng người.
- Các bạn trẻ hiện tại có bất lợi là giọng giống nhau và khó tách biệt, anh nghĩ có thể khắc phục được như thế nào?
Mỗi người có một chất giọng khác nhau nên tôi nhìn thấy sâu trong con người đó cần sửa chỗ nào và làm sao đi một cách nhẹ nhàng trong lòng mọi người. Duy Cường là một trường hợp rất đặc biệt và rất tuyệt vời.
Tôi rất hãnh diện khi quê hương chúng ta khi có một chương trình mà một tiến sĩ triết học trở thành quán quân Thàn tượng Bolero, sau này sẽ còn tiến bước dài hơn nữa.
- Anh nghĩ thế nào về nhận định “người miền Bắc vẫn hát Bolero hay nhưng miền Nam mới có chất giọng tình nhất đối với dòng nhạc này”?
Có lợi thế hơn vì người Nam nghe Bolero hằng ngày, nằm trong cái nôi của Bolero nên sẽ lợi hơn về cách phát âm. Người miền Nam có cảm nhận về Bolero nhiều hơn nhưng không có nghĩa người miền Bắc và người miền Trung không thể hát Bolero hay.
Qua sự đào tạo cấp tốc của tôi, mọi người thấy Duy Cường hay Hồ Phương Liên đều hát đậm chất Bolero. Nói chung, tùy vào cách huấn luyện và đi đúng đường sẽ rất tuyệt vời khi hát Bolero.
- Xin cám ơn anh về những chia sẻ trên!
Video: Danh ca Ngọc Sơn xúc động khi nhắc về người cha đã mất
Bình luận